• Zalo

Những chuyện hậu trường xúc động vở 'Nợ nước non' của tác giả Nguyễn Thế Kỷ

Ca NhạcThứ Sáu, 29/07/2022 19:12:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Diễn viên Minh Hải đóng Nguyễn Tất Thành, còn con trai 8 tuổi của anh vào vai Nguyễn Sinh Cung, hai bố con chăm nhau khi lưu diễn, có đêm Hải sốt vẫn lên sân khấu.

Sau 2 đêm diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tác giả Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục đem vở Nợ nước non  đi lưu diễn tại TP.HCM (2 đêm) và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đêm diễn tại TP.HCM có đông đảo người dân và lãnh đạo đến dự, trong đó có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM…

Nợ nước non là tiểu thuyết thứ nhất nằm trong bộ sử thi nghệ thuật 3 tập mang tên Nước non vạn dặm của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ.

Bằng trải nghiệm, kiến thức nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu và vốn sống tích lũy sau nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết. Tác phẩm là sự hiểu biết sâu sắc về địa lý, lịch sử và văn hóa của vùng đất nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên.

Thành công được tiếp nối khi Nợ nước non lên sân khấu, với bàn tay dàn dựng của NSND Triệu Trung Kiên.

Những chuyện hậu trường xúc động vở 'Nợ nước non' của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - 1

Vở diễn "Nợ nước non" nhận được sự đón nhận của khán giả TP.HCM.

Trò chuyện với VTC News, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả Nợ nước non, chân thành chia sẻ, ông đưa tác phẩm đi lưu diễn vì đêm diễn ở Hà Nội nhận được sự quan tâm rất lớn. Ông nói: "Tôi và đạo diễn, cũng như Nhà hát Cải lương Trung ương mong muốn sẽ đưa vở diễn vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Nội dung vở diễn có chi tiết rất quan trọng nói về người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn để sang nước ngoài.

Chúng tôi được công chúng đón nhận rất nồng nhiệt. Trong hai đêm diễn 25/7 và 26/7, hơn 500 chỗ ngồi tại nhà hát TP.HCM đều chật kín. Khán giả cũng bày tỏ sự trân trọng và rất nhiều xúc cảm khi xem tác phẩm này. Công chúng khi diễn xong cũng lên chụp ảnh với tác giả, đạo diễn và diễn viên của đoàn. Khán giả xúc động khi lâu lắm mới được xem vở diễn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp phía Bắc".

Những chuyện hậu trường xúc động vở 'Nợ nước non' của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - 2

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ với dàn diễn viên của vở "Nợ nước non".

Tác giả cũng cho biết, phía sau thành công này là rất nhiều khó khăn, áp lực mà đoàn phải đương đầu, đặc biệt là về kinh phí. Chính ông cũng phải đi xin tài trợ để có tiền dựng vở và đem đi lưu diễn, bởi vở diễn này mang tính chất sử thi nghệ thuật nên không nằm trong kế hoạch kinh doanh của nhà hát. 

"Nhiều lúc tôi phải bỏ cả tiền túi hay đi vay mượn bạn bè để hỗ trợ anh em diễn viên. Chúng tôi có rất nhiều khó khăn mà chỉ những người trong cuộc như tôi mới hiểu", ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ. 

Những chuyện hậu trường xúc động vở 'Nợ nước non' của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - 3

Diễn viên Minh Hải vào vai Bác Hồ thời trẻ trong vở "Nợ nước non".

Chính vì không có nhiều kinh phí nên các diễn viên cũng không hề có thu nhập, chỉ diễn bằng tâm huyết và niềm đam mê với nghề. Đặc biệt, diễn viên Minh Hải - người đóng vai Nguyễn Tất Thành, có cậu con trai 8 tuổi cũng tham gia vở kịch với vai Nguyễn Sinh Cung. Theo đoàn lần này, hai bố con phải chăm sóc lẫn nhau.

Đêm 27/7, Minh Hải lên cơn sốt tại Bình Phước; nhưng tối đó anh vẫn lên diễn và hôm sau lại tiếp tục lên đường tới Long An. Trước khi vào vai diễn này, Minh Hải phải giảm 6 kg để phù hợp với hình ảnh Nguyễn Tất Thành lúc 21 tuổi.

"Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hết sức. Nói thật là bữa ăn giấc ngủ của chúng tôi đều không được trọn vẹn, tuy nhiên động lực chính là được nhìn thấy phản ứng tốt của khán giả. Tôi vẫn luôn động viên anh em rằng chúng ta đã có một sản phẩm rất tốt và mang tính thời sự, vì thế mọi người cùng nhau cố gắng", ông Kỷ nói. 

Sau khi kết thúc đợt lưu diễn ở các tỉnh phía Nam, đoàn sẽ tiếp tục vào Nghệ An, rồi Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Huế và Đà Nẵng. Đây đều là những nơi gắn với kỷ niệm của Bác. Vở cải lương Nợ nước non cũng là sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với các loại hình nghệ thuật truyền thống như dân ca, ví dặm xứ Nghệ, ca Huế, bài chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ.

Có một kỷ niệm vui khiến tác giả Thế Kỷ ghi nhớ. Sau khi diễn xong tại TP.HCM, một nhóm kỹ sư gọi cho ông bày tỏ sự xúc động khi xem xong tác phẩm. "Công ty của họ sản xuất kem nên đã xin hình ảnh của chúng tôi trong đêm diễn để in lên sản phẩm của mình. Chúng tôi vừa mới nhận được 2 hộp kem được gửi tặng tới đoàn. Dù giá trị vật chất không quá lớn nhưng đây là món quà tinh thần rất đáng trân trọng với tất cả chúng tôi", tác giả bày tỏ. 

Những chuyện hậu trường xúc động vở 'Nợ nước non' của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - 4

Vở diễn đã tạo cơ hội thăng hoa cảm xúc cho nhiều diễn viên trẻ, họ bày tỏ niềm hạnh phúc khi được vào Nam lưu diễn đợt này, tại thành phố mang tên Bác.

Chia sẻ về cái khó khi tạo dựng tác phẩm nghệ thuật về vị lãnh tụ vĩ đại, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ tiết lộ: "Nghệ thuật luôn đòi hỏi cái mới. Những gì liên quan tới nhân vật lịch sử thì không được làm sai, tuy nhiên không nên làm lại một cách khô cứng vì đó là công việc của những nhà ghi chép lịch sử. Chúng ta phải hư cấu, sáng tạo hình tượng khi đưa vào văn học nghệ thuật. Đó mới là điều cần phải có ở một người viết văn. Tuy nhiên chúng ta cũng phải biết lượng sức mình khi lựa chọn đề tài muốn làm. Bản thân tôi là một nhà văn, một nhà tiểu thuyết nhưng cũng là một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá. Chính vì vậy 2 mảng này cũng hỗ trợ cho nhau để làm nên thành công của tác phẩm". 

Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ cho biết, 2 phần sau của bộ sử thi nghệ thuật Nước non vạn dặm sẽ được hoàn thành từ nay cho tới năm 2023, chậm nhất là 2024 sẽ được công diễn. Phần 2 dự kiến có tên Lênh đênh sóng biển và phần 3 có tên Người là Hồ Chí Minh. Tác giả sẽ khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; sức cảm hóa lay động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1960, nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng khoá XII. Ông nguyên là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Tùng Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn