Gần đây, dễ dàng bắt gặp các bài đăng quảng cáo bán thiết bị tiết kiệm điện trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử với cam kết giảm đến 40% tiền điện mỗi tháng, hoàn tiền 100% nếu không sử dụng. Thậm chí, ngoài việc tiết kiệm điện tiêu thụ, một số thiết bị còn có thể chống sét lan truyền, giúp đảm bảo an toàn cho hệ thống điện của cả gia đình.
Những lời quảng cáo trên khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận" các sản phẩm tiết kiệm điện, với rất nhiều mẫu mã, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Giá bán các loại sản phẩm này cũng dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi chiếc.
Không ít người tiêu dùng đã lập tức mua thiết bị này về dùng với mong muốn có thể giảm được công suất điện khi sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí tiền điện ngày càng tăng giữa mùa nắng nóng.
Tin vào lời quảng cáo: “Chỉ với chi phí 499.000 đồng một lần duy nhất - bạn tiết kiệm được 43% điện tiêu thụ hàng tháng và tiết kiệm được 5 - 20 triệu đồng cho năm đầu tiên của hộ gia đình", anh Nguyễn Danh T. (Đống Đa, Hà Nội) đã mua một thiết bị tiết kiệm điện về dùng. Theo hướng dẫn sử dụng, chỉ cần cắm thiết bị vào nguồn điện là tự động có thể tiết kiệm điện, nhưng kết quả lại khiến anh thất vọng. Lượng điện tiêu thụ của gia đình anh vẫn tăng đều. “Tháng đầu tưởng là tiết kiệm điện, tháng sau thậm chí tiền điện còn tăng lên. Tôi gọi điện thoại hỏi nơi bán họ vẫn khăng khăng khẳng định rằng thiết bị của họ có thể tiết kiệm điện”.
Trước sự nở rộ của hàng loạt thiết bị tiết kiệm điện được rao bán với những quảng cáo hấp dẫn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông cáo cảnh báo những sản phẩm trên có thể đều là chiêu lừa dành cho người tiêu dùng.
"Thực tế, các thiết bị trên hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo. Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung phối hợp với Ban Kiểm tra giám sát Mua bán điện Tổng công ty Điện lực miền Trung thực hiện, khi mổ xẻ sản phẩm tiết kiệm điện có tên gọi là Electricity Saving Box, sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và hai bóng đèn led. Sau quá trình thí nghiệm, thiết bị khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm được lượng điện năng tiêu thụ, dẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng (tức là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công tơ). Như vậy, có thể hiểu thiết bị tiết kiệm điện này thực chất chỉ là một cách “quảng cáo ảo” của nhà sản xuất đưa ra để bán sản phẩm và đánh lừa khách hàng", EVN cho biết trên website chính thức.
Để minh chứng thuyết phục hơn, EVN dẫn lời Kỹ sư điện Nguyễn An, nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Sửa chữa điện tử, điện lạnh Đông Đô (Hà Nội): “Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo”.
Thông tin tới VTC News, anh Trần Trọng Tráng, kỹ sư điện công nghiệp và dân dụng, trú tại Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) cũng khẳng định, các thiết bị kể trên không thể có tác dụng tiết kiệm điện 30 - 50% như lời quảng cáo.
“Gần đây, nhiều người thân quen cũng hỏi tôi về các thiết bị tiết kiệm điện. Tôi đã mua về kiểm chứng và bằng kiểm nghiệm cá nhân thì tôi biết không hề có công năng tiết kiệm điện ở đây", anh Tráng nói.
Anh Tráng kể lại, anh đã mua thiết bị tiết kiệm điện có tên “Electricity saving box” với giá 350.000 đồng. Theo hướng dẫn, chỉ cần cắm thiết bị vào nguồn điện là có thể tiết kiệm điện. Tuy nhiên, sau nhiều lần thực nghiệm sử dụng thiết bị này với ấm siêu tốc, nồi cơm điện...kết hợp với đồng hồ đo điện tiêu thụ, kết quả cho thấy thiết bị không hề có tác dụng tiết kiệm điện.
“Bên trong gồm một mạch điện đơn giản, một tụ điện và 8 điện trở, một diot nén dòng mục đích là để chiếu sáng bóng đèn báo đỏ trên thiết bị. Đối với thiết bị đơn giản này, tôi khẳng định không thể tiết kiệm điện”, anh Tráng nói.
Theo anh, các thiết bị này chỉ có tác dụng bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện. Do đó, việc mua các thiết bị này chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ", người tiêu dùng nên hết sức thận trọng.
"Người dân không nên tin một chiều vào các thông tin quảng cáo thiếu kiểm chứng. Hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin tư vấn từ các đơn vị nghiên cứu hay bộ phận chăm sóc khách hàng của các tổng công ty điện lực để tránh mất tiền oan vì mua phải các thiết bị điện tử được quảng cáo không đúng sự thật", anh Tráng tư vấn.
Bình luận