• Zalo

Nhà sáng chế nhận được nhiều giải thưởng nhất

Sản phẩmChủ Nhật, 07/10/2018 17:26:00 +07:00Google News

Ông Phạm Hoàng Thắng đã có những thành tích nổi bật khi chế tạo thành công hàng loạt máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như Danh hiệu “Bạn nhà nông Việt Nam”, "Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam – Lào – Campuchia”…

Ông Phạm Hoàng Thắng (SN 1962, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) sinh ra trong một gia đình thuần nông nên ông hiểu hết được những nhọc nhằn của bà con nông dân. Suy nghĩ phải làm thế nào để chế tạo ra những máy móc, thiết bị hỗ trợ cho người nông dân bớt những nhọc nhằn, khó khăn trong công việc đồng áng cũng được hình thành từ nhỏ.

Lớn lên, ông lên TP.HCM bắt đầu sự nghiệp với việc kinh doanh đồ nhựa. Trong một lần về quê bắt gặp lại hình ảnh bà con vất vả nơi đồng áng, những suy nghĩ, ước mơ hồi nhỏ lại dấy lên. Trở lại thành phố, ông Thắng bắt tay vào tự mày mò, tìm hiểu chế tạo máy.

Sau nhiều thời gian miệt mài vất vả, năm 2000 thiết bị gieo hạt thành công ra đời. Là một giải pháp sáng chế khá đơn giản nhưng đã làm thay đổi tập quán sạ lang (gieo sạ bằng tay) của người nông dân Nam Bộ. Thiết bị được làm bằng nhựa, nhẹ, bền, độ nhạy các hộc chứa lúa cao và người sử dụng có thể dễ dàng điều chỉnh độ rơi của lúa. Nhờ máy gieo hạt thẳng hàng này, lượng giống giảm từ 10-15 kg lúa giống/1.000m2 đất, nên chi phí sản xuất giảm, tiết kiệm sức lao động, phân bón, thuốc trừ sâu…

1

 Chiếc máy gặt đập liên hoàn của ông Thắng được người dân đưa vào sử dụng (Ảnh: Tạ Nguyên) 

Năm 2003, ông Thắng tiếp tục chế tạo thành công xe phun xịt dung dịch tự động. Với thiết bị này sẽ giúp người nông dân tránh được độc hại trong việc phun thuốc trừ sâu bệnh. Xe có cấu tạo gồm: hai bánh xe, bình chứa dung dịch 34 lít, càng kéo, vòi phun được lắp thành giàn, hai cần bơm... Tốc độ phun của xe nhanh, đều tránh độc hại cho người lao động, đặc biệt có thể diệt được rầy nâu một cách triệt để.

Không dừng lại ở đó, năm 2009 chiếc máy gặt đập liên hợp được ông Thắng chế tạo thành công. Sáng chế của ông Thắng có nhiều ưu điểm nổi trội hơn so với những loại máy nhập ngoại cùng công năng khác như: Giảm hao hụt ước tính so với máy ngoại nhập bằng 240kg lúa/ha (tương đương 3%), giảm hao hụt so với gặt tay là 480kg/ha. Giá máy nhập ngoại trên thị trường có giá khoảng 600.000 triệu đồng/máy trong khi máy của ông Thắng chỉ 300.000 triệu đồng. Máy có độ bền cao, ít hỏng hóc… Đặc biệt, máy còn hoạt động tốt trên các đồng ruộng sình lầy, gặt được lúa ngã đổ.

Ngoài những danh hiệu, giải thưởng kể trên ông Thắng còn vinh dự nhận được hàng loạt giải thưởng khác như: Giải Nhất - Hội thi Máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam - năm 2010, Giải nhất Hội thi Sáng chế năm 2013. Năm 2014, Tổ Chức Kỷ Lục Việt Nam xác lập kỷ lục: "Chiếc máy gặt, đập lúa đạt nhiều giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp”. Năm 2015, ông Thắng được Hội đồng khoa học Đại học Kỷ lục Thế giới cấp bằng Tiến sĩ danh dự và công nhận danh hiệu: " Nhận được nhiều giải thưởng nhất trong việc phát minh máy móc nông nghiệp” (Most Awards for Inventing Agricutural Machines).

Ly Nga
Bình luận
vtcnews.vn