Người đàn ông 43 tuổi, trú tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn thường xuyên uống rượu, không ăn, không ngủ và bị lên cơn co giật, mê sảng. Gia đình đưa anh đến bệnh viện điều trị khỏi nhưng về nhà anh lại tiếp tục uống.
Đây là lần thứ 3 người đàn ông này vào viện điều trị do rối loạn tâm thần từ lạm dụng rượu. Lần này, anh vào viện trong tình trạng mê sảng, rối loạn cảm xúc, ảo giác, co giật. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu và chỉ định điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Theo bác sĩ Trịnh Thị Việt Hà, Phó trưởng khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận 1-2 bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc các rối loạn tâm thần liên quan đến rượu.
Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày. Đặc biệt, nhiều người bị sảng run với các biểu hiện như mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác, đánh người, gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh.
“Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người lạm dụng rượu. Biểu hiện này cũng được gọi là "trạng thái cai rượu". Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 - 48 giờ với triệu chứng nổi bật là rối loạn ý thức kiểu mê sảng và các rối loạn về thần kinh, bệnh nhân có thể xuất hiện những cơn co giật kiểu động kinh”, bác sĩ Hà nói.
Rối loạn tâm thần do rượu là hậu quả của quá trình lạm dụng rượu lâu năm, gây ra tổn hại trực tiếp lên não bộ và các cơ quan nội tạng, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, khiến bệnh phức tạp, khó điều trị.
Các bác sĩ phải theo dõi sát sao các diễn biến, biểu hiện của bệnh nhân để điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc, vừa phải động viên tinh thần, hỗ trợ tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
Đa phần bệnh nhân đều đáp ứng tốt trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên việc điều trị rối loạn tâm thần và cắt cơn cho người lạm dụng rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái sử dụng rượu cho người bệnh tại gia đình và cộng đồng.
Thực tế, nhiều người sau điều trị lại tái sử dụng rượu, nhiều bệnh nhân thường xuyên vào viện điều trị các rối loạn tâm thần do rượu. Vì vậy, bản thân người bệnh cần có nghị lực và quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Gia đình và xã hội cần kiên trì vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kỳ thị, xa lánh mà cần giúp đỡ để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng. Khi thấy người bệnh có dấu hiệu rối loạn tâm thần do rượu, gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, mỗi người cần nâng cao nhận thức về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống. Đồng thời, người dân cần duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích để tránh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
So với những năm trước đây, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần do rượu đến điều trị tại bệnh viện có xu hướng tăng lên từ 5% đến 10% và trẻ hoá về độ tuổi. Trong quý I năm 2024, đơn vị tiếp nhận điều trị gần 100 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới trong độ tuổi lao động và cư trú tại các vùng nông thôn. Đa số họ nhập viện với các biểu hiện như mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác, đánh người, gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh.
Lạm dụng rượu gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do vậy, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh bằng cách sử dụng rượu bia một cách an toàn.
Bình luận