Các chuyên gia y tế trên khắp Myanmar đang tham gia vào tổ chức Phong trào bất tuân dân sự Myanmar (MCDM) - một tổ chức mới thành lập, để phản đối đảo chính quân sự. Theo đó, nhân viên y tế từ 70 bệnh viện ở 30 thành phố khắp Myanmar đã nghỉ việc, phản đối hành động của quân đội nước này.
Trong một tuyên bố gửi tới cộng đồng y tế quốc tế, lãnh đạo tổ chức MCDM cho biết, Myanmar đã phải đối mặt với các vấn đề về nguồn lực và cơ sở hạ tầng hạn chế để chống chọi với đại dịch COVID-19. Cuộc đảo chính quân sự càng khiến cho tình hình thêm khó khăn.
"Giờ đây, quân đội Myanmar đã dàn dựng một cuộc đảo chính và tự thiết lập chính phủ quân sự. Họ đặt lợi ích quân đội lên trên lợi ích người dân - những người đang phải đối mặt với những khó khăn về y tế, kinh tế và xã hội trong đại dịch toàn cầu", tuyên bố của nhóm biểu tình cho biết.
Tuyên bố của nhóm biểu tình cũng cho hay, họ từ chối công nhận chế độ quân sự và sẽ "chỉ lắng nghe và làm theo hướng dẫn từ chính phủ được bầu cử dân chủ”.
Hành động này của các bác sĩ, nhân viên y tế có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi đại dich COVD-19 đang lây lan nhanh chóng ở nước này. Đến nay, Myanmar ghi nhận hơn 140.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.100 người chết.
Vào thời điểm xảy ra đảo chính hôm 1/2, các bác sĩ ở Myanmar bắt đầu tiêm chủng cho những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu và các thành viên của quốc hội.
Hôm 1/2, đảo chính xảy ra ở Myanmar sau khi cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị quân đội bắt giữ. Sau sự kiện này, Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp và Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền.
Cuộc đảo chính ở Myanmar khiến nhiều quốc gia lên án, trong đó có Mỹ và các nước phương Tây. Những gì đang diễn ra được xem là đòn giáng mạnh vào hy vọng tiến lên con đường dân chủ ổn định của đất nước này.
Bình luận