Nhà vật lý thiên văn hàng đầu không tin 2012 là tận thế

Giáo dụcThứ Sáu, 09/12/2011 06:51:00 +07:00

(VTC News)- Đó là một trong hàng trăm câu chuyện hấp dẫn mà GS Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới chia sẻ với các bạn sinh viên.

(VTC News)-  Đó là một trong hàng trăm những câu chuyện hấp dẫn mà GS Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới chia sẻ với các bạn sinh viên tại ĐH FPT tối qua 8/12 trong buổi trò chuyện về "Vị trí con người trong vũ trụ".

GS Trịnh Xuân Thuận trong  buổi nói chuyện với sinh viên ĐH FPT  về "Vị trí con người trong vũ trụ".(Ảnh: Phạm Thịnh)
Nhiều sinh viên băn khoăn đặt câu hỏi về tin đồn cho rằng năm 2012 là năm tận thế của nhân loại nhưng GS Trịnh Xuân Thuận bác bỏ luôn luận điểm đó và cho rằng đó là do tín ngưỡng chứ không phải khoa học.

“Thực tế, trong khoa học có câu chuyện ở một thời điểm nào đó các hành tinh sẽ trùng nhau trên một đường thẳng, nhưng dù có như thế đi chăng nữa thì cũng sẽ không có chuyện gì xảy ra. Như trước đây, bao nhiêu người nói năm 2000 sẽ là năm tận thế, nhưng thực tế đâu có chuyện đó xảy ra.” GS Trịnh Xuân Thuận giải thích cho các bạn sinh viên.

GS Trịnh Xuân Thuận không tin rằng các ngôi sao có thể quyết định số phận của con người

Biết đến GS Trịnh Xuân Thuận là một nhà thiên văn nổi tiếng, nhiều sinh viên đã đặt câu hỏi “liệu rằng có mối liên hệ nào giữa các ngôi sao với số phận của một con người”. Trước câu hỏi hết sức thú vị này, GS Trịnh Xuân Thuận cũng đưa ra quan điểm: “Tôi không tin có ngôi sao định vị số mệnh của con người khi sinh ra”. Theo giải thích của GS Thuận, khi một con người sinh ra, có lực hấp dẫn, ngôi sao và trái đất… những thứ khó ảnh hưởng nên tính cách của một con người, chưa nói tới cả số phận cuộc đời của họ.

Chia sẻ quan điểm về vị trí con người trong vũ trụ bao la, GS Trịnh Xuân Thuận cho biết: “Tất cả chúng ta chỉ là những hạt bụi của các vì sao và vì vậy chúng ta đều là con đẻ của thời gian".

Hàng trăm bạn sinh viên háo hức khi được đặt câu hỏi cho nhà Vật lý thiên văn hàng đầu thế giới
 Cuốn "Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao" dành tặng cho các sinh viên yêu khoa học

Nhiều sinh viên cũng thắc mắc “Vũ trụ của chúng ta sẽ tồn tại trong bao nhiêu lâu”? Chia sẻ về vấn đề này, GS Trịnh Xuân Thuận cho rằng hiện nay vũ trụ sẽ giãn nở đến vô tận. Những ngôi sao sẽ chết, mặt trời cũng sẽ chết trong khoảng 4 tỷ năm nữa. Khi đó vũ trụ sẽ lạnh đi, các ngôi sao và dải ngân hà sẽ tắt. Khi đó sẽ không còn sự sống nhưng đó là câu chuyện của rất xa xôi mà chúng ta không cần phải bàn tới.

GS Thuận cũng nhắc nhở các bạn sinh viên rằng vấn đề cần quan tâm nhất trong hiện tại đó là bảo vệ trái đất trước sự hủy hoại của chính chúng ta. “Trái đất nóng lên, băng tan ra, đó là câu chuyện rất gần, chỉ 50-100 năm nữa, chứ không phải cái chết của vũ trụ trong hàng tỷ năm nữa”. GS Thuận chia sẻ.

Với vai trò là MC trong buổi nói chuyện của GS Trịnh Xuân Thuận, GS "Xoay" Đinh Tiến Dũng đã kết nối các bạn sinh viên với nhà vật lý tài ba này (Ảnh: Phạm Thịnh)

Thuyết tương đối của Albert Einstein luôn cho rằng không gì có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Gần đây, tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN ) công bố cuộc thí nghiệm cho rằng đã tìm ra “siêu hạt” neutrino di chuyển vượt quá tốc độ ánh sáng nhưng GS Thuận cho rằng kết quả này cần được kiểm chứng một cách kỹ lưỡng hơn.  

GS Thuận cũng cho rằng liệu sai sót trong quá trình thí nghiệm? Theo giáo sư Thuận, muốn đả phá được lý thuyết của Einstein từ năm 1905 đến nay, CERN hoặc những nhóm khác phải đồng thời đưa ra kết quả giống nhau về một vấn đề trước khi được công nhận chính thức.

Buổi trò chuyện với giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã giúp các sinh viên được tiếp cận gần gũi hơn với thiên văn học qua những trải nghiệm sâu sắc của một con người dám đi đến cùng với đam mê nghiên cứu khoa học. Qua buổi nói chuyện, chính các bạn sinh viên đã định vị bản thân trong vũ trụ bao la, khám phá thêm về chính con người mình và cách sống hài hòa với cuộc sống.

Trong chuyến về nước lần này, GS Trịnh Xuân Thuận tổ chức một chuỗi chương trình gặp gỡ trò chuyện với các sinh viên tại ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH FPT, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam), ĐH Quy Nhơn, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Hoa Sen, Trung tâm SEAMEO... với các chủ đề Khoa học và Phật giáo, Vị trí của con người trong vũ trụ, Phổ biến khoa học hay khoa học và đam mê...

GS. Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948, là nhà vật lý học thiên thể người Mỹ gốc Việt. Ông tốt nghiệp Viện Công nghệ California và Đại học Princeton trước khi trở thành giáo sư ngành vật lý thiên văn học tại Đại học Virginia.

GS. Trịnh Xuân Thuận là chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về vũ trụ học, là thần tượng của hàng triệu người yêu thích thiên văn học trên toàn thế giới, và là một trong số ít những nhà thiên văn học kiệt xuất được phép sử dụng kính viễn vọng Hubble.

Ông đã cho ra mắt nhiều đầu sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như Giai điệu bí ẩn (1988), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998)... Trong chuyến trở lại VN lần này, ông sẽ giới thiệu với bạn đọc Việt Nam cuốn "Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao".

Năm 2007, ông vinh dự được Viện hàn lâm Pháp trao tặng giải thưởng lớn Moron. Năm 2009, ông nhận giải Kalinga của UNESCO về phổ biến kiến thức khoa học và nhiều giải thưởng khác nữa.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn