• Zalo

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết 'Nước non vạn dặm'

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 01/02/2023 11:41:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tập 2 bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm" của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ với tên gọi “Lênh đênh bốn biển” được ra mắt vào dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng.

Sáng 1/2/2023 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt tổ chức cuộc gặp mặt, trao đổi về tập 2 của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm (dự kiến có 3 tập) của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ với tên gọi Lênh đênh bốn biển.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết 'Nước non vạn dặm'  - 1

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Lênh đênh bốn biển khắc họa hình tượng Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc từ khi ở Pháp, Anh, Mỹ, các nước châu Phi, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan... cho tới ngày Người trở về Tổ quốc vào ngày 28/1/1941. So với tập 1 Nợ nước non thì khối lượng tư liệu, nhất là tính tư tưởng của tác phẩm, của nhân vật, sự kiện ở tập 2 rộng hơn rất nhiều. Ở Pháp, Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp năm 1918; chủ động, chủ trì cùng các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versailles (1919); viết Bản án chế độ thực dân Pháp (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (ngày 29/12/1920) và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Năm 1922, Người sáng lập báo Người cùng khổ (Le Paria). Ngay bài viết cho số đầu tiên, Người khẳng định sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”. 

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết 'Nước non vạn dặm'  - 2

2 cuốn “Nợ nước non” và "Lênh đênh bốn biển" trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm".

Ngòi bút của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho thấy rõ hơn trong những năm ở trời Tây, Nguyễn Ái Quốc vừa vất vả lao động kiếm sống, vừa khao khát tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân. Người nhận rõ một sự thật đầy đau xót, căm hận: Chính chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc, thực dân là những kẻ áp bức, bóc lột, gây ra mọi đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở thuộc địa và ngay cả chính quốc.

Người nói: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba. Qua hoạt động yêu nước, tìm đường đi cho dân tộc. Người hiểu rõ, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tiếp thu bản sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lê-nin. Sự gặp gỡ, tiếp xúc lịch sử ấy hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên hay may mắn. Đó là một sự dấn thân, sự chủ động chọn đường, một tất yếu khách quan mang tính khoa học và cách mạng. Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp sang Liên Xô. Trên đất nước của Lê-nin, Người dày công học tập, nghiên cứu và vẫn đau đáu hành trình về Tổ quốc. Giữa năm 1925, Người đến Quảng Châu, mở các lớp huấn luyện và đào tạo cán bộ đầu tiên theo xu hướng cộng sản cho cách mạng Việt Nam.

Suốt 30 năm lênh đênh tìm đường cứu nước, Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc trải qua rất nhiều biến cố, khó khăn và hiểm nguy. Từng bước một, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chọn lọc và tái hiện những giai đoạn, sự kiện quan trọng bậc nhất của thời kỳ này, những sự kiện làm sáng rõ con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh đã chọn, đã đi. Mùa xuân Canh Ngọ (1930), với tư cách lãnh tụ của phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hong Kong (Trung Quốc).

Hơn 220 trang sách đem lại cho người đọc cái nhìn thấu đáo và có tính hệ thống, tính logic về những bước biến chuyển trong nhận thức, tư duy của một con người vĩ đại, theo cách giản dị nhất, giản dị như cách mà Người sống trong suốt cuộc đời mình. Nhiều sự kiện, nhân vật của tập  Lênh đênh bốn biển hầu như bạn đọc có biết đến ít nhiều, nhưng cũng có những nhân vật, tình tiết là nhân vật hư cấu, giống như cách mà nhà văn Nguyễn Thế Kỷ triển khai trong tập 1. Họ được xây dựng tự nhiên và sắc nét, bằng thi pháp tiểu thuyết, với tính cách sinh động, gần gũi đời thường trong mối quan hệ với nhân vật trung tâm là Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Lý Thuỵ, Hồ Quang, Tống Văn Sơ, Thầu Chín, ông Vương... Bằng thi pháp đó, tính cách, phẩm chất, tâm hồn đẹp đẽ của Nguyễn Ái Quốc được khắc hoạ một cách giản dị, gần gũi và thuyết phục.

Lênh đênh bốn biển là cuốn tiểu thuyết thứ 4 của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Trước khi bắt tay vào bộ tiểu thuyết này, ông từng có tác phẩm  Chuyện tình Khau Vai (kịch bản sân khấu ra đời năm 2013 và tiểu thuyết năm 2019), Hừng đông (kịch bản sân khấu năm 2016 và tiểu thuyết 2020). Ông chủ trương tiểu thuyết hoá kịch bản sân khấu và ngược lại vì nhận thấy mỗi thể loại có thế mạnh riêng, giọng điệu riêng, công chúng riêng.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết 'Nước non vạn dặm'  - 3

Một cảnh trong vở kịch sân khấu “Nợ nước non”.

Bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm về Chủ tịch Hồ Chí Minh là bộ sách ông tâm huyết nhất, nung nấu lâu dài, tích luỹ tư liệu rất công phu, nghiêm cẩn. Ông hy vọng với bộ sách này, chân dung Hồ Chí Minh một lần nữa được khắc hoạ rõ nét hơn, sâu sắc, chân thật và sinh động, là một con người giản dị và vĩ đại, cao đẹp mà lão thực.

Tập 3 của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm và phần 3 vở sân khấu cùng tên dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào cuối năm 2023.

Ngọc Thanh
Bình luận
vtcnews.vn