Nhiều nhà quan sát phương Tây bất ngờ với cuộc chính biến tại Myanmar, mặc dù có nhiều dấu hiệu rõ ràng về xung đột trước đó.
Sau gần một thập kỷ dân chủ mong manh, Myanmar lại quay lại dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự sau cuộc chính biến hôm 1/2.
Đây là một sự kiện khiến giới quan sát phương Tây không khỏi bất ngờ, ngay cả khi hàng loạt chỉ dấu về một cuộc binh biến đã được đưa ra.
Phương Tây "giật mình"
Aaron Connelly, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng: "Cộng đồng quốc tế lại hiểu sai về Myanmar".
Theo ông Connelly, giới nghiên cứu đã hiểu sai về quá trình chuyển tiếp quyền lực vào những năm 2000, khi cho rằng giới quân sự sẽ không có ý định trao quyền lại cho chính quyền dân cử. Sai lầm này tiếp tục kéo dài đến thời kỳ cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi và đến cả cuộc chính biến gần đây.
Bà Suu Kyi vốn được cộng đồng quốc tế biết đến như một biểu tượng cho sự đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền tại Myanmar. Song, bà là người đồng ý cho quân đội tiến hành những hành động bị thế giới lên án với người Hồi giáo Rohingya, và cũng là người biện hộ cho hành động đó trước Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) vào năm 2019.
Điều đó khiến cho nhiều học giả tin rằng bà Suu Kyi có thể được xem là người bảo vệ ngầm, hay thậm chí là đồng minh, của chính quyền quân sự. Việc bà bị bắt giữ, do đó, khiến giới quan sát bất ngờ.
Một lý do khác khiến cuộc chính biến trở nên bất ngờ là hoàn cảnh xã hội hiện tại của Myanmar, khi nước này đang phải tập trung ứng phó với dịch Covid-19 và nạn đói nghèo.
"Cộng đồng quốc tế nhận thức có xung đột giữa chính quyền dân cử và giới quân sự. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng tình hình hiện tại, với thách thức từ biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và nền kinh tế yếu kém, sẽ là rào cản khiến cho một cuộc binh biến không thể diễn ra vào lúc này", Moe Thuzar, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) bình luận.
"Đáng buồn thay, logic trên có vẻ không thể áp dụng được", bà Thuzar nói thêm.
Những chỉ dấu rõ ràng
Sự căng thẳng trong mối quan hệ dân sự - quân đội nhanh chóng leo thang sau chiến thắng áp đảo của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020.
Phe đối lập - Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn - đã nhiều lần cáo buộc tồn tại gian lận bầu cử quy mô lớn, qua đó từ chối công nhận chiến thắng của đảng NLD.
Quân đội Myanmar sau đó cho biết họ sẽ không loại trừ nguy cơ tổ chức chính biến. Điều này khiến các đại sứ quán của phương Tây và cơ quan Liên Hợp Quốc tại đây phải lên tiếng cảnh báo, lên án bất kỳ hành động nào nhằm thay đổi kết quả bầu cử.
Vào ngày 30/1, Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu lực lượng vũ trang Myanmar, cho biết quân đội sẽ làm theo hiến pháp. Song, phải đến hôm 1/2, ý nghĩa thật của thông điệp trên mới được bộc lộ.
Giới quân sự Myanmar đã viện dẫn điều 417 của hiến pháp, trong đó cho phép quyền lực được chuyển từ tổng thống sang cho quân đội trong các trường hợp có thể "làm tan rã nhà nước hay sự đoàn kết dân tộc".
Sau khi nắm quyền, các tướng lĩnh cho biết sẽ tổ chức một cuộc tuyển cử khác và sẽ trao quyền lại cho người thắng cử. Tuy nhiên, khung thời gian cụ thể cho cuộc bầu cử trên không được đưa ra.
Cựu đại sứ Hà Lan tại Myanmar Laetitia van den Assum cho rằng chuỗi sự kiện trong những ngày qua là "khủng khiếp", song "nếu chúng ta nhìn vào tuyên bố hôm 30/1 (của tướng Hlaing), mọi thứ đã rõ ràng".
Phản ứng của thế giới
Sau khi cuộc chính biến diễn ra, chính quyền của ông Joe Biden đã nhanh chóng chỉ trích và tuyên bố sẽ xem xét tái áp đặt các lệnh trừng phạt và cấm vận lên Myanmar.
Liên hợp quốc, nhiều quốc gia châu Âu và Australia cũng có phản ứng tương tự.
Phản ứng của các nước châu Á khác lại dè dặt hơn.
Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan tuyên bố cuộc chính biến Myanmar là "vấn đề nội bộ", trong bối cảnh chính quyền Thái Lan cũng chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ giới quân sự.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, một đồng minh của bà Aung San Suu Kyi, cho biết nước này kiên định trong việc ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar, và pháp quyền cũng như thể chế dân chủ phải được tôn trọng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố họ hy vọng Myanmar sẽ "xử lý tình hình hiện tại theo khuôn khổ hiến pháp và luật pháp, đồng thời duy trì sự ổn định chính trị - xã hội". Một điều đáng chú ý là hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã lại gọi sự kiện hôm 1/2 là "cải tổ nội các" thay vì "chính biến".
Bình luận