• Zalo

Vì sao quá nhiều 'thuyết âm mưu' xung quanh dịch cúm Vũ Hán?

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 01/02/2020 23:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc kiểm soát công bố dữ liệu và thông tin liên quan sự bùng phát chủng virus corona mới ở Vũ Hán của Trung Quốc là nguyên nhân khiến một loạt thuyết âm mưu lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Virus corona đang là nỗi sợ hãi toàn cầu. Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự bùng phát của virus corona chủng mới (2019-nCoV) đã được kiềm chế ở Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc.

Dù cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có những tuyên bố cứng rắn về việc xử lý những đối tượng cố tình che giấu dịch hoặc che giấu thông tin về dịch bệnh. Thực tế là chính quyền đã có chọn lọc trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan và phương tiện truyền thông quốc tế. 

Nhiều thuyết âm mưu đang được lan truyền trên Facebook, Twitter, WhatsApp và các mạng xã hội ở Trung Quốc.

Tạp chí khoa học Natture, dẫn lời các nhân viên y tế quốc tế, nói rằng dữ liệu báo cáo được chính quyền Trung Quốc công bố là không đầy đủ. Các nhà nghiên cứu vẫn đang vật lộn để tìm ra mô hình chính xác cho sự bùng phát dịch bệnh và dự đoán nó có thể diễn ra như thế nào.

Đó là cơ hội vàng cho các thông tin sai lệnh tiếp tục lan truyền: do thiếu thông tin đáng tin cậy, các thuyết âm mưu quy kết sự bùng phát virus corona ở Vũ Hán là do rò rỉ vũ khí sinh học và những gì người dân Trung Quốc ăn.

Vì sao quá nhiều 'thuyết âm mưu' xung quanh dịch cúm Vũ Hán? - 1

Hành khách rời khỏi Trung Quốc từ sân bay Vũ Hán đang được kiểm tra các triệu chứng liên quan đến nhiễm virus corona. (Ảnh: PTI)

 

Rò rỉ vũ khí sinh học

Đây có thể là một kịch bản đáng sợ vào thời điểm mà các cơ quan y tế trên thế giới đang lo lắng về sự bùng phát của virus corona từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.

Washington Times công bố báo cáo của một cựu sĩ quan tình báo Israel, người đưa ra giả thuyết rằng, sự bùng phát virus corona thực sự là kết quả của việc rò rỉ vũ khí sinh học từ phòng thí nghiệm “bí ẩn” ở Vũ Hán.

Phòng thí nghiệm “bí ẩn” đó là Viện Virus học Vũ Hán. Vũ Hán là tâm chấn của sự bùng phát virus corona. Cựu điệp viên Israel được xác định báo cáo là một chuyên gia về virus học (nghiên cứu về virus) và ông tuyên bố rằng, Viện Virus học Vũ Hán đã tham gia phát triển vũ khí sinh học bí mật cho quân đội Trung Quốc.

Khi kịch bản này được lan truyền, không có cơ quan y tế nào lật lại được lập luận của nó, và nó tiếp tục nhận được thêm sức hút khi chính quyền xác định nguồn gốc của virus là từ động vật sang người – tại một chợ bán hải sản và thịt động vật cách phòng thí nghiệm virus học khoảng 25-30 km.

Chính tại khu chợ này, virus corona được cho là đã lây nhiễm cho người đầu tiên vào đầu tháng 12. Nhưng tiếng chuông cảnh báo chỉ bắt đầu vang lên vào ngày 20/1, khi 14 nhân viên y tế điều trị bệnh nhân viêm phổi được báo cáo là bị nhiễm bệnh. Đây là trường hợp đầu tiên mà virus lây nhiễm từ người sang người được xác nhận trong đợt bùng phát này.

Tuy nhiên, sau đó, một loạt các chuyên gia đã vào cuộc và bác bỏ giả thuyết nCoV là sản phẩm nhân tạo.

"Dựa trên bộ gen và đặc tính của virus, không có dấu hiệu nào cho thấy đây là chủng virus do con người tạo ra" - ông Richard Ebright, giáo sư sinh hóa tại Đại học Rutgers, Mỹ, cho biết.

Trong khi đó, ông Tim Trevan, chuyên gia an toàn sinh học tại bang Maryland, Mỹ, cũng giải thích rằng hầu hết quốc gia đã từ bỏ nghiên cứu vũ khí sinh học sau nhiều năm không thu được thành quả. "Phần lớn bệnh mới và khó xử lý đều xuất phát từ tự nhiên" - ông nói thêm.

Ông Milton Leitenberg, chuyên gia vũ khí hóa học tại Đại học Maryland, Mỹ, cho biết ông cùng các nhà phân tích khác khắp thế giới đã thảo luận về khả năng việc phát triển vũ khí tại phòng thí nghiệm Vũ Hán có thể đã dẫn tới lây lan nCoV, nhưng cuối cùng không ai tìm ra bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết này.

"Tất nhiên, nếu họ đang nghiên cứu vũ khí sinh học thì việc đó sẽ bị che giấu" - ông Leitenberg trả lời phỏng vấn qua điện thoại, nhưng nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc không có khả năng sử dụng cơ sở như vậy để sản xuất, hoặc thậm chí nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh học.

Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái cáo buộc Trung Quốc từng tiến hành các hoạt động sinh học có khả năng ứng dụng cho nhiều mục đích. Tuy nhiên, bà Elsa Kania, chuyên gia tại Trung Tâm An ninh Mỹ Mới, đánh giá chủng virus corona không phải loại vũ khí hữu ích.

"Những tác động của vũ khí sinh học thường rất được chú trọng trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, từ khi dịch viêm phổi cấp bùng phát, nCoV lây lan nhanh chóng khắp Trung Quốc và trên toàn cầu" - bà Kania đề cập tới khả năng kiểm soát virus. 

Ông Vipin Narang, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, cũng bác bỏ giả thuyết về vũ khí sinh học bằng cách giải thích rằng, theo lý thuyết, vũ khí sinh học "gây tỷ lệ tử vong cao, nhưng khả năng lây truyền thấp", đồng thời nói thêm rằng việc lan truyền tin đồn thất thiệt như vậy về dịch bệnh là "cực kỳ vô trách nhiệm".

Vì sao quá nhiều 'thuyết âm mưu' xung quanh dịch cúm Vũ Hán? - 2

Người dân đeo khẩu trang y tế trong một công viên Nhật Bản sau sự bùng phát của virus corona ở Trung Quốc. (Ảnh: PTI)

Chơi trò chơi tình báo với Canada

Một kịch bản khác cũng được lan truyền khá rộng rãi, đó là: sự bùng phát virus corona xuất hiện từ việc sa thải cặp vợ chồng nhà khoa học Trung Quốc làm việc với Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia ở Winnipeg, Canada.

Họ cùng với các sinh viên của mình đã bị sa thải năm ngoái và hộ tống ra khỏi tòa nhà của phòng thí nghiệm Winnipeg vì nghi ngờ vi phạm chính sách.

Giờ đây, nhiều người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông xã hội tuyên bố rằng, các nhà khoa học Trung Quốc đã gửi virus corona đến phòng thí nghiệm Vũ Hán – phòng thí nghiệm cấp 4 duy nhất ở Trung Quốc – vào năm ngoái.

Số virus corona đã vô tình bị thoát ra khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán do sự thiếu chuyên nghiệp của các nhà khoa học Trung Quốc trong việc xử lý loại virus đặc biệt này – chuỗi RNA có tính đột biến cao (axit ribonucleic, loại protein có đặc tính di truyền).

Chính phủ Canada đã bác bỏ kịch bản và khẳng định đây là “thông tin sai lệnh”.

Âm mưu ngành dược phẩm

Ngay sau khi dịch virus corona trở thành tâm điểm của tất cả các mặt báo trên toàn cầu, bắt đầu xuất hiện các tuyên bố cho rằng nó có liên quan đến bằng sáng chế của Viện Pirbright ở Anh. Bằng sáng chế được đề xuất vào năm 2015 phát triển một phiên bản virus corona để điều trị các bệnh nhiễm trùng và bệnh đường hô hấp.

Những người theo thuyết âm mưu gọi đó là một đợt bùng phát theo kế hoạch nhằm chuộc lợi của các công ty dược phẩm liên quan đến việc tiêm vắc-xin virus corona. Họ đã liên kết nó với Quỹ Bill và Melinda Gates, tổ chức được cho là đã tài trợ cho cả Viện Pirbright và việc phát triển vắc-xin.

Xúp dơi

Một video clip và một đoạn phim ngắn cho thấy một người phụ nữ đang ăn dơi được phát tán với tuyên bố rằng, chủng virus corona mới đã đến với con người do thói quen ăn uống của người dân Trung Quốc.

Người phụ nữ trong video nói rằng dơi nấu chín có vị như thịt gà. Một số người đã lần theo dấu vết của video là biết được rằng nó đến từ Palau ở phía tây Thái Bình Dương và được quay từ năm 2016. Video này hoàn toàn không liên quan đến sự bùng phát virus corona của Vũ Hán.

Việc các nhà chức trách xác định thị trường buôn bán động vật là nguồn gốc của dịch virus corona và dơi có thể là một trong những nguồn bệnh khiến mọi người tin vào thông tin sai lệnh đi kèm với đoạn video cũ.

Dịch bệnh lớn hơn nhiều so với công bố

Trong bối cảnh tạp chí Nature nói rằng các nhà nghiên cứu đang gặp khó khăn trong việc đánh giá tình hình và mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát virus corona do chính quyền Trung Quốc kiểm soát việc công bố dữ liệu và thông tin, thì đoạn video “y tá Vũ Hán” lại tuyên bố rõ ràng rằng, hơn 90.000 người đã bị nhiễm virus 2019-nCoV.

Con số này cao gấp khoảng 15 lần số người nhiễm bệnh do chính quyền Trung Quốc công bố. Theo dư liệu chính thức đến thời điểm đó, hơn 6.000 người đã nhiễm virus corona và gần 130 người đã chết.

Đoạn video được cho là do một y tá làm việc trong bệnh viện Vũ Hán ghi lại. Cô ấy đeo mặt nạ bảo vệ và không nhận ra mình là một nhân viên y tế trong video. Bản dịch tiếng Anh của video đang thu hút nhiều sự chú ý trên phương tiện truyền thông xã hội.

Tính xác thực của video vẫn chưa được xác minh chủ yếu do thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đã bị cách ly hoàn toàn. Nhưng tuyên bố về số lượng người nhiễm virus corona có thể là đúng, bởi hệ số lây truyền cơ bản R0 hay R-naught cần phải cao hơn nhiều lần so với những gì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tuần trước.

Who cho biết virus corona hiện tại có R0 ước tính từ 1,4 đến 2,5. Với con số 90.000 người bị nhiễm kể từ khi dịch virus corona bùng phát, R0 đúng nên vào khoảng 14-15.

Văn Đức(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn