Tuyên bố được Chánh văn phòng Nội các Nhật đưa ra tại họp báo hôm nay (27/8) ở Tokyo, khi được đề nghị bình luận về việc Trung Quốc phóng 2 tên lửa đạn đạo diệt hạm ra Biển Đông hôm 26/8, đồng thời nói thêm rằng Nhật Bản đang theo dõi các động thái của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông "với sự quan ngại".
"Các vấn đề ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến hoà bình và ổn định của khu vực, là vấn đề lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có đất nước chúng tôi", ông Suga nói.
Tuyên bố được ông Suga đưa ra một ngày sau khi một nguồn thân cận với quân đội Trung Quốc cho hay nước này phóng hai tên lửa đạn đạo diệt hạm từ Thanh Hải và Chiết Giang ra Biển Đông sáng 26/8 để cảnh báo Mỹ. Một tên lửa DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc Trung Quốc, trong khi tên lửa DF-21D được phóng từ tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc.
Nguồn tin giấu tên cho hay cả hai tên lửa đều rơi xuống khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc hôm 25/8 nói rằng trinh sát cơ U-2 của Mỹ có "hành động khiêu khích" khi di chuyển vào "vùng cấm bay, nơi đang diễn ra một cuộc diễn tập bắn đạn thật của Chiến khu phía Bắc".
Trước đó, cơ quan an toàn hàng hải của Trung Quốc thông báo quân đội nước này tổ chức nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật tại khu vực Bột Hải và Hoàng Hải ngoài khơi bờ biển phía bắc nước này ngày 25-29/8.
Quân đội Trung Quốc gần đây tổ chức nhiều cuộc diễn tập và tập trận tại các vùng biển xung quanh nước này. Truyền thông Trung Quốc hôm 20/8 đưa tin hai khu trục hạm và một hộ vệ hạm nước này diễn tập bắn đạn thật tại biển Hoa Đông. Cục Hải sự tỉnh Hải Nam tuần trước thông báo quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập trái phép ngày 24-29/8 tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và Đông Nam đảo Hải Nam.
Việt Nam đã nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo này, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, gây phức tạp tình hình, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói trong thông cáo ngày 26/8. "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự".
Bình luận