Sáng 19/11, tại TAND tỉnh Phú Thọ, HĐXX tiếp tục xét hỏi những bị cáo liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng trên mạng internet được 2 cựu tướng công an bảo kê.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với Phan Sào Nam, HĐXX chuyển sang thẩm vấn "ông trùm" thứ 2 của đường dây này là Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).
Đứng trước bục xét hỏi, bị cáo Dương thừa nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố 2 tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” là đúng.
Được hỏi về mối quan hệ với Phan Sào Nam, Dương cho biết: “Tôi và Nam quen biết nhau từ năm 2015 qua một người khác giới thiệu. Với lời khai vắn tắt của Nam được HĐXX thông báo sau khi tôi bị cách ly, tôi xin tôn trọng lời khai này và không bổ sung.”
Theo bị cáo Nguyễn Văn Dương, ông Phạm Quý Ngọ - cố Thứ trưởng Bộ Công an là người giới thiệu Công ty CNC hợp tác với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50). Sau này, ông Hóa, ông Ngọ và Dương cùng ngồi với nhau để trao đổi công việc.
“Bị cáo lập Công ty CNC với mục đích chính là hoạt động kinh tế, nghiệp vụ nhưng trước đó bị cáo không có ý định lập công ty này. Vì thời gian bị tạm giam đã lâu nên không nhớ rõ hết nội dung hợp tác giữa CNC và C50, chỉ nhớ là hoạt động kinh tế thông thường, hoạt động hóa trang trinh sát đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao” – Dương khai.
Dương khẳng định, ông Hóa là người đại diện C50 ký hợp tác với Công ty CNC, trong đó C50 có 20% vốn ở CNC nhưng không đóng góp về nhân sự. Tuy nhiên, sau khi hợp tác, ông Hóa cho rằng việc góp vốn không đảm bảo thỏa thuận hợp tác nên không góp vốn, dù Dương và ông Hóa không có mâu thuẫn.
“Bị cáo không nhớ hết về đóng góp với C50 nhưng công ty đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động trinh sát tìm hiểu, nắm bắt tình hình tội phạm, đặc biệt tội phạm công nghệ cao. Điều này thể hiện qua nhiều báo cáo cũng đã có trong hồ sơ vụ án” – Dương nói.
Sau đó, chủ tọa phiên tòa hỏi: "Ai là người phía Bộ Công an có chức năng giám sát CNC?”
Dương trả lời: “Là bị cáo Nguyễn Thanh Hóa”.
Bị cáo Dương khai, trong khoảng thời gian hoạt động từ 2011 đến 2015, hàng tháng, hàng quý, hàng năm Công ty CNC đều báo cáo với C50 và C50 cũng thỉnh thoảng cử người xuống kiểm tra.
Trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau năm 2012 thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám, địa điểm thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát. Đầu 2015, CNC mới chính thức là công ty nghiệp vụ của C50 theo quyết định của Tổng cục Cảnh sát.
Tiếp đó, đại diện Viện Kiểm sát hỏi, ngày 27/11/2013, Nguyễn Văn Dương ký báo cáo sơ kết 2 năm hoạt động của đơn vị nghiệp vụ bình phong CNC số 303 gửi Nguyễn Thanh Hóa, có nội dung: "Mục tiêu của cổng thanh toán SSPay là trở thành cổng thanh toán lớn nhất trong cộng đồng game online, đặc biệt là các game bất hợp pháp hiện nay.
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này, CNC rất cần sự hỗ trợ từ phía lãnh đạo Cục trong việc đưa các game bất hợp pháp trên sử dụng cổng SSPay của CNC làm cổng thanh toán duy nhất của các đơn vị này (danh sách cụ thể các đơn vị kinh doanh game bất hợp pháp đã trình lãnh đạo Cục trong báo cáo về game online)" - vậy bị cáo muốn thâu tóm gì?
"Dùng từ thâu tóm hơi quá. việc này sẽ giúp công ty nắm được thông tin người sử dụng, diễn biến người tham gia để phục vụ việc trinh sát" - Dương nói.
"Nếu làm cổng thanh toán duy nhất cho các game bất hợp pháp, vậy bị cáo có hành vi dung dưỡng, dựa vào thế lực của C50?", đại diện Viện Kiểm sát chất vấn.
Trả lời đại diện Viện Kiểm sát bị cáo Dương trình bày: "Bị cáo nhận thức đó là việc cần thiết để nắm bắt thông tin, báo cáo cấp trên và cần sự hỗ trợ. Nắm bắt chặt chẽ để báo cáo quản lý đối với hoạt động này".
Bình luận