“Có những khía cạnh tích cực, nhưng với bối cảnh kinh tế hiện tại, những mặt tiêu cực tồn tại mạnh mẽ", Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki nói, đề cập đến đồng yên mất giá tác động lên kinh tế Nhật Bản.
“Sự thiệt hại còn lớn hơn trong tình hình hiện nay khi chi phí dầu thô và nguyên liệu thô đang tăng trên toàn cầu, trong khi đồng yên mất giá làm tăng giá nhập khẩu, gây tổn hại cho người tiêu dùng và các công ty không có khả năng chuyển đổi", ông Suzuki cho biết thêm.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho hay, các nhà chức trách nước này đang theo dõi sát sao tác động từ việc đồng yên suy yếu đối với nền kinh tế, để từ đó có giải pháp đảm bảo sự ổn định trên thị trường tiền tệ.
"Chúng tôi đang theo dõi các động thái trên thị trường ngoại hối với tinh thần cảnh giác cao độ", ông Suzuki cho hay.
Phát biểu của ông Suzuki được đưa ra trước chuyến đi tới Washington để tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G20 vào tuần này. Trong số nhiều cuộc thảo luận, Bộ trưởng Suzuki dự kiến có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bên lề cuộc họp của G20.
Ông Suzuki cam kết tuân thủ thỏa thuận của G7 về tiền tệ, liên lạc chặt chẽ với các cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ và các quốc gia khác để “phản ứng thích hợp” với các biến động tiền tệ.
Hôm 18/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cũng cho rằng thời gian gần đây giá trị đồng yên giảm "khá nhanh" so với đồng USD, đồng thời cảnh báo tác động tiêu cực của việc đồng yên mất giá đối với sự phục hồi kinh tế mong manh của nước này.
Cuối năm ngoái, tỷ giá đồng yên so với đồng USD vào khoảng 114-115 yen đổi 1 USD. Tuy nhiên đến đầu năm nay, tỷ lệ này đã vượt quá 120 yen, tiếp theo là 125 yen đổi 1 USD và đến ngày 13/4 là 126 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự mất giá này là khoảng cách khá lớn trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản để đối phó với tình trạng lạm phát thì BOJ vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.
Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine bùng phát đã khiến giá tài nguyên tăng chóng mặt và thúc đẩy tốc độ gia tăng lạm phát trên toàn thế giới.
Bình luận