Tận dụng thời gian giãn cách xã hội, Nguyễn Hoàng Hải Nam (sinh năm 1999, Đà Nẵng) bắt đầu tìm hiểu về đầu tư chứng khoán qua sách, mạng xã hội và một số hội nhóm khác.
Khi nghe anh chia sẻ, một vài người bạn đã can ngăn vì lo rằng loại hình này có rủi ro cao, dễ khiến các nhà đầu tư F0 lỗ vốn.
Ngược lại, bố mẹ Hải Nam lại ủng hộ, sẵn sàng cho con trai vay một khoản nhỏ.
Thời gian đầu, chưa có nhiều hiểu biết về tài chính, Hải Nam gặp khó khăn khi làm quen với các khái niệm về chứng khoán, mất nhiều thời gian để bắt kịp biến động thị trường.
“Là một ‘tay mơ’, tôi khá thận trọng khi mua vào, bán ra cổ phiếu. Tôi trích 1/3 thu nhập hiện tại để đầu tư, với 70% cho mục tiêu dài hạn và phần còn lại để ‘lướt sóng’. Tới nay, lợi nhuận thu về chưa lớn, nhưng may mắn chưa bị âm tài khoản lần nào”, anh cười, nói.
Những năm gần đây, thị trường chứng khoán không còn là sân chơi xa lạ đối với những bạn trẻ.
Đặc biệt, ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Gen Z (sinh năm 1996-2012) dấn thân vào lĩnh vực này. Phần lớn muốn kiếm thêm thu nhập trong thời gian học tập, làm việc tại nhà.
Không để tiền nhàn rỗi
Dấn thân vào thị trường chứng khoán được 6 tháng, Đặng K.C. (sinh năm 1998, Hà Nội) dành dụm được một khoản kha khá cho bản thân.
Vừa kinh doanh, vừa đi làm, cô vừa tranh thủ đọc thêm sách báo, theo dõi mạng xã hội và học hỏi từ bạn bè.
“Tôi quyết định thử chơi chứng khoán vì muốn tìm cách tăng thu nhập cá nhân trong dịch. Biết được người bạn thân cũng đầu tư, tôi xin theo học hỏi và chuẩn bị cho khoản đầu tư đầu tiên. Ban đầu, người thân tôi cũng lo lắng, liên tục dặn dò ‘phải biết điểm dừng’”.
Là một nhà đầu tư F0 thuộc Gen Z, K.C. từng vấp phải nhiều nghi hoặc từ người thân, bạn bè và một số người chơi dày kinh nghiệm hơn.
“Tôi không quá bận tâm, miễn sao đầu tư có hiệu quả là được. Ai cũng phải bắt đầu từ con số 0, quan trọng là tôi phải tự tin, học hỏi thường xuyên, không thể đầu tư mà trong đầu không có tí kiến thức nào”.K.C. từng vấp phải nhiều nghi hoặc từ người thân, bạn bè.
Lần đầu tư đầu tiên, K.C. bỏ ra 5 triệu đồng mua một số mã cổ phiếu rẻ để học cách theo dõi biến động thị trường. Sau 1-2 tháng, cô nhận về số tiền lãi gấp 3 lần, đủ để chi trả cho một chuyến du lịch xa.
Dần dần, cô bắt đầu nhắm đến những công ty lớn, theo dõi trong thời gian dài hơn.
“Đầu tư thì sẽ có lỗ, có lãi, nhưng nhìn chung thu về nhiều hơn mất. Tôi dùng lợi nhuận từ việc chơi chứng khoán để mua xe máy, laptop và vật dụng cần thiết cho sinh hoạt. Tôi may mắn nhưng luôn cẩn trọng và cố gắng học hỏi thêm”.
Toàn Nguyễn (sinh năm 1998, Hà Nội) bắt đầu chơi chứng khoán cùng thời điểm với K.C. Tuy nhiên, hiện anh vẫn chưa vội đánh giá khoản đầu tư của mình lời hay lỗ.
“Giờ vẫn còn sớm lắm. Tới khi nào tôi ngừng chơi, quyết định rút tiền ra thì mới đánh giá được”, anh cười, nói.
Sau một khoảng thời gian tìm hiểu, Toàn nhận thấy đây là công cụ tốt để kiếm thu nhập thụ động từ khoản tiền nhàn rỗi.
Thay vì tham gia lớp chứng khoán, anh học cách chơi từ bạn bè và người thân. Chàng trai cho biết ban đầu, anh gặp khó khi học cách đánh giá mã chứng khoán, cũng như nhìn và nhớ các loại biểu đồ kỹ thuật.
“Vì chuyên ngành học trước đây cũng không liên quan đến loại hình đầu tư này, tôi đã mất nhiều thời gian để làm quen. Nhưng theo thời gian, mọi thứ dần trở nên trơn tru hơn. Sau khi nắm được lối chơi cơ bản, tôi có thể tự tìm hiểu thông tin và đầu tư theo ý mình”, anh chia sẻ.
Khoản lỗ là học phí thương trường
Minh Khánh (sinh năm 1997, Hà Nội), nhân viên truyền thông, khẳng định đầu tư chứng khoán đem lại “món lời” lớn về kiến thức đầu tư, cho anh cái nhìn khác về thị trường.
Anh mới gia nhập loại hình đầu tư này cách đây 2 tháng. Bên cạnh khoản đầu tư vào nhóm ngành an toàn như cổ phiếu ngân hàng, anh rót tiền vào một số kênh rủi ro cao nhưng biên độ lợi nhuận lớn như nhóm bất động sản.
“Hiện các danh mục của tôi đều lãi nhưng ít, khoảng 4-10% khoản đầu tư. Song, chứng khoán không phải nguồn thu nhập chính của tôi. Tôi đơn giản chỉ tìm kênh gửi tiền có mức lãi suất cao hơn ngân hàng và vàng”, anh nói.
Trong quá trình đầu tư, Minh Khánh rút ra một số bài học khiến anh lưu tâm. Chẳng hạn, người mới dễ nghiện xem biểu đồ cổ phiếu và tìm hiểu thông tin ngoài lề, dẫn đến mất thời gian làm những công việc khác.
“Ngoài ra, người mới chơi thường bị dao động tâm lý khi cổ phiếu giảm sâu, dẫn đến bán tháo hay cắt lỗ. Tuy nhiên, vài ngày sau, cổ phiếu đó có thể phục hồi, thậm chí tăng, khiến nhà đầu tư rơi vào tình trạng ‘mất hàng’”, anh chia sẻ.
Tương tự, Trà My (sinh năm 1997, Hà Nội) nói rằng quá trình tìm hiểu, thử đầu tư chứng khoán giúp cô rút ra nhiều bài học.
Sau khi đi làm 2 năm và tích lũy được một khoản đáng kể, cô thử tìm hiểu về đầu tư chứng khoán để có thêm nguồn thu khác ngoài công việc toàn thời gian.
“Tôi từng có lỗ, có lãi nhưng chấp nhận vì coi đó như học phí trên thương trường”, cô nói.
Vốn làm trái ngành nghề, lại ít tiếp xúc với tài chính từ trước, cô gặp nhiều khó khăn khi làm quen với lĩnh vực này.
“Tôi làm trong lĩnh vực truyền thông, những khâu cơ bản như mở tài khoản, đặt lệnh… thì chỉ cần được hướng dẫn 1-2 lần là tôi hiểu ngay. Tuy nhiên, do kiến thức về tài chính - đầu tư còn hạn chế, tôi chưa thể chắt lọc chính xác các luồng thông tin về thị trường. Có lúc, tôi đọc tài liệu tới 2-3 lần mới ‘vỡ’ ra được một chút”, cô kể.
Trà My cho biết cô thường mua vài mã ổn định, có khả năng rủi ro thấp theo xu hướng “an toàn”.
“Mỗi mã tôi mua khoảng 100 cổ phiếu, sau 2-3 tháng thì vài mã đã có lãi và dùng khoản đó đầu tư tiếp. Sau 4 tháng tìm hiểu, tôi nhận ra rằng để có lợi nhuận, số tiền bỏ ra phải tương ứng chứ không thể hy vọng có lãi gấp 2-3 lần nhanh chóng”.
Chia sẻ với Zing, Trà My cho rằng chứng khoán không phải sân chơi dễ dàng mà cần sự suy tính, học hỏi không ngừng.
“Ngày càng nhiều người trẻ như tôi quan tâm và muốn bỏ tiền đầu tư để có thêm thu nhập, đặc biệt sau dịch. Tôi nghĩ mọi người cần suy tính kỹ càng, tiếp nhận thông tin có chọn lọc và kiên nhẫn khi chơi chứng khoán”, cô nói.
Cô nhấn mạnh thêm đầu tư tài chính luôn đi kèm với rủi ro, dù ít hay nhiều. Do đó, nhà đầu tư F0 thuộc Gen Z cân tìm hiểu mức độ thoải mái của mình với rủi ro, hay mức độ chấp nhận rủi ro.
Mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi người phụ thuộc vào nhiều đặc điểm, bao gồm độ tuổi, tài sản, thu nhập hàng tháng, sự ổn định của thu nhập, thói quen chi tiêu...
"Bởi không ai giống ai, tuy cùng một danh mục đầu tư, có người sẽ cảm thấy việc lỗ là dễ chấp nhận, có người không. Nếu không xác định được mức độ của mình, người trẻ dễ mạo hiểm và có những nước đi cảm tính", My kết luận.
Bình luận