• Zalo

'Nhân tài Việt nhiều và giỏi vượt mặt các nước trong khu vực'

Kinh tếThứ Năm, 29/09/2016 11:21:00 +07:00Google News

Đó là nhận định của nhiều lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia trong buổi tọa đàm phát triển đội ngũ trong khuôn khổ lễ trao giải thưởng về quản trị nguồn nhân lực (Viet Nam HR Awards 2016).

Người Việt có thế mạnh về năng lực

Ngày 28/9, tại tọa đàm với nội dung phát triển nguồn nhân sự, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới, các chuyên gia nhận định người Việt chịu khó, thông minh, đạo đức và thụ hưởng nền giáo dục tốt.

nhan su

 Các doanh nghiệp chú trọng chiến lượt nhân sự 

Đăng đàn tham luận, ông Lennard Boogaard, Chủ tịch nhân sự Khu vực Đông Nam Á và châu Úc, Công ty Unilever cho rằng, nhận xét trên là chưa thể hiện hết khả năng của người Việt. Ông Lennard Boogaard cho biết, các sản phẩm của Unilever tại Việt Nam do con người Việt Nam làm ra có chất lượng cao hơn tất cả các nước khác.

Nhiều năm làm việc tại Việt Nam và quan sát nhân viên người Việt, vị chủ tịch nhân sự công ty đa quốc gia này nói người Việt có thế mạnh lớn chính là sự cầu tiến.

“Chúng tôi không mua nhân sự từ bên ngoài mà chủ động đào tạo nguồn lực sẵn có ở trong nước. Đến nay, chúng tôi phấn khởi vô cùng vì có không ít chuyên gia người Việt được cử đi làm lãnh đạo của tập đoàn tại nhiều nước khác trên thế giới”, ông Lennard Boogaard nói.

Đồng tình quan điểm trên, ông Peter Henriques, Tổng Giám đốc khu vực, công ty British American Tobaco (BAT) chia sẻ thêm: “Việt Nam có dân số trẻ và người Việt rất giỏi. Hiện nay tất cả các quan lí của BAT đều là người Việt Nam. Tôi không tin người Việt có trình độ và ý thức lao động thua Singapore".

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ tự hào rằng đội ngũ nhân sự ở công ty mình đã đem đến thành công hôm nay. Theo bà Dung, quan trọng nhất trong quản trị doanh nghiệp chính là đội ngũ quản lí cấp cao. Họ là những người truyền cảm hứng cho nhân viên làm tốt các sản phẩm và kinh doanh.

Đánh giá nhân sự không chỉ giỏi mà phải phù hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Techombank, ông Đỗ Tuấn Anh chia sẻ: "Từ nhiều năm nay, ngân hàng không còn quá khó khăn để tìm kiếm nhân sự tốt. Giá trị của Techcombank chính là tìm ra người phù hợp cho từng vị trí công việc. Nhân sự là chìa khóa cho phát triển của bất kì doanh nghiệp nào".

w620h405f1c1-files-articles-2016-1097246-xuat-khau-lao-dong-doanhnha

 Lao động Việt Nam không thua nước nào. Ảnh: TL

Tìm nhân sự: Cuộc chiến khốc liệt

Đông Nam Á hiện có hơn 600 triệu dân. Đó là một thị trường lớn cho các công ty đa quốc gia. Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, nếu người lao động Việt Nam không nâng cao tay nghề, không chịu khó học hỏi sẽ bị thụt lùi trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu, rộng của Việt Nam. 

Trong bối cảnh Việt Nam vừa kí kết nhiều hiệp định quan trọng như TPP và nhiều hiệp định với các nước khác, nguồn nhân lực trong nước sẽ diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt.

Ông Lennard Boogaard cho biết, Unilever sẽ không ngần ngại tranh giành gắt gao để kiếm người làm việc cho tập đoàn. Nếu như trước đây, sản phẩm của tập đoàn này phải cạnh tranh với các mặt hàng trong nước, thì hôm nay, Unilever ngoài cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài nên phải chạy đua nhân sự như một cuộc chiến thực sự.

“Giữ được nhân viên cũ. Đào tạo được nhân viên mới đó là hai thách thức rất lớn. Cũng như Unilever, BAT sẽ đào tạo người Việt tại chỗ theo hướng lãnh đạo và nhân viên không có trình độ chênh lệch quá xa”, ông Peter Henriques cho biết.

Cạnh tranh nhân sự sẽ tạo ra thách thức và cơ hội, ông Đỗ Tuấn Anh lạc quan về sự cạnh tranh của nhân lực Việt Nam.

“Đến nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã coi khó khăn về vốn không quan trọng bằng khó khăn nhân sự. Tư duy này sẽ giúp chúng ta nhập cuộc chơi, tăng tốc trong tư thế thắng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Thanh Nhã
Bình luận
vtcnews.vn