Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày (tương đương với một thìa cà phê), tuy nhiên, đa số người dân ở Việt Nam đều tiêu thụ muối nhiều gấp đôi so với khyến cáo.
Theo Ths. Bs Ngô Thị Hà Phương cho biết: “Thói quen của người Việt Nam là khi ăn ở nhà, trong mỗi mâm cơm, ngoài các món ăn, đều có bát nước mắm hoặc đĩa muối dùng để chấm; ở các cửa hàng ăn, trên mỗi bàn ăn đều có sẵn các loại gia vị để người dùng tự thêm vào cho hợp khẩu vị.
Và theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2011, có đến 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại Việt Nam chủ yếu là từ muối và các gia vị cho vào trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn, từ các thực phẩm chế biến sẵn là 11%, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7,4%.
Bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối hàng ngày (tương ứng với 35.1% và 31.6%). Mì chính và muối tinh cũng là những nguồn cung cấp muối đáng kể (tương ứng 7.5% và 6.1%). Trong các thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền là thực phẩm có lượng muối lớn (7.5%). Dưa muối cũng đóng góp 1.4% lượng muối hàng ngày”.
Khi chế biến thực phẩm, nấu nướng món ăn người nội trợ sử dụng muối, gia vị, nước mắm chỉ ước lượng mà không đong đo. Chính vì vậy, vô tình đã biến các loại gia vị này trở thành mối đe dọa với sức khỏe con người.
Muối có vai trò quan trọng trong đó Natri là một trong hai nguyên tố chính cấu thành nên muối, chiếm 40% trọng lượng của muối.
Ths. Bs Hà Phương chia sẻ: “Lượng Natri ăn vào tối thiểu cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể chưa có con số cụ thể nhưng được ước tính chỉ vào khoảng 200 – 500 mg/ngày (tương đương 0,5 – 1,25 g muối, chưa bằng 1 thìa nhỏ). Thiếu Natri rất hiếm gặp ở người khoẻ mạnh bình thường. Tình trạng Natri trong máu thấp chỉ có thể xảy ra ở những người bị mất quá nhiều Natri do tiêu chảy, nôn, ra quá nhiều mồ hôi, hoặc bị bệnh thận. Không đảm bảo bổ sung đủ lượng muối cơ thể sẽ ảnh hưởng tới các chức năng chủ yếu hoạt động của hệ thống thần kinh””.
Tuy nhiên, với chế độ ăn nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch làm tăng thể tích máu lưu thông, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới tăng huyết áp.
Bệnh lý tăng huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác đặc biệt là đột quỵ. Ăn nhiều muối còn muối gây suy thận, sỏi thận, loãng xương và gây ưng thư trong đó có ung thư dạ dày.
Video: Người Việt ăn mặn dễ chết
Theo bác sĩ Hà Phương cho biết: “Tăng tiêu thụ Natri có liên quan tới tăng huyết áp (THA), trong khi giảm tiêu thụ Natri làm giảm huyết áp ở người trưởng thành. Khẩu phần Natri tăng cũng liên quan trực tiếp tới các bệnh tim mạch, nhất là đột quỵ và bệnh mạch vành tim.
Giảm khẩu phần Natri và do đó giảm huyết áp có lợi cho sức khỏe, làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối thì tần suất mắc bệnh THA tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh THA cao hơn so với những người ở đồng bằng và miền núi.
Chế độ ăn giảm Natri theo nhu cầu khuyến nghị từ giai đoạn sớm có thể giúp trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh và giảm tỉ lệ mắc bệnh THA sau này. Nhiều bệnh nhân THA ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh.
Chế độ ăn giảm muối bao gồm giảm lượng muối và các thành phần có chứa natri có thể giúp duy trì huyết áp ở mức ổn định và là một biện pháp quan trọng để điều trị cũng như phòng bệnh THA”.
Muối (NaCl), được cấu thành từ hai nguyên tố hoá học: Natri và Clorua, là gia vị thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của mọi người dân trên thế giới. Muối có thể ở dạng muối tinh (table salt) hoặc muối hạt (sea salt - muối biển).
Natri là nhân tố chính trong việc tạo nên vị mặn của muối và cũng gây ra những tác hại tới cơ thể con người khi sử dụng dư thừa. Na+ là chất điện giải có vai trò điều hoà áp lực thẩm thấu và cân bằng thể dịch, cân bằng acid-bazơ, cũng như các hoạt động điện sinh lý trong cơ, thần kinh. Ngoài ra, cùng với Natri, Kali rất cần thiết cho quá trình vận chuyển tích cực các nguyên liệu qua màng tế bào như chuyển hoá glucose.
Dư thừa Natri so với nhu cầu khuyến nghị, gây tăng tính thấm, tăng trương lực thành mạch, gây ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi gây ra tăng huyết áp.
Bình luận