• Zalo

Nguy cơ ấn vàng quan trọng triều Nguyễn bị bán ra nước ngoài, Cục Di sản nói gì?

Sao ViệtThứ Sáu, 24/03/2023 15:13:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá thông tin về nguy cơ ấn vàng quan trọng nhất thời triều Nguyễn - ''Hoàng đế chi bảo'' bị bán ra nước ngoài.

Sáng 24/3, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá trả lời những câu hỏi liên quan tới ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Ông Thành nói: "Hiện nay chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cụ thể vì phải thực hiện cam kết giữa các bên và tiến hành thủ tục để đưa ấn vàng hồi hương ấn vàng theo đúng quy định pháp luật của Pháp cũng như Việt Nam".

Ông Thành nhấn mạnh mốc tháng 4 và tháng 6/2023 sẽ rất quan trọng liên quan đến việc hồi hương của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Nguy cơ ấn vàng quan trọng triều Nguyễn bị bán ra nước ngoài, Cục Di sản nói gì? - 1

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá thông tin về việc hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Trước đó, ngày 19/10/2022, website của hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có 2 cổ vật của nhà Nguyễn. Một trong hai cổ vật đó được xác định là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841).

Ngày 31/10/2022, đại diện Việt Nam và hãng đấu giá Millon đã thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Sau đó, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh mua trực tiếp từ Nhà đấu giá Millon với giá là hơn 153 tỷ đồng. Việc thương lượng mua "Hoàng đế chi bảo" đã thành công. Ông Nguyễn Thế Hồng đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ VHTT&DL để hồi hương ấn vàng.

Trước ý kiến ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" có khả năng sẽ lại bị bán ra nước ngoài vì thuộc quyền sở hữu tư nhân, ông Trần Đình Thành khẳng định việc này rất khó xảy ra.

Ông Thành nói: Thông tư 19/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định danh mục di vật cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945, trong đó bao gồm ấn tín. Đối tượng, điều kiện, thủ tục, mục đích đưa ra nước ngoài như thế nào cũng được quy định rất cụ thể, chặt chẽ trong thông tư. 

Ông Thành nói thêm: Nếu chủ sở hữu có thể là tư nhân, có nguyện vọng muốn đưa ra nước ngoài với mục đích trưng bày quảng bá văn hóa Việt Nam, hoặc đưa ra nước ngoài để phục vụ công tác tu sửa, bảo quản nếu hiện vật xuống cấp mà công nghệ và trình độ kỹ thuật của Việt Nam chưa thực hiện được, thì đã có thông tư quy định. Còn với mục đích khác thì đã có thông tư 19 này cũng ngăn chặn việc mang ra nước ngoài. 

"Chúng tôi cam kết việc chủ sở hữu có thể là tư nhân muốn mang hiện vật ra nước ngoài phải đảm bảo tuân thủ quy định chặt chẽ mới được mang đi. Hiện vật này chịu quản lý của Thông tư 19 sẽ không được mang ra nước ngoài", Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá nói.

Nguy cơ ấn vàng quan trọng triều Nguyễn bị bán ra nước ngoài, Cục Di sản nói gì? - 2

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử. Sách "Đại Nam thực lục" của Quốc Sử quán triều Nguyễn chép: Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Ấn có nuốm (quai) làm rồng cuốn 2 tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân. Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy.

Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, vào năm Minh Mệnh thứ 9 (năm 1828), dụ rằng: Ấn báu của nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn... Gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân (người thân và người có công), đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc, dùng ấn "Hoàng đế chi bảo".

Lê Chi
Bình luận
vtcnews.vn