(VTC News) - Trước khi bị quân thù Trung Quốc bắn chết từ bên kia cầu sông Kỳ Cùng, nhà báo Nhật Takano nói với chiến sỹ không muốn cho ông đến nơi thiếu an toàn: Sự thật và chân lý không chọn giờ cho chúng ta.
Mở đầu cuộc trò chuyện với PV báo điện tử VTC News, nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh - nguyên TBT báo Tiền Phong không kìm được nước mắt chia sẻ giây phút đau thương tận mắt chứng kiến cảnh nhà báo Takano (Nhật Bản) hy sinh khi quân thù Trung Quốc bắn anh từ bên kia cầu sông Kỳ Cùng.
Hy sinh kiêu hãnh
Takano Ishao (sinh năm 1943) là đặc phái viên tại Hà Nội của Báo Akahata (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản). Trong lúc chụp ảnh để đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Takano đã anh dũng ngã xuống tại tỉnh Lạng Sơn sau khi trúng đạn của quân thù từ bờ bên kia sông Kỳ Cùng, ngay biên giới Việt - Trung.
Hiện nay, ở nghĩa trang biên giới Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn vẫn có mộ của Takano, nhưng không có thi hài.
Nhà báo Takano (bên phải ảnh) trước khi hy sinh. (Ảnh tư liệu) |
Kể về khoảnh khắc tận mắt chứng kiến cái chết củaTakano, nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh xúc động: “Chúng tôi vừa chào nhau xong, với quyết tâm ra tuyến lửa của trận địa để ghi nhận tình hình, đưa tin cho bạn đọc biết thì sau đó không lâu đã phải vĩnh biệt nhau…”.
Ông được cử đến đưa tin tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nơi cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc diễn ra ác liệt nhất.
Hôm đó là ngày 7/3/1979, ông và nhiều nhà báo trong và ngoài nước ngồi trên một số xe ô tô được bộ đội chở đến các địa điểm để tác nghiệp. Lúc sáng gặp nhau, ông và Takano còn chào nhau. Takano cũng nói được tiếng Việt khá tốt.
“Takano giơ tay chào tôi rất thân thiện, trong lòng đầy quyết tâm đến các điểm nóng nhất để đưa tin. Takano là phóng viên chiến trường, đã đến nhiều địa phương ở ta để tác nghiệp. Anh cũng đã tham gia đưa tin trong cuộc chiến chống Pol Pot của Campuchia, chứng kiến tận mắt vai trò to lớn của quân đội Việt Nam trong sứ mệnh giải phóng Campuchia…”. Nhà thơ Dương Kỳ Anh kể.
Do từng trong quân ngũ (từ cuối năm 1971 đến 1975), là lính bộ binh, pháo binh, tên lửa nên ông Dương Kỳ Anh được nhiều nhà báo tín nhiệm nhờ dẫn đường để đảm bảo an toàn.
“Khi đó, Trung Quốc cài rất nhiều mìn lá, cực kỳ khó phát hiện nên tôi cùng một số sỹ quan bộ đội phải dẫn đường và hướng dẫn cho nhóm nhà báo tránh được bẫy mìn, đảm bảo an toàn…”, ông Dương Kỳ Anh kể tiếp.
“Ngày 7/3/1979, có 3 xe chở nhà báo. Xe chở nhóm chúng tôi đi bên phải đường, xe chở nhóm nhà báo khác, trong đó có Takano đibên trái đường. Chúng tôi tiến sát chân cầu Kỳ Cùng, phía bên này cầu, quân đội ta vừa giải phóng; phía bên kia, Trung Quốc vẫn chiếm đóng."
"Bỗng có tiếng đạn nổ, pháo bay. Chúng tôi được lệnh nằm xuống. Trong khi tất cả đều đã nằm xuống tránh đạn, tôi chỉ cách Takano khoảng vài chục mét nên thấy anh dường như đang nói gì đó với một anh bộ đội,"
"Rồi Takano hiên ngang đứng lên, chĩa máy ghi hình về phía quân thù để ghi hình. Thế rồi, một loạt đạn réo lên, Takano vẫn giữ vững máy ghi hình. Nhưng đến loạt đạn thứ hai, tôi thấy Takano gục xuống, máu đầm đìa, chiếc máy ghi hình văng ra, vỡ nát…”, ông Dương Kỳ Anh rưng rưng nhớ lại.
Ngay sau đó, nhiều người đã chạy đến bên Takano, nhưng anh đã ra đi. “Chúng tôi là những người đầu tiên đưa tin về sự hy sinh cao cả của anh ấy…”, ông Dương Kỳ Anh chia sẻ.
'Sự thật và chân lý không chọn giờ cho chúng ta'
Những ngày này, khi lên đến nghĩa trang biên giới Hoàng Đồng (Lạng Sơn), rất nhiều người xúc động trước hàng ngàn ngôi mộ của những người đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979.
Ở giữa những ngôi mộ đó, có một ngôi mộ không có thi hài nhưng cũng luôn được nghi ngút khói hương. Đó chính là mộ bia tưởng niệm nhà báo Takano.
Tượng đài tưởng niệm Takano Isao tại Nghĩa trang Hoàng Đồng- TP Lạng Sơn. ảnh: Duy Chiến |
Trước đó, bia này do người dân Lạng Sơn dựng lên, lấy hình tượng ngọn bút vươn lên trời xanh để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của nhà báo dũng cảm Takano ngay tại nơi anh hy sinh.
Sau này, bia tưởng niệm được di chuyển về nghĩa trang Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn. Ngôi mộ được dựng lên để người Việt Nam luôn ghi nhớ sự hy sinh cao cả của một nhà báo, một người bạn Nhật Bản.
Takano cố gắng thuyết phục: “Cảm ơn các anh tạo điều kiện cho tôi tác nghiệp. Nếu chờ an toàn thì tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Sự thật và chân lý không chọn giờ cho chúng ta”.
Được biết, bà Michio (vợ Takano) cùng con gái đã từng đến Lạng Sơn, thắp nhang tại bia tưởng niệm chồng.
Còn nhà thơ Anh Ngọc kể lại rằng, ngay khi trở về Hà Nội, ông đã vào nhà xác Bệnh viện Việt - Xô để viếng Katano.
“Một mình tôi đứng trong phòng đại thể lạnh lẽo, thấy Takano nằm trên bàn. Tôi nhìn thấy trên trán anh hai vết băng dính, một ở thái dương, một ở trên trán. Chắc là viên đạn đã đi vào một bên và chui ra ở phía bên kia…”.
Nói them về Takano, nhà văn Đỗ Ngọc Mai đọc cho tôi nghe mấy câu mà rất nhiều người dân xứ Lạng thuộc lòng trong bài hát “Takano –nhân chứng quả cảm” của nhạc sỹ Phó Đức Phương: “Xin hát về người con của tuyết trắng Fuji hùng vĩ/ Anh đến với quê tôi trong những ngày lửa khói/ Tâm hồn anh tươi sáng như hoa anh đào mới nở...”.
Đức Kế
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận