• Zalo

Người thất nghiệp do dịch tăng cao, trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đông nghẹt

Thị trườngThứ Sáu, 21/08/2020 06:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Ảnh hưởng của COVID-19 khiến lượng người lâm vào cảnh thất nghiệp tăng cao hơn mọi năm, số người tìm đến trung tâm dịch vụ việc làm ở Hà Nội đông nghẹt.

Nỗi lo việc làm trong đại dịch

Nhiều ngày nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) luôn đông người đến đăng ký tìm việc làm và hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lặng lẽ ngồi trong một góc phòng đợi đến lượt nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp, bà Lê Thị T. - một người lao động lâu năm trong ngành đào tạo, dạy nghề - buồn bã chia sẻ: "Tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi và có hơn 20 năm công tác tại một trung tâm đào tạo, dạy nghề tại quận Cầu Giấy. Những tưởng công việc cứ thế trôi đi, chỉ vài năm nữa là yên tâm về hưu, nhưng dịch bệnh ập tới khiến trung tâm làm ăn khó khăn, buộc phải cắt giảm nhân sự. Và những người nhiều tuổi như chúng tôi bị cắt giảm hàng đầu, do sự năng động, linh hoạt không bằng giới trẻ".

Người thất nghiệp do dịch tăng cao, trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đông nghẹt - 1

Lượng người mất việc đến làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội rất đông. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Bà T. chia sẻ, tuy cắt giảm nhân sự nhưng trung tâm cũng chỉ duy trì được thời gian ngắn. Không còn học viên, trung tâm không còn nguồn thu, cố gắng hoạt động được hơn nửa năm thì phải giải thể vì không đủ kinh phí để duy trì. Điều này khiến cho cơ hội quay trở lại với nghề của bà T. khó mà thực hiện được.

"Tôi và hơn 20 lao động khác phải ra đường, trong khi chỉ còn vài năm nữa là tôi đến tuổi về hưu, an hưởng tuổi già bên con cháu nhưng giờ lại phải đi tìm công việc khác để có nguồn thu đóng bảo hiểm nốt những năm còn lại. Bây giờ tôi biết tìm việc gì, ai tuyển những người đã có tuổi như chúng tôi đây?".

Bà T. cho biết, gia đình bà rất hoàn cảnh, chồng bà do tai nạn giao thông nên phải nghỉ hưu sớm vì mất sức lao động 5 năm trước, các con cũng không phải dư giả gì nên không trông mong được nhiều. "Giờ 2 vợ chồng cũng chỉ trông chờ vào đồng lương của tôi nhưng tôi hiện cũng thất nghiệp luôn rồi, vẫn biết là nhà nước hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp nhưng số tiền đó cũng chỉ đủ ăn nếu dè xẻn. Giờ có tuổi nên bệnh tật cũng nhiều, thuốc thang còn tốn hơn tiền ăn", bà T. rưng rưng nói.

Theo ghi nhận của PV ngày 13/8, tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, có rất nhiều người đến làm thủ tục tìm việc hoặc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù trung tâm đã bố trí hơn 10 quầy giải quyết thủ tục nhưng trung bình luôn có khoảng 20 - 30 người ngồi chờ đến lượt.

Mặc dù không làm vào hoàn cảnh bi đát như bà T. nhưng anh Khoa (Đông Anh, Hà Nội) một người từng hoạt động trong lĩnh vực y tế đến làm hồ sơ nhận bảo hiểm thất nghiệp cũng buồn bã cho biết: "Do công ty làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch bệnh vừa rồi nên tôi thuộc diện cắt giảm nhân sự, tôi bắt đầu nghỉ từ cuối tháng 7, bây giờ đi nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp. Không biết thời gian tới tôi có xin được việc ở đâu hay không vì tình hình người thất nghiệp nhiều thế này cũng khó có cơ hội".

Theo như chia sẻ của người đàn ông này, kể từ khi nghỉ việc ở công ty cũ đến giờ anh đã đăng ký chạy Grab để kiếm thu nhập trong thời gian chờ đợi công việc mới. So với mức lương hơn 10 triệu trước đây khi còn làm ở công ty thì thu nhập từ việc chạy Grab chỉ bằng khoảng 2/3.

Người thất nghiệp do dịch tăng cao, trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đông nghẹt - 2

Trong thời gian chờ đợi công việc mới anh Khoa đi chạy Grab để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh: Ngọc Khánh)

"Dù ít dù nhiều cũng còn có việc mà làm, còn kiếm được tiền. Nhưng chạy Grab cũng mất sức và vất vả lắm. Nhất là mùa nắng nóng thế này. Để tránh thời điểm nhiệt độ ngoài đường tăng cao tôi chọn phương án chạy xe từ sớm và đến khoảng 9-10h trưa về nghỉ cho đến 4-5h chiều lại bắt đầu chạy cho đến đêm. Ngày nào may mắn cũng được 200 - 300 nghìn đồng, nhưng cũng ngày được ngày không. Nói chung là thu nhập cũng bấp bênh", anh Khoa nói.

Bị mất việc từ nhiều tháng nay, anh Trí Trường, quê Hưng Yên buộc phải nghỉ việc tại một công ty da giày do công ty cắt giảm nhân sự sau khi COVID-19 bùng nổ. Đến nay, anh Trường vẫn chưa tìm được công việc khác, thậm chí hy vọng này càng tối tăm hơn khi dịch bệnh lui chưa bao lâu đã lại tái bùng phát. 

"Tôi làm việc trong ngành này cũng có thâm niên 4 năm nên tay nghề khá ổn. Tuy nhiên kể từ khi nghỉ việc ở công ty cũ đến giờ vẫn chưa xin được nơi nào, vì các công ty cùng ngành cũng đang vật lộn với khó khăn và cắt giảm nhân sự. Vừa rồi, tôi có nộp hồ sơ vào một vài doanh nghiệp để thử vận may. Nhưng vận may chưa đến thì COVID-19 bùng phát lần 2. Nguy cơ tôi thất nghiệp chắc hẳn còn dài", anh Trường buồn bã nói.

Anh Trường cũng đã thử liên hệ lại với công ty cũ để mong quay lại làm nhưng vẫn nhận được cái lắc đầu vì công ty đang cố hoạt động cầm chừng.

"Không biết đến bao giờ tôi mới tìm được việc mới", anh Trường than thở.

Cũng lâm vào tình cảnh giống anh Trường, chị Thuý Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) trước đây làm lễ tân cho một khách sạn ở quận Hoàn Kiếm, nhưng ngay khi dịch bệnh bùng phát, ngành dịch vụ lưu trú đã phải chịu tác động mạnh mẽ bởi không có khách đến, chi phí mặt bằng, trả lương cho nhân viên vẫn phải duy trì. Chị Quỳnh và 90% nhân viên khác đều được công ty cho tạm thời nghỉ việc nhưng vẫn được hưởng 70% lương. Tuy nhiên việc hỗ trợ của công ty cũng chỉ kéo dài trong 3 tháng sau đó buộc phải giải thể trả mặt bằng do không còn quỹ dự phòng để duy trì.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - thông tin, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên năm nay lượng người tới đăng ký trợ cấp tăng cao hơn so với cùng kỳ mọi năm. Cao điểm trung tâm nhận hơn gần 600 hồ sơ mỗi ngày.

Thống kê của Trung tâm cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 7/2020 số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 46.870. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái là 39.723 người.

Số người thất nghiệp tăng từng ngày

Người thất nghiệp do dịch tăng cao, trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đông nghẹt - 3

Người lao động xếp hàng lấy số để làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: HCES).

COVID-19 khiến hầu hết mọi ngành nghề đều phải cắt giảm nhân sự để duy trì tồn tại. Báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong nửa đầu năm 2020, dệt may và da giày đã có hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của 2 ngành này bị mất việc hoàn toàn.

Việc cắt giảm lao động là biện pháp bất đắc dĩ của doanh nghiệp sau khi đã tìm mọi cách để xoay sở, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp đang trên đà làm ăn có lãi đột ngột bị khách hàng huỷ đơn hàng khiến doanh nghiệp lâm vào tình cảnh lao đao. "Khách hàng huỷ rất nhiều đơn hàng đã đặt, thậm chí hàng đang sản xuất cũng bị dừng. Việc này rất đột ngột nên công ty xoay xở không kịp. Việc giảm nhân sự là điều không mong muốn nhưng chúng tôi buộc phải chọn phương án này vì chưa có giải pháp tốt hơn trong thời gian cầm cự", Tổng giám đốc một công ty dệt may ở Hưng Yên cho biết.

Trong khi đó, chịu đòn đau giáng mạnh lần thứ 2 từ COVID-19 chỉ trong vòng nửa năm, nhiều doanh nghiệp vận tải có nguy cơ phá sản, chưa biết bao giờ có thể quay lại thị trường. Hàng nghìn doanh nghiệp vận tải ô tô ở Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng với rất nhiều khó khăn. Số xe đắp chiếu ngày càng gia tăng khiến gánh nặng tài chính càng đè nặng doanh nghiệp.

Ông Ngô Bảo Thiên - đại diện Công ty TNHH Vận tải du lịch và dịch vụ thương mại Long Hiền, Tổng thư ký Hội vận chuyển du lịch Đà Nẵng chia sẻ, gần như 100% đầu xe của doanh nghiệp phải dừng hoạt động, chỉ có một số ít hoạt động cầm chừng trong các dự án hợp đồng nhỏ lẻ.

"Số lao động có thời gian gắn bó lâu dài với công ty, dù nghỉ làm vẫn được hỗ trợ mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này chỉ bằng 1/3, 1/4 so với thu nhập trước đây của họ nhưng đây đã là nỗ lực hết sức của chúng tôi nhờ có quỹ dự phòng từ trước. Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp thêm nhiều khó khăn, không thể tiếp tục hỗ trợ người lao động”, ông Thiên nói.

Nhiều chủ doanh nghiệp khó khăn đến nỗi không dám đem xe đi kiểm định bởi số tiền kiểm định không hề nhỏ, trong khi đó kiểm định xong xe lại có thể bị đắp chiếu vô thời hạn.

Ở lĩnh vực du lịch, Đà Nẵng, một trong những địa phương trọng điểm, cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đời sống của người dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, tình trạng người lao động mất việc làm, bị ngưng việc, nghỉ việc không lương tăng. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp năm 2019 là 1,88%, nhưng chỉ 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng lên đến 7,24%. Lần đầu tiên sau 23 năm, kinh tế của TP. Đà Nẵng đã tăng trưởng ở mức -3,61%.

Theo báo cáo nhanh của Sở Du lịch Quảng Ninh, hiện tỉnh này chưa thể tính toán được thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra trong tháng 8 tuy nhiên những nỗ lực của địa phương nhằm kích cầu du lịch nội địa cùng với gói kích cầu lên tới 200 tỉ đồng cách đây 2 tháng đứng trước nguy cơ "tan thành mây khói".

“Chúng tôi đã đóng cửa khách sạn, cho nhân viên nghỉ không lương từ ngày 3/8 đến nay vì không có khách, càng mở càng thua lỗ. Riêng tiền hoàn cho khách đã đặt phòng là 400 triệu đồng còn tổng số thiệt hại vì khách hủy phòng phải lên đến hàng chục tỷ đồng”, ông Bùi Tấn Điều - Tổng giám đốc khách sạn Central Luxury Hạ Long nói.

Cũng theo vị này, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và không có khách nên dự định mở cửa khách sạn trở lại vào ngày 17/8 sẽ bị hoãn lại và cũng chưa xác định thời gian hoạt động trở lại.

Hàng trăm nghìn người lao động mất việc cũng chính là bức tranh xám về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp giữa bối cảnh COVID-19 hoành hành tại Việt Nam từ đầu năm đến nay. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) thông tin, gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam đã cao nhất trong 10 năm qua.

Theo Tổng cục Thống kê, tới tháng 6, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị "ảnh hưởng tiêu cực" bởi COVID-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm.

Điều này khiến thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so với quý trước và 279.000 đồng so với cùng kỳ). Đây cũng là lần đầu tiên thu nhập bình quân giảm trong 5 năm qua. Trong gần 31 triệu người bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. 

Lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong quý II, lượng lao động nữ trong độ tuổi giảm 4,9% trong quý trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn