Vừa qua Ủy ban Bản đồ địa chất Thế giới (UBBDĐCTG) đã gửi bản thảo cho Việt Nam tấm ''Bản đồ cấu trúc Biển Đông'' để góp ý trước khi xuất bản.
Sau khi xem xét cụ thể tấm bản đồ trên, ngày 14/8/2016, hai nhà địa chất của Việt Nam là GS.TS Trần Văn Trị (Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế, Tổng hội Địa chất Việt Nam) và PGS.TS Phùng Văn Phách (Nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và Địa Vật lý Biển, Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ VN) đã gửi thư tới TS. Manuel Pubellier, Tổng thư ký UBBĐĐCTG đề nghị bổ sung và chỉnh lý một số nội dung quan trọng trong ''Bản đồ cấu trúc Biển Đông''.
Trong đó, hai nhà địa chất của Việt Nam đã yêu cầu UBBĐĐCTG thực hiện 3 điều. Thứ nhất, nên bổ sung các thành tạo đá móng tiền Đệ tam là carbonat Paleozoi thượng ở bể Sông Hồng và granit Mezozoi ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn v.v..
Thứ hai, kiến nghị bỏ các tên Xisha (Tây Sa, thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - PV), Nansha (Nam Sa, thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV), Yinggehai (Sông Hồng, phiên âm tiếng Trung Quốc), Beibuwan (Vịnh Bắc Bộ, phiên âm tiếng Trung Quốc - PV), v.v.. trên bản đồ theo các Quy định của Bản đồ Địa chất Thế giới 5000 (2012).
Thứ ba, đề nghị bổ sung văn liệu địa chất Việt Nam vào bản đồ: ''Geology and Earth Resources of Vietnam'' (Địa chất và tài nguyên Khoáng sản của Việt Nam).
Video: Tòa trọng tài bác bỏ 'đường lưỡi bò' Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông
Trong thư gửi Tổng thư ký UBBĐĐCTG, GS.TS Trần Văn Trị và PGS.TS Phùng Văn Phách cũng đã nêu rõ, nếu trường hợp UBBĐĐCTG vẫn giữ nguyên các tên địa danh như trên thì hai nhà Địa chất này đề nghị được rút tên khỏi danh sách các tác giả của tấm bản đồ.
Bức thư ''có gai'' của hai nhà địa chất của Việt nam đã được rất nhiều người đồng tình ủng hộ. Bởi lẽ, điều này không những thể hiện trí tuệ của người Việt mà còn góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông - nơi mà Trung Quốc đang có những hành động bành trướng bất chấp luật pháp Quốc tế (phán quyết của PCA). Ngoài ra, nó còn thể hiện rõ quan điểm mạnh mẽ của người Việt trong vấn đề này.
Vì chủ quyền biển đảo
Chiều ngày 1/9, PGS.TS Phùng Văn Phách cho biết, hiện UBBĐĐCTG đã có phản hồi và thông tin lại rằng, họ sẽ chỉnh sửa theo như yêu cầu mà các nhà địa chất Việt Nam đưa ra.
Đối với những cái tên phiên âm tiếng Trung Quốc như Xisha, Nansha, Yinggehai, Beibuwan...xuất hiện trên bản đồ là do phía Trung Quốc đặt. Bởi lẽ, phía Trung Quốc cũng tích cực tham gia góp phần hoàn thành ''Bản đồ cấu trúc Biển Đông'' nên họ cứ để tên địa phương của họ vào. Sau đó, UBBĐĐCTG đã giữ nguyên những tên địa phương đó lại.
''Cũng vì điều này mà phía Việt Nam đã kiến nghị nhiều lần rồi nhưng không được. Vì vậy, đợt này chúng tôi đã làm quyết liệt.
Chúng tôi nói thẳng rằng, nếu mà các ông mà không sửa, thì đề nghị là rút tên bọn tôi ra khỏi danh sách tác giả của Bản đồ mà Việt Nam cũng tham gia. Sau đó họ nói sẽ cố gắng thực hiện những yêu cầu mà chúng tôi đưa ra'', ông Phách chia sẻ.
PGS.TS Phùng Văn Phách cho rằng, khi mà kiến nghị được thực hiện sẽ rất có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Chúng ta cũng đã đề nghị là đối với vùng biển quốc tế phải đặt theo tên quốc tế, nhất định không đặt tên theo một nước nào đấy mà họ có ý đồ.
''Thực ra ngày xưa Việt Nam mình cũng không để ý lắm cái tên biển Nam Trung Hoa hay là Biển Đông. Nhưng biển Nam Trung Hoa là biển đặt theo tên quốc tế, khó thay đổi được.
Những tên địa phương mà Trung Quốc gán vào trên vùng biển của nước ta sẽ khiến các nước khác không hiểu được, và người ta nghĩ rằng đó là địa danh của Trung Quốc.
Kỳ thực là phía Trung Quốc họ cũng có ý đồ đấy thật, họ còn tuyên bố rằng biển tên là Nam Trung Hoa thì là của Trung Hoa.
Thêm vào đó, ngày 22/8 vừa rồi, tờ báo Hoàn Cầu có một bài viết về việc chính quyền tỉnh Hải Nam đang chuẩn bị đề xuất một công văn lên Trung ương đề nghị đổi tên tỉnh Hải Nam thành Nam Hải, từ đó để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với biển Đông.
Trước những thông tin như vậy, có lẽ chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Tổng Thư ký UBBĐĐCTG về việc này: Hiện giờ là có tình trạng như thế thì các ông phải thông cảm với bọn tôi, chứ không phải bọn tôi lằng nhằng rồi đưa ra yêu sách...'', PGS.TS Phùng Văn Phách nhấn mạnh.
Bình luận