• Zalo

Người Vũ Hán và nỗi đau bị đồng bào hắt hủi, ghẻ lạnh

Thời sự quốc tếThứ Hai, 03/02/2020 15:33:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tại một căn nhà, thông báo màu đỏ được dán cạnh cửa: "Hộ gia đình này có người trở về từ Vũ Hán, vui lòng không tiếp xúc", cánh cửa cũng được "niêm phong" bằng nhiều thanh kim loại.

Ở Trung Quốc, Vũ Hán được biết đến là một thành phố hoa anh đào, một trung tâm kinh tế năng động ví như Chicago của Mỹ.

Nhưng giờ đây, thành phố với 11 triệu dân của tỉnh Hồ Bắc đang trở thành tâm điểm của đợt bùng phát dịch viêm phổi cấp. Tới đâu, người Vũ Hán cũng bị kỳ thị. Chính quyền các địa phương trên khắp Trung Quốc kích hoạt phản ứng y tế công cộng cao nhất, đẩy mạnh sàng lọc những người đến từ Vũ Hán.

Nỗi lo về sự lây lan về dịch bệnh vô hình trung làm dấy lên làn sóng phân biệt với người Vũ Hán. 

Họ bị ruồng bỏ trên chính đất nước mình, bị các khách sạn hay người dân ở các tỉnh lân cận xa lánh. 

Các quan chức Vũ Hán ước tính khoảng 5 triệu người đã rời khỏi thành phố này trong đợt xuân vận trước khi chính quyền ban hành lệnh cấm các phương tiện công cộng. 

Người Vũ Hán và nỗi đau bị đồng bào hắt hủi, ghẻ lạnh - 1

 Vũ Hán trông không khác gì thành phố ma sau lệnh phong tỏa. (Ảnh: AP)

"Nhiều người bạn tôi rời Vũ Hán không nhận ra tình trạng nghiêm trọng tới mức nào", April Pin, một người Vũ Hán viết trong bức thư ngỏ mong mọi người tha thứ cho những người đồng hương của cô khi họ rời đi mà không biết mình đã nhiễm bệnh. 

Pin, một trong số hàng triệu người ở lại Vũ Hán nói cô viết bức thư vì có quá nhiều bình luận bài xích, miệt thị người Vũ Hán. 

Sau khi Vũ Hán bị phong tỏa, người dân tại thành phố này nhanh chóng nhận ra rằng họ không được chào đón tại các khách sạn, nhà nghỉ ở nơi mà họ tới và cũng không thể quay lại quê nhà do lệnh hạn chế đi lại. Họ mắc kẹt trong chính đất nước mình. 

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, các bài đăng của các khách du lịch Vũ Hán tìm kiếm chỗ để trú chân tiếp tục tăng lên. 

Một người nói cô bị một nhà nghỉ ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam xua đuổi sau khi phát hiện khách thuê phòng là người Hồ Bắc. 

"Tôi chỉ yêu cầu sự giúp đỡ vì tôi rơi vào cảnh khốn cùng rồi", Ludougao nói. Ludougao rời Vũ Hán hôm 20/1, 3 ngày trước lệnh phong tỏa. 

Cô gọi cho cảnh sát, nhưng được đề nghị tới khu vực dành cho người vô gia cư. Cô gọi cho đường dây nóng của thị trưởng Vũ Hán nhưng không ai nhấc máy. Cô thậm chí tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe nhưng hết thảy 10 khách sạn cô tới đều không chấp nhận. 

Bài đăng của Ludougao sau đó bị xóa nhưng câu chuyện của cô vẫn đến tai giới chức Trường Sa. Họ sắp xếp giúp cô một nhà nghỉ vào tối đó. 

Nhiều người Vũ Hán lâm vào tình cảnh tương tự Ludougao. Trước thực trạng này, Bộ Văn hóa Du lịch Trung Quốc yêu cầu mỗi tỉnh thành phải sắp xếp ít nhất 1 khách sạn tiếp nhận người Vũ Hán. 

Người Vũ Hán và nỗi đau bị đồng bào hắt hủi, ghẻ lạnh - 2

Người đàn ông phải quay đầu xe khi gặp chốt kiểm soát ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy. (Ảnh: CNN)

Ngoài khách du lịch, chính quyền các địa phương cũng cảnh giác cao độ với những người trở về quê nhà từ Vũ Hán. Tại một số thành phố như Thượng Hải, Quảng Châu, một số quan chức được giao nhiệm vụ tìm kiếm người trở về từ Vũ Hán và thông báo lại cho chính quyền. 

Một số người cảnh giác với những người Vũ Hán tới độ họ gọi cảnh sát khi thấy một chiếc xe có biển số Vũ Hán. 

Hồi tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc phải ban hành thông báo yêu cầu người dân ngừng phong tỏa các tuyến đường trái phép, đặc biệt là đào đường chặn lối vào ở các ngôi làng tại nhiều vùng nông thôn để ngăn người Hồ Bắc xâm phạm nơi ở của họ. 

Ở một số nơi, những người trở về từ Vũ Hán bị chính cộng đồng cách ly. Một video gây tranh cãi cho thấy nhà của những người ở Vũ Hán bị niêm phong với các dòng thông báo. Một số còn bị đóng ván gỗ hoặc chặn bằng thanh kim loại. 

Tại một căn nhà, thông báo màu đỏ được dán cạnh cửa: "Hộ gia đình này có người trở về từ Vũ Hán, vui lòng không tiếp xúc với họ". Cánh cửa bị một người đàn ông đeo khẩu trang "niêm phong" bằng nhiều thanh kim loại. 

Trong nước khó khăn là vậy, những người Vũ Hán ở nước ngoài không khá khẩm hơn là bao. Khi hàng loạt các hãng hàng không hủy các chuyến bay tới Vũ Hán, nhiều người mắc kẹt bên ngoài Trung Quốc. 

Tính tới ngày 27/1, vẫn còn hơn 4.000 khách du lịch Vũ Hán ở nước ngoài. Điều này khiến Trung Quốc quyết định điều máy bay đưa công dân Vũ Hán đang ở nước ngoài quay về.

"Dựa trên những khó khăn thực tế mà công dân Trung Quốc ở tỉnh Hồ Bắc, đặc biệt là thành phố Vũ Hán phải đối mặt ở nước ngoài, chính quyền Trung Quốc quyết định cử các chuyến bay tới đưa họ trực tiếp quay về Vũ Hán sớm nhất có thể", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay.

Làn sóng phân biệt đối xử với người Vũ Hán nghiêm trọng tới mức tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải ra thông báo kêu gọi chấm dứt tình trạng này. 

"Phần lớn 5 triệu người rời Vũ Hán mà không do chủ tâm của họ và cũng không phải tất cả họ đều mang theo virus. Dù họ có đi bất cứ đâu, chúng ta không nên phân biệt đối xử hay xa lánh họ. Trước dịch bệnh bùng phát, họ là những nạn nhân. Họ là những người mong muốn có thể loại bỏ dịch bệnh này, mong muốn an toàn và sự quan tâm hơn bất kỳ ai. Vào thời điểm này, những gì họ cần là sự thấu hiểu chứ không phải là những quan niệm sai lầm", tờ báo này viết. 

 

 

Song Hy(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn