• Zalo

Nguồn cung thịt lợn giảm được dự báo từ đầu năm, sao vẫn để giá tăng cao?

Thị trườngThứ Sáu, 03/01/2020 13:36:38 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo chuyên gia, tình trạng nguồn cung thịt lợn giảm, nguy cơ đẩy giá tăng được dự báo từ đầu năm nhưng các cơ quan ban ngành vẫn để xảy ra tình trạng giá tăng quá cao trong dịp cuối năm.

Tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và Dự báo 2020 do Học viện Tài chính (Viện kinh tế - Tài chính) phối hợp Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 3/1, các chuyên gia kinh tế đã thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến mặt bằng giá cả, thị trường Việt Nam trong năm 2019. Trong đó, giá thịt lợn tăng "sốc" thời điểm cuối năm và nguy cơ thiếu hàng cho dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 được "mổ xẻ" nhiều hơn cả.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long: "Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện từ tháng 1/2019, từ thời điểm đó đến tháng 6/2019, giá lợn hơi giảm xuống. Trước tình hình dịch lây lan và giá biến động theo chiều hướng không tốt, nhiều chủ trang trại đã không tái đàn. Chính vì thế, Chính phủ và các ban ngành đã dự báo sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung".

Nguồn cung thịt lợn giảm được dự báo từ đầu năm, sao vẫn để giá tăng cao? - 1

Chuyên gia Ngô Trí Long đặt câu hỏi: Tại sao đã dự báo được từ trước khá lâu mà các bộ ban ngành vẫn để xảy ra tình trạng giá thịt lợn tăng cao? (Ảnh: Ngọc Khánh)

Ông Long đặt câu hỏi: "Tại sao đã nhìn ra vấn đề này từ trước mà các bộ ban ngành vẫn để giá thịt lợn tăng cao và tăng nhanh như vậy?". Theo đánh giá của ông Long, vấn đề nằm ở chính việc điều hành của các cơ quan chức năng. "Cuối năm vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có phê bình Bộ NN&PTNT vì để giá thịt lợn tăng cao. Nhưng Bộ này lại cho rằng do Bộ Công Thương điều hành tổ chức lưu thông chưa tốt dẫn đến tình trạng găm hàng. Nhu cầu của thị trường là 10.000 tấn nhưng các công ty chỉ xuất ra 5.000 tấn, làm giá tăng nhanh. Trong khi đó, Bộ Công Thương lại cho rằng trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT khi đưa ra dự báo không chính xác".

Cùng thảo luận về tình hình giá lợn tăng cao, thậm chí lên mức kỷ lục, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: "Giá lợn tăng là do hệ thống phân phối chưa được tốt. Do ảnh hưởng của bệnh dịch, số lượng lợn trong dân chết nhiều, số lợn khỏe mạnh còn lại tập trung ở các công ty lớn. Nếu những công ty này cầm trịch tốt thị trường thì giá cả sẽ ổn định. Báo chí đã phản ánh nhiều về vấn đề neo giá, gửi giá, găm giá của các đơn vị phân phối lớn. Những công ty này nếu lên giá thì giá thị trường sẽ lên, nếu họ giảm giá thị trường cũng sẽ giảm".

Ông Phú đặt câu hỏi: "Nếu như không có chỉ đạo của Chính phủ thì liệu những "ông lớn" trong ngành chăn nuôi có giảm giá hay không?".

Vấn đề bình ổn giá thịt lợn cũng được ông Phú đưa ra tham luận. Cụ thể, ông Phú cho rằng: "Thịt lợn là mặt hàng được bình ổn nhưng lại bình ổn theo giá thị trường, như vậy gọi gì là bình ổn?". Vị chuyên gia này nhận định nguyên nhân do các cơ quan chức năng không quyết định được giá lợn tại các trang trại.

"Luật giá đã quy định, trong những thời điểm khó khăn, phải có những biện pháp cứng rắn hơn và khải kê khai giá, xác định giá thành. Ví dụ giá thành chăn nuôi của các công ty lớn chỉ ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng bán ra 80.000 - 90.000 đồng/kg là lãi quá cao", chuyên gia Phú dẫn giải.

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện của Cục quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, trước biến động mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên phạm vi cả nước, giá thịt lợn hơi giảm mạnh từ tháng 3 đến tháng 5 do người tiêu dùng hạn chế mua. Từ tháng 6 đến nay, giá thịt lợn tăng trở lại do nguồn cung sụt giảm trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Bộ Tài chính chủ động theo dõi, cập nhật diễn biến giá thịt lợn, tính toán dự báo tác động đưa ra vào trong các kịch bản điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát chung; đồng thời phối hợp với Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành khác có liên quan, đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường.

Cục Quản lý giá cũng đưa ra dự báo trong năm 2020, giá thịt lợn vẫn diễn biến phức tạp, việc tái đàn vẫn chưa đạt hiệu quả nên dự báo giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm.

Sau chuỗi ngày tăng và có nơi chạm đỉnh 100.000 đồng/kg, hai ngày nay, giá lợn hơi đang giảm 10.000-15.000 đồng/kg. Cụ thể, tại miền Bắc, giá nhiều tỉnh giá rơi từ 90.000 đồng xuống 80.000-83.000 đồng/kg. Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá cũng hạ nhiệt thêm 5.000 đồng xuống bình quân còn 83.000-86.000 đồng/kg lợn hơi. Còn tại miền Nam, giá lợn hơi còn 77.000 - 83.000 đồng/kg.

Mức giá này được dự báo sẽ còn giảm nữa, tác động tích cực đến thị trường bán lẻ.

Bên cạnh việc thảo luận về giá thịt lợn, tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhắc đến nguy cơ nhiều mặt hàng, dịch vụ khác tăng giá trong năm mới 2020. Cụ thể như giá nhiên liệu trong nước có thể tăng nhẹ do chịu ảnh hưởng của giá thế giới trước những bất ổn chính trị. Giá dịch vụ y tế năm 2020 cũng dự kiến chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế và việc điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở mới. Đối với giá đất giai đoạn 2020 - 2024 sẽ được điều chỉnh tăng trong khoảng 10-20% so với năm 2019. Giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc có thể tăng theo quy luật vào đầu và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp lễ, Tết.

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn