(VTC News) - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng ví von, nhiều doanh nghiệp đang xem người tiêu dùng như con bò sữa để vắt, vắt kiệt.
Tại buổi Tập huấn Luật bảo vệ người tiêu dùng đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội tại quận Hai Bà Trưng hôm 17/4, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, sở dĩ quyền lợi của người tiêu dùng vẫn đang bị xâm phạm là do nhiều người tiêu dùng tham của rẻ, mua những hàng hóa chưa rõ nguồn gốc, không có tem, phiếu bảo hành.
Nhiều người tiêu dùng tham của rẻ, mua những hàng hóa chưa rõ nguồn gốc, không có tem, phiếu bảo hành (Ảnh: Internet) |
“Đến khi gặp sự cố, họ thường đấu tranh tự phát kiểu như đôi co, tranh cãi với chủ cửa hàng nên không giải quyết được vấn đề gì. Nhiều người mua hàng đắt tiền, nhưng không có hóa đơn, chứng từ nên không thể chứng minh sản phẩm bị lỗi mình mua phải, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết.
Mặt khác, Nhà nước cũng chưa có đủ biên chế để xử lý các trường hợp như vậy mọi lúc, mọi nơi. Một số cơ quan sống bằng thuế người dân nộp chưa thực sự có trách nhiệm với người dân. Thế nên có thể nói, người tiêu dùng đang như con bò sữa bị vắt kiệt. Nếu các doanh nghiệp chỉ khai thác một chiều, coi người tiêu dùng như những con bò sữa để vắt thì làm sao được”, ông Hùng nói.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời từ tháng 7/2011, tuy nhiên trên thực tế quyền lợi của người tiêu dùng vẫn đang bị xâm phạm.
|
Cụ thể, người tiêu dùng có thể gọi số điện thoại 04.1081 bất cứ khi nào bị xâm phạm quyền lợi- đây là cơ quan được chỉ định của thành phố, nên sẽ kịp thời can thiệp, hướng dẫn và giải quyết một cách nhanh nhất có thể.
Trong khi đó, đại diện phía người tiêu dùng, bà Dương Thị Hội - Chủ tịch Hội phụ nữ phường Lê Đại Hành cho rằng, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một chủ chương hết sức đúng đắn của Nhà nước nhằm giúp cho người tiêu dùng được bảo đảm quyền lợi, và doanh nghiệp có ý thức trong việc cung cấp sản phẩm hàng hóa ra thị trường, hạn chế được tình trạng hàng trôi nổi, hàng giả, hàng nhái...
“Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần tăng cường hơn công tác kiểm tra, kiểm soát do thực tế vẫn có nhiều những doanh nghiệp nhỏ lẻ vì lợi nhuận mà vẫn bán những sản phẩm nhập lậu, hàng nhái, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, và không phải ai cũng có khả năng nhận biết và tìm đến các cơ quan khiếu nại”, bà Hội nhấn mạnh.
Được biết, Tổng đài 04.1081- kênh thông tin hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ định tính đến thời điểm này đã tiếp nhận tổng cộng 2.125 cuộc gọi từ phía người tiêu dùng. Trong đó, 1.912 cuộc gọi hỏi về các thông tin liên quan đến Luật và chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng 2013”, 213 cuộc gọi thắc mắc, khiếu nại về việc mua sắm hàng hóa.
Minh Quân
Bình luận