• Zalo

Nhật ký người lính Gạc Ma và câu chuyện trong nhà tù Trung Quốc

Phóng sựThứ Năm, 17/03/2016 06:40:00 +07:00Google News

Hơn ba năm tù đày trong nhà tù Trung Quốc, nỗi nhớ nhà, nỗi cô đơn được người lính Gạc Ma gửi gắm hết vào cuốn nhật ký.

(VTC News) – Hơn ba năm tù đày trong nhà tù Trung Quốc, nỗi nhớ nhà, nỗi cô đơn được người lính Gạc Ma gửi gắm hết vào cuốn nhật ký.


Kỳ 2 (Kỳ cuối): Nhật ký trong nhà tù Trung Quốc

Những ngày tháng 3/2016 trong chuyến hành trình tìm gặp những cựu lính Gạc Ma năm xưa, chúng tôi đã vô tình tìm và đọc được những dòng nhật ký được cho là viết trong nhà tù Trung Quốc của một người lính tham gia trận chiến Gạc Ma tên Trần Thiên Phụng, hiện đang sống tại TP. Đông Hà, Quảng Trị. Anh là người đã bị bắt và tù đày hơn 3 năm trong nhà tù Trung Quốc kể từ sau trận hải chiến Gạc Ma.

Mở đầu nhật ký, người chiến sĩ Gạc Ma vẽ một bông hồng và ghi tên mình “Thiên Phụng”. Bài thơ mở đầu: “Chốn phương xa, đất bạn quê người/ Tôi nâng bút, tỏ lời tâm sự/ Đến với ai trên đất mẹ quê xa/ Xin cảm tạ vui lòng trang sổ/ Chuyện cố lưu, bài hát chân tình/ Mong thông cảm cho người đau khổ”.

Đầu trang nhật ký được người lính vẽ một bông hồng bằng bút mực xanh và đỏ và ghi hai chữ “Thiên Phụng” ở phía dưới
Đầu trang nhật ký được người lính vẽ một bông hồng bằng bút mực xanh và đỏ và ghi hai chữ “Thiên Phụng” ở phía dưới 

Ngồi trong tù Trung Quốc người lính Gạc Ma thể hiện sự bi quan, đau đớn đến cùng cực: “Hôm nay ngồi ngắm cảnh mây trời, sự cô đơn, buồn khổ, nỗi đau sầu. Qua bao ngày xa cách của năm tháng sống trong cảnh tù đày của thân trai khi đang ở độ tuổi thanh xuân. Còn bao ước mơ… Đau đớn khi tôi phải ngồi đây, ôm cái cảnh sầu trong cảnh tù binh. Ôi thật đau buồn cho thân phận, có lẽ thế là hết rồi sao…

Tôi bây giờ cũng giống như con thuyền đi vào sóng gió gian nguy mà không hi vọng tìm được một bến cảng thân yêu. Ôi thật đau khổ cho đời mà năm tháng không phai mờ ký ức. Sống mà không hẹn ngày về, chẳng khác nào đi vào bãi tha ma, ngàn sương sa, tuyết phủ. Càng nhớ lại càng buồn tủi, càng đau khổ mà thôi”.

Ngay sau khi tìm và đọc được những dòng nhật ký của anh Phụng, PV đã tìm và gặp anh để được nghe anh kể những ký ức về cái ngày quân Trung Quốc nổ súng sát hại 64 chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma và quá khứ sống trong nhà tù Trung Quốc của người cựu chiến binh này.

Tay không vũ khí nhìn đồng đội hi sinh

Chúng tôi tìm đến căn nhà cấp bốn ở khu phố 6, phường 2, TP. Đông Hà, Quảng Trị nơi anh Phụng đang phụ vợ bán phở. Tiếp chúng tôi, anh xúc động hồi nhớ lại những ký ức Gạc Ma năm xưa.

Theo lời anh Phụng, ngày 11/3/1988 anh được lệnh nhận nhiệm vụ ra đảo Gạc Ma cùng với các chiến sĩ khác để xây dựng đảo. Anh đi trên tàu HQ.604. Chiều 13, tàu của anh cùng tàu HQ.605 và HQ.606 đến Gạc Ma.

Anh Phụng chỉ vị trí anh bị quân Trung Quốc bắn bị thương ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma.
Anh Phụng chỉ vị trí anh bị quân Trung Quốc bắn bị thương ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma. 

Khi vừa cập bến thì thấy một số tàu Trung Quốc cũng đang ở gần đảo Gạc Ma nhưng chưa có động thái gây hấn nào. Đêm ngày 18/3 đồng chí Trung tá Trần Đức Thông – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 nói với mọi người: “Các đồng chí yên tâm tôi sẽ điện vào Bộ Tư lệnh vùng 4 để xin chỉ thị cho tàu ra viện trợ”.

Đêm hôm ấy, anh em hát hò, không sợ sệt, anh Đông (liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, quê Đông Hà, Quảng Trị) lấy đàn ra hát bài “Lậy mẹ con đi” khiến ai cũng xúc động. Thế nhưng, tất cả các chiến sĩ đều cố gắng vượt qua nỗi buồn xa nhà, nuôi ý chí bảo vệ Tổ quốc.

“Tui còn nhớ mãi câu nói anh Đông nói với tôi đêm hôm ấy: Mai mi chết tau về báo với vợ con mi, còn nếu tau chết mi về báo với gia đình tau. Cuối cùng anh Đông hi sinh còn tui thì bị quân Trung Quốc bắt nên không ai báo được cho ai”, cựu binh Trần Thiên Phụng xúc động.

Ngỡ anh Phụng đã hi sinh đồng đội đã gửi giấy báo tử về gia đình và gia đình cũng đã lập bàn thờ thờ sống anh gần một năm.
Ngỡ anh Phụng đã hi sinh đồng đội đã gửi giấy báo tử về gia đình và gia đình cũng đã lập bàn thờ thờ sống anh gần một năm. 

Anh Phụng kể tiếp, sáng ngày 14/3/1988 quân ta tiến lên trước cắm cọc sắt và buộc dây. Đồng chí Trung tá Trần Đức Thông ra lệnh: “Đây là lãnh thổ Việt Nam, đồng chí nào biết bơi thì hãy bơi vào đảo, còn 1 số ở lại giữ tàu".

Trung Quốc có xuồng máy đổ bộ vào đảo nhanh và tấn công bất ngờ. Chúng nã súng bắn các chiến sĩ của ta nếu bơi lại gần phía đảo. Nhìn đồng đội ngã xuống mà đau đớn lòng. Tiếc rằng trong tay không có súng để bắn lại chúng.

“Tui nhớ lúc đó anh Phương (Thiếu úy Trần Văn Phương, SN 1965, quê Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình) lao vào cướp cờ Tổ quốc từ phía địch và hô vang: Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo! Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng. Nói rồi anh bị bắn và gục xuống tay vẫn ôm lấy lá cờ Tổ quốc”, anh Phụng sụt sùi.

Sau ngày thảm sát “đẫm máu” tại Gạc Ma anh Phụng bị thương ở tay, tay còn lại anh ôm vào khúc gỗ trôi dạt trên biển. Sau đó anh được quân Trung Quốc vớt và bắt làm tù binh.

Video: Trung Quốc ngang ngược chiếm đảo Gạc Ma

Một năm bị thờ sống

Anh Phụng kể: “Tui lênh đênh trên biển đến khoảng 17h50 thì quân Trung Quốc mới vớt tui lên. Khi vớt lên chúng hỏi: "Vì sao chúng tôi dí súng vào đầu mà anh không đầu hàng?" Tui đáp: "Lính Việt Nam không được dạy đầu hàng nên không biết đầu hàng". Tui hỏi chúng: "Vì sao bây giờ các anh mới vớt tui lên?". Thì người phiên dịch của chúng đáp: "Chưa có lệnh chỉ huy nên chưa vớt”.

Sau đó quân Trung Quốc đưa anh Phụng cùng một số đồng đội của anh về đảo Hải Nam. Ai bị thương nặng thì được chúng đưa đi cấp cứu. Anh Phụng sau đó được đưa đi điều trị khoảng 15 ngày ở Bệnh viện Quân đội Lôi Châu trước khi đưa về giam giữ cùng các đồng đội tại tỉnh Quảng Đông.

Nhờ sự can thiệp của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế anh Phụng và gia đình mới được viết thư từ qua lại cho nhau.
Nhờ sự can thiệp của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế anh Phụng và gia đình mới được viết thư từ qua lại cho nhau. 

Theo hồi ức của anh Phụng thì nơi anh bị giam giữ tại Trung Quốc là một doanh trại quân đội, giống một ngôi nhà hai tầng. Lính Trung Quốc ở tầng dưới. Anh Phụng cùng 8 đồng đội khác ở tầng trên. Trên tầng được ngăn ra từng phòng. Anh Phụng được giam cùng với một đồng chí tên Phạm Văn Nhân. 

“Buổi ngày chúng tui được gặp mặt nhau, anh em thường hay chơi bài tú lơ khơ, nói chuyện. Buổi chiều thường đá bóng trong sân mini ở đó. Chiều thứ bảy mọi người phải đi dọn vệ sinh khu vực mình ở. Ban đêm chúng khóa phòng lại không cho chúng tui gặp mặt”, anh Phụng nhớ lại.

Nhớ lại thời điểm bị bắt làm tù binh trong nhà tù Trung Quốc anh Phụng khóc: “Những ngày trong trại giam là những ngày trái tim tui thổn thức nhớ gia đình, nhớ vợ con. Cảm xúc khi đó khó có thể nói lên lời. Nỗi nhớ hằng đêm luôn hiện diện trong trái tim. Tui phải bày tỏ cảm xúc của mình trong cuốn nhật kí cho quên nỗi nhớ. Tui khao khát ngày được về với quê mẹ, về nơi tôi sinh ra, báo hiếu với ba mẹ”.

Theo lời anh Phụng, sau này khi anh được thả tự do về với gia đình thì được biết ngày anh bị bắt đồng đội ngỡ anh đã hi sinh nên đã làm giấy báo tử của anh về với gia đình. Gia đình cũng tưởng rằng anh đã hi sinh nên cũng tổ chức ma chay rồi lập bàn thờ anh gần một năm. 

Mãi đến khi được sự can thiệp của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế anh Phụng được viết lá thư đầu tiên để gửi về gia đình báo tin thì gia đình mới biết anh còn sống và đang bị bắt làm tù binh tại Trung Quốc.

Bị giam giữ tại Trung Quốc hơn 3 năm, đến năm 1991, anh Phụng được trả về nước. Sau gần một tháng an dưỡng dành cho lính Hải Quân tại Hạ Long gia đình đã ra đón anh về với quê mẹ Quảng Trị. 

“Tui được gia đình lên tận khu an dưỡng đón về nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ. Tui cũng không ngờ ngày này cũng đến với mình. Về nhà được anh em họ hàng, làng xóm đón tiếp đông lắm, họ mừng cho tôi đã trở về từ nhà tù Trung Quốc”, anh Phụng xúc động.

Cựu chiến binh Trần Thiên Phụng đau đáu một nỗi niềm muốn được quay lại chiến trường xưa. Nơi ấy chứa đựng những ký ức mà anh chẳng thể nào quên. Nơi mà chính mắt anh chứng kiến những đồng đội của mình bị quân Trung Quốc sát hại. Anh tha thiết mong muốn cơ quan, đơn vị sớm tìm lại hài cốt của đồng đội anh đang nằm dưới lòng biển sâu.


Nguyễn Vương – Bé Anh
Bình luận
vtcnews.vn