Video: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ quá trình viết kịch bản vở "Nợ nước non"
Vở kịch "Nợ nước non" ra mắt công chúng tối 20/5. Đây là món quà đặc biệt hướng về kỷ niệm 132 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vở kịch này là tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Đây là phần đầu dự án nghệ thuật mang tính sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, cùng với hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan, cha Nguyễn Sinh Sắc… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước…
Vở “Nợ nước non” là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm xứ Nghệ; ca Huế; bài chòi và dân ca Nam bộ. Vở diễn do nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam làm đạo diễn.
Theo NSND - đạo diễn Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở sân khấu khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung (bé Anh Đức sắm vai), Nguyễn Tất Thành (nghệ sỹ Minh Hải), cùng với hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan (nghệ sỹ Như Quỳnh), cha Nguyễn Sinh Sắc (Nghệ sỹ Ưu tú Mạnh Hùng)… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành...
Video: Xem trích đoạn trong vở cải lương "Nợ non nước"
Trước đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Nhà Xuất bản văn học, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt công bố hai công trình đặc biệt là vở sân khấu và cuốn tiểu thuyết có cùng nguồn gốc văn học, cùng tên gọi “Nợ nước non”, nằm trong bộ sử thi nghệ thuật 3 phần “Nước non vạn dặm” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả hai “công trình” trên cho biết, thực hiện vở diễn và tiểu thuyết “Nợ nước non” phần 1 cũng như bộ sử thi nghệ thuật “Nước non vạn dặm” về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là thách thức lớn với ông, bởi từng có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đồ sộ về Người, được công chúng ghi nhận và khắc sâu vào tâm trí. Tuy vậy, ông vẫn dành tâm huyết thực hiện công trình để thể hiện tình cảm kính yêu Bác sâu sắc và đóng góp thêm những tác phẩm văn học, nghệ thuật về Người.
Theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, phần 2 và phần 3 của tác phẩm dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào năm 2023 - 2024 với tên gọi “Lênh đênh bốn biển” và “Người về.” Tác giả sẽ khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; sức cảm hóa lay động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế…
Bình luận