• Zalo

Nhập viện tâm thần vì ghen tuông điên cuồng

Tin tứcThứ Ba, 23/04/2024 07:35:06 +07:00Google News
(VTC News) -

Người phụ nữ 48 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa vào viện tâm thần vì hoang tưởng chồng ngoại tình, có hành vi chửi bới, đe doạ cả nhà.

Chị N.H.B lập gia đình năm 19 tuổi, khi đang theo học Đại học sân khấu điện ảnh, hiện người phụ nữ có 3 con, đều trưởng thành đi làm.

Chị vốn là người vui vẻ, hoà đồng, không có tiền sử mắc bệnh tâm thần, nhưng hơn hai năm nay, người phụ nữ bắt đầu “thay đổi tính nết”, thường xuyên nóng nảy, cáu giận với các con, luôn nghĩ chồng ngoại tình.

Gia đình và chồng giải thích nhiều lần không có chuyện ngoại tình nhưng chị B. không tin. Chị thường xuyên tìm kiếm thông tin, theo dõi, kiểm tra zalo của chồng, nghi ngờ anh có liên hệ với mối tình đầu.

Chị B. còn kiểm tra tin nhắn mạng xã hội Instagram của chồng, thấy nhiều tin nhắn công việc với kế toán công ty, nên nghi ngờ chồng ngoại tình với kế toán. Sau đó, mỗi lần đi công việc chị thường yêu cầu chồng chụp ảnh để kiểm tra.

Người phụ nữ 48 tuổi mất ngủ tăng dần, mệt mỏi, nhiều lúc cảm thấy buồn chán về mối quan hệ với chồng. Cách đây 3 tháng chị nhìn thấy bức ảnh chụp không rõ ràng của chồng và người phụ nữ khác nên nổi nóng, cáu gắt, mắng chửi các thành viên gia đình.

Chị B. từng đi thăm khám chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, uống thuốc không rõ, nhưng không đỡ, các biểu hiện tăng dần. Gia đình đưa đi khám tại Viện sức khỏe tâm thần, kết quả bác sĩ chẩn đoán chị B. bị rối loạn hoang tưởng dai dẳng.

Ths.BSNT Nguyễn Thị Hoa - phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát - cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng, được dùng liệu pháp hóa dược phối hợp các thuốc chống loạn thần và liệu pháp tâm lý cá nhân, gia đình.

Sau 28 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, hoang tưởng giảm, cảm xúc hành vi phù hợp hơn, ăn ngủ tốt.

Nghĩ chồng ngoại tình, người phụ nữ hoang tưởng đến nhập viện tâm thần.

Nghĩ chồng ngoại tình, người phụ nữ hoang tưởng đến nhập viện tâm thần.

Rối loạn hoang tưởng là gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, rối loạn hoang tưởng là những suy nghĩ, phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.

Rối loạn hoang tưởng chia làm nhiều dạng khác nhau như:

- Hoang tưởng được yêu: Người bệnh tin rằng có người khác đang yêu họ. Họ thường cố gắng liên lạc với đối tượng thông qua các cuộc gọi điện thoại, thư từ hoặc tin nhắn điện tử, hành vi này có thể là vi phạm pháp luật.

- Hoang tưởng tự cao: Người bệnh cho rằng họ có tài năng lớn nào đó hoặc đã thực hiện được một số khám phá quan trọng.

- Hoang tưởng ghen tuông: Người bệnh tin rằng vợ/chồng hoặc người yêu không chung thủy, thường được giải thích hoang tưởng về “bằng chứng” (ví dụ quần áo xộc xệch, vết bẩn trên ga giường). Trong những trường hợp như vậy, tấn công vật lý có thể là mối nguy hiểm đáng kể.

- Hoang tưởng bị hại: Người bệnh tin rằng họ đang bị làm hại, theo dõi, đầu độc. 

- Hoang tưởng về cơ thể: Chủ yếu liên quan đến các chức năng và cảm giác của cơ thể, phổ biến là bị nhiễm côn trùng hoặc ký sinh trùng, niềm tin rằng cơ thể phát ra mùi hôi thối, rằng các bộ phận của cơ thể không hoạt động bị biến dạng hoặc xấu xí.

Rối loạn hoang tưởng dai dẳng là rối loạn tâm thần hiếm gặp < 0,2% (0,05 - 0,1%) dân số. 

Hoang tưởng bị hại, hoang tưởng ghen tuông phổ biến hơn ở nam giới. Hoang tưởng được yêu, hoang tưởng tự cao phổ biến hơn ở nữ giới.

Một số yếu tố nguy có liên quan tới bệnh như: tiền sử gia đình, stress, căng thẳng mạn tính, sang chấn thời thơ ấu, lòng tự trọng thấp, sử dụng các chất gây nghiện, kinh tế xã hội thấp, trình độ học vấn thấp, vô gia cư, tình trạng độc thân, goá bụa.

Dấu hiệu báo bệnh

Rối loạn hoang tưởng có thể phát triển từ rối loạn nhân cách hoang tưởng có sẵn. Bắt đầu từ giai đoạn đầu tuổi trưởng thành, những người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng có biểu hiện mất lòng tin và nghi ngờ đối với người khác cũng như động cơ của họ.

Các triệu chứng ban đầu của rối loạn hoang tưởng gồm:

  • Cảm thấy bị lợi dụng
  • Bận tâm đến sự trung thành hoặc đáng tin cậy của bạn bè
  • Gán ý nghĩa mang tính chất đe dọa với các sự kiện đời thường
  • Sẵn sàng phản ứng với những điều nhỏ nhặt được nhận thấy
  • Hành vi không rõ ràng là kỳ quái hay kỳ quặc.
  • Những người mắc chứng rối loạn hoang tưởng có xu hướng hoạt động tương đối tốt, ngoại trừ khi hoang tưởng cụ thể của họ gây ra vấn đề.

Rối loạn hoang tưởng nếu không được điều trị có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm. Hoang tưởng có thể dẫn đến bạo lực hoặc các vấn đề liên quan đến pháp lý. 

Hoang tưởng có thể gây cản trở các mối quan hệ, trở nên xa lánh người khác. Hiện không có biện pháp dự phòng hoang tưởng, việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp làm giảm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, gia đình và các mối quan hệ bạn bè.

Nguyễn Ngoan
Bình luận
vtcnews.vn