Tổng cục Thống kê vừa tổ chức họp báo về tình hình lao động - việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quý II và 6 tháng đầu năm 2020.
Theo đó, quý II/2020 là thời điểm bị ảnh hưởng rõ nhất bởi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng và đặc biệt là việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để trong tháng 4.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người).
Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 ngàn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.
"Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay", bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động nhấn mạnh.
Dịch COVID-19 cũng làm giảm cung ứng thị trường lao động ở tất cả nhóm tuổi, đặc biệt là nhóm từ 55 tuổi trở lên tại khu vực thành thị.
Lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch COVID-19. Lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua; tỷ lệ thiếu việc làm tăng trong khi thu nhập bình quân tháng của lao động giảm. Đây là năm đầu tiên ghi nhận mức giảm thu nhập trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2020 là 1,4 triệu người, tăng 292 ngàn người so với quý trước và tăng 648,4 ngàn người so với cùng kỳ năm trước.
So sánh giữa các nhóm nghề, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi thuộc nhóm nghề “bậc thấp” là cao nhất với 4,73%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là nhóm nghề “bậc trung”.
Ngoài ra,thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2020 đạt 5,2 triệu đồng, giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%).
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,1 triệu đồng, lao động nữ là 4,3 triệu đồng; lao động ở khu vực thành thị là 6,7 triệu đồng, lao động ở khu vực nông thôn là 4,5 triệu đồng.
Trong số 21 ngành kinh tế, các ngành có thu nhập bình quân tháng của lao động quý II giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước là ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống; ngành vận tải kho bãi; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.
Bình luận