Chiều 14/7, bà Hoa Xuân Oánh đăng tải 10 dòng tweet chỉ trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, đưa ra hàng loạt ý kiến bảo vệ Trung Quốc, nhưng các ý kiến không có căn cứ.
Mở đầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Washington "đạo đức giả" khi không phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 nhưng lại cáo buộc Trung Quốc vi phạm Công ước này.
Bà Hoa nói Mỹ, quốc gia cách Biển Đông hàng nghìn km, gửi máy bay quân sự tiên tiến tới khu vực để thể hiện sức mạnh của mình và tạo bất ổn.
"Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền, có quyền chống lại sự bất công và các thói bắt nạt", bà Hoa cho hay.
Nhưng nhà ngoại giao Trung Quốc dường như quên đi thực tế rằng Bắc Kinh mới là nước thường xuyên bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì thói bắt nạt các nước láng giềng.
Trong tuyên bố đăng tải trên website Bộ Ngoại giao Mỹ sáng nay, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho “Yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông” kể từ khi chính thức công bố nó vào năm 2009.
Nhưng bà Hoa viết rằng "đường 9 đoạn" không được công bố vào năm 2009 mà "Bản đồ Biển Đông đầu tiên với những đường đứt đoạn được chính phủ Trung Quốc đưa ra năm 1948 và được truyền lại cho chính phủ kế tiếp mà không có sự tranh chấp của nước nào".
Thực tế, Tòa án Trọng tài năm 2016 bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam đều không công nhận "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh.
Nối tiếp "cơn bão" tweet của mình, bà Hoa nói rằng các hoạt động của người dân Trung Quốc tại Biển Đông có từ hơn 2.000 năm trước và chủ quyền của Trung Quốc cũng như các quyền và lợi ích liên quan ở Biển Đông được thiết lập trong quá trình dài của lịch sử, có cơ sở pháp lý vững chắc trong lịch sử và pháp luật.
"Hơn 70 năm trước, Trung Quốc thu hồi hợp pháp quần đảo Nam Sa và Tây Sa bị Nhật chiếm đóng bất hợp pháp và tiếp tục thực thi chủ quyền. Thực tế, các tàu quân sự mà Trung Quốc sử dụng để thu hồi các đảo này do Mỹ cung cấp", bà Hoa viết.
Nam Sa và Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc hồi giữa tháng 4 ngang nhiên thông báo thành lập "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" tại cái gọi là "thành phố Tam Sa". Việt Nam ngay sau đó đã phản đối gay gắt động thái này của Bắc Kinh.
Chưa kể, 46 năm trước, ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nên không rõ bà Hoa lấy thông tin Bắc Kinh thu hồi hợp pháp quần đảo Nam Sa và Tây Sa từ đâu?
Cũng trong loạt tweet chiều nay, bà Hoa nhấn mạnh Trung Quốc khác với Mỹ, chưa bao giờ bắt đầu bất cứ cuộc chiến nào. Tuy nhiên, nữ chính khách Trung Quốc dường như quên đi những gì đã diễn ra năm 1979 ở biên giới Việt Nam.
Bắc Kinh liên tục gia tăng các hành động gây hấn trên Biển Đông với hàng loạt các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Philippines nhưng bà Hoa lại khẳng định "Trung Quốc cam kết duy trì tự do hàng hải và đường hàng không ở Biển Đông" và Bắc Kinh "chưa bao giờ nghe các quốc gia khác than phiền về điều này".
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 ra thông điệp của Ngoại trưởng Pompeo, chỉ trích hành vi "bắt nạt" các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc và khẳng định hầu hết yêu sách hàng hải của Bắc Kinh trên Biển Đông là "trái pháp luật". Tuyên bố này được đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ.
Mỹ muốn làm rõ một điều rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật cũng như các hoạt động bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó.
Tại khu vực Biển Đông, Mỹ muốn duy trì hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại và phản đối mọi nỗ lực sử dụng cưỡng ép hoặc vũ lực nhằm giải quyết tranh chấp.
Bình luận