• Zalo

'Người rừng' dữ tợn thoắt ẩn thoắt hiện ở Lai Châu

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 11/07/2015 06:40:00 +07:00Google News

Sợi dây thừng vừa rời khỏi tay, A Tinh lồng lên, đạp đổ bàn cúng, nhe hàm răng dữ tợn, rồi mất hút vào rừng già.

Sợi dây thừng vừa rời khỏi tay, A Tinh lồng lên, đạp đổ bàn cúng, nhe hàm răng dữ tợn, rồi mất hút vào rừng già.


Lo sợ

Xã Nậm Ban - thủ phủ của người Mảng thuộc huyện Nậm Nhùn (Lai Châu). Muốn đến xứ sở xa ngái này, ai cũng ngại bởi con đường dẫn vào xã đèo cao, dốc đứng. Bao năm qua, tộc người này vật lộn với đời sống thường nhật để từng bước hòa mình với xứ sở văn minh.

Giữa lúc nhà nhà lo hòa nhập, tiến cho kịp miền xuôi, tại bản Nậm Ô có 1 thanh niên tên là Lý A Tinh (SN 1990) từ nhiều năm nay bỗng hóa thành "người rừng".

A Tinh khước từ cuộc sống văn minh; lột bỏ quần áo, ở trần, ăn sống sít như con người thuở hồng hoang. Ngày A Tinh trốn biệt trong rừng thẳm.

Tìm kiếm người rừng là việc vô cùng khó 

Đêm xuống, Tinh mò tới các bản kiếm ăn. Đêm đầu đến bản, tôi nghỉ lại tại nhà chị Chìn Me Long, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Ban. Chị Long có 8 con lợn nái, 21 con trâu, bò. Nhẩm đi tính lại, chị có tiền tỷ trong tay. Chiều muộn, chị Long tất bật lùa đàn lợn về chuồng, cho đám gà vào lồng rồi đưa vào bếp khóa cẩn thận.

“Mấy đêm trước, thằng Tinh về rình nơi góc rừng rồi. Nó còn tiến sát chuồng trâu nhà tôi. Mình mà sơ sểnh là nó cuỗm ngay”, vừa nói chị Long vừa đưa mắt về phía rừng già với thái độ đầy thận trọng.

Sau cả buổi chuẩn bị đón khách, bữa cơm tươm tất được gia chủ dọn ra. Chị Long cẩn thận xuống bếp, bê nồi cơm lên nhà. Anh Đới, chồng chị, nhìn vợ mà không giấu nổi nỗi lo: “Mấy lần nhà tôi dọn cơm, bỗng dưng nồi cơm không cánh mà bay. Hóa ra, A Tinh đã rình ngoài cửa từ bao giờ, đợi không có người để ý là “cuỗm” luôn cả nồi cơm”.

Đêm đó, tôi ngủ tại ngôi nhà sàn của gia đình chị Long. Những tưởng sau chặng đường dài, mình đã tìm được nơi nghỉ thơ mộng và yên bình, nào ngờ chúng tôi bị đánh thức liên tục vì tiếng chó sủa rất dữ ở dưới nhà.

Mỗi lần như vậy, vợ chồng chị Long hô nhau dậy. Người cầm đèn pin, người cầm dao lao vội xuống nhà. Thoáng trong ánh đèn pin dọi về phía rừng chỉ thấy lá cây động đậy, chứ không thấy một bóng người.

Người rừng A Tinh thường coi nơi này là chỗ nghỉ 

Khi cả nhà chị Long chuẩn bị ngủ tiếp, bỗng có tiếng kêu từ phía nhà chị Đỗ Thị Diễn - người ở miền xuôi lên bán hàng tạp hóa ở đầu bản Nậm Ô. Hóa ra A Tinh không bắt được gà của nhà chị Long nên đã sang nhà chị Diễn. Chị Diễn bực tức: “Có đàn gà gần chục con, nó bắt dần, bắt mòn gần hết rồi. Có hôm tôi nhìn thấy nó bắt gà mà không dám ra đuổi. Thân gái một mình, trong khi A Tinh trần như nhộng còn hù dọa cả tôi nữa”.

Ở bản Nậm Ô này dường như nhà nào cũng mất gà, mất lợn. Những phi vụ oanh tạc vào bản bắt trộm gà, trộm lợn của A Tinh ngày càng thiện nghệ và tinh vi hơn.

Gia đình ông Nùng A Biên có trại ở trên núi cũng đứng ngồi không yên vì 28 con gà của gia đình lần lượt bị A Tinh bắt đi. Ông Biên đã canh phòng rất cẩn thận, nhưng A Tinh nhanh như con sóc. Thoáng cái đã bắt được gà mang đi. Tinh bắt gà lên núi vặt lông, nướng qua quýt rồi chén liền. Có người còn nhìn thấy A Tinh ăn cả thịt sống.

Ông Lý A Quân, Trưởng bản Nậm Ô, cũng xác nhận, từ ngày A Tinh “hóa” người rừng, bản này mất trộm như cơm bữa. Không gia đình nào được yên ổn cả. Xưa, lợn, gà của bà con thả đầy ngoài vườn. Con nào lạc đàn được bà con mang trả lại, nay A Tinh chén sạch, chẳng tha con nào.

Thoắt ẩn, thoắt hiện

Biết chúng tôi có ý định muốn đi tìm A Tinh, anh trai của Tinh là Lý A Hiên lắc đầu: “Khó gặp hắn lắm. Do bà con xua đuổi và mối thâm thù tích tụ nhiều năm liền nên Tinh không dám ở gần bản đâu”.

Chúng tôi phải thuyết phục mãi, anh Hiên mới đồng ý dẫn chúng tôi đi tìm A Tinh. Men theo lối mòn, phủ đầy lau lách, chúng tôi luồn rừng ngược núi. Lối mòn tựa như đường chuột chạy, vứt la liệt túi bóng, vỏ bánh, chứng tỏ A Tinh từng đi lại rất nhiều lần ở con đường này.

Sau cả ngày luồn rừng, truy tìm tung tích của A Tinh gần như rơi vào vô vọng. Ngồi nghỉ bên một mỏm đá cao phủ đầy rêu và nhóm lửa đun nước nấu mì tôm ăn, anh Hiên thở dài: “Thi thoảng những người đi nương mới gặp được A Tinh. Hắn tinh ranh và khỏe lắm, chỉ cần nhìn thấy người lạ là trốn biệt tăm tích”.

Nhà chị Long thường xuyên bị người rừng ghé thăm 

Anh Hiên còn kể, cách đây 2 năm, 7 anh em trai trong nhà cùng 20 trai bản quyết tâm bắt A Tinh về nhà. Sau mấy đêm ăn chực nằm chờ ở các ngả đường, nhóm mới gặp được Tinh.

Nom A Tinh như người ngoài hành tinh khác đến vậy: Không một mảnh vải che thân, tóc tai bờm xờm, dài tới ngang lưng. Mái tóc của A Tinh cứng đơ như rễ cây vậy. Tinh không đi như người bình thường mà nhảy như vượn. Sau nửa tiếng vật lộn, nhóm người chịu đựng những cú cào, giằng xé của Tinh mới giữ lại được.

A Tinh được đưa về nhà anh Hạt (anh trai của Tinh). Tinh bị trói bằng dây rừng và bị cột chặt ở cột bếp. Gia đình anh Hạt đã cất công lên tận huyên Tam Đường mời thầy cúng về đuổi "con ma" ra khỏi người A Tinh.

Sau nửa ngày, biểu diễn đủ các loại phép thuật, thầy cúng nhìn A Tinh với vẻ đắc ý và phán: Ta đã bắt con ma rừng, ma núi ám nó rồi. Giờ hắn đã được trở lại với cuộc sống thường nhật, không lang thang như trước nữa.

Thầy cúng còn tự tin bảo mọi người cởi trói cho A Tinh. Sợi dây thừng vừa rời khỏi tay, A Tinh lồng lên, đạp đổ bàn cúng, nhe hàm răng dữ tợn. Chỉ trong giây lát, bóng A Tinh đã mất hút vào rừng già. Những người chứng kiến cảnh đó đều chưng hửng, chẳng ai có đủ sức giữ A Tinh ở lại.

Từ bữa đó đến nay, không ai trong bản Nậm Ô, cả anh em ruột của A Tinh bàn đến chuyện đưa Tinh về nữa. Cũng từ đó, A Tinh trốn biệt ở trong rừng. Đêm đến, Tinh mới mò vào nhà dân tìm thức ăn. Thời gian đầu, A Tinh chỉ lấy cơm, rau, thịt đã nấu chín. Lâu dần anh ta lấy cả gạo, bắt gà, bắt lợn của bà con rồi mang lên rừng ăn.

Càng ngày A Tinh càng nhanh và dữ tợn hơn. Đêm xuống, nhà nào cũng cửa đóng, then cài, cố giữ nhà mình cho chắc, chứ không muốn gây sự với A Tinh.
 Theo anh Chào Anh Tuyên, Phó Bí thư xã Nậm Ban - từng là thầy giáo dạy "người rừng" Lý A Tinh, trước đây A Tinh là học sinh có học lực tốt. Có thể do cuộc đời A Tinh gặp nhiều biến cố nên cậu ta mới trở thành người như vậy. “Chúng tôi cũng đã nhiều lần nghe bà con phản ánh lại tình trạng mất trộm, mất cắp liên tục. Sau mỗi năm tình hình này càng diễn ra phổ biến hơn. Chúng tôi cũng mong một ngày nào đó sẽ có kinh phí để đưa A Tinh đi viện khám bệnh. Hy vọng rằng, bệnh viện sẽ đưa A Tinh trở lại và sống hiền lành như tộc người Mảng nơi đây”, anh Tuyên cho biết.


Nguồn: Linh Nhi(Nông nghiệp VN)
Bình luận
vtcnews.vn