• Zalo

Người kể chuyện giữa đại ngàn Hoàng Liên

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 29/12/2012 06:32:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tôi có cảm giác, ông Lâm như một pho sách hoàn toàn mới về các loại dược liệu thần bí.

(VTC News) - Tôi có cảm giác, ông Lâm như một pho sách hoàn toàn mới về các loại dược liệu thần bí.


“Pho sách sống” về thảo dược

Sau khi mất niềm tin vào một số nhà nghiên cứu, mang danh giáo sư, tiến sĩ, mất niềm tin vào cả một tập đoàn đông nam dược lớn nhất nước, cả thời gian dài, ông Trần Ngọc Lâm không tiết lộ cây thuốc với ai nữa.

Tuy nhiên, người Trung Quốc càng ngày càng thu mua ráo riết, các loại thảo dược quý trong đại ngàn Hoàng Liên cứ biến mất dần. Vì thế, khát vọng bảo tồn, phát triển các loài thảo dược quý lại âm ỉ trong ông Lâm.

Suốt mấy năm lang bạt kỳ hồ ở Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, dọc dãy Hoàng Liên Sơn rồi ông cũng tìm ra một địa điểm, thích hợp với những loại cây thuốc quý chỉ mọc trên dãy núi Hymalaya và Hoàng Liên Sơn.

Ông Lâm rất trăn trở với việc bảo tồn các loại thảo dược quý ở Hoàng Liên Sơn 
Địa điểm này cũng có độ cao, khí hậu, chất đất tương đương với Hoàng Liên Sơn và hoang vu đến nỗi trong đường kính 30km không có người ở.

Ông đã tìm được một doanh nghiệp là Công ty Hoa Lợi ở Lào Cai để phát triển các loài thuốc quý. Công ty này sẵn sàng đầu tư nhân rộng các loại thuốc quý hiếm để tạo nguồn dược liệu và bảo tồn cây thuốc. Ông Lâm cũng tin tưởng chuyển giao các bài thuốc quý, các loài thảo được quý cho doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, suốt 2 năm trời, doanh nghiệp Hoa Lợi tổ chức rất nhiều cuộc gặp gỡ “vừa kín vừa hở” với lãnh đạo tỉnh nọ, song vẫn chưa thành công.

Các vị lãnh đạo sau chầu nhậu tưng bừng lại bảo: “Đất còn đó, đi đâu mà vội” khiến doanh nghiệp này ngóng mỏi cổ. Ông Lâm vốn là người khảng khái, cương trực, không chấp nhận cảnh luồn cúi, nên không thèm đầu tư trồng thuốc ở tỉnh nọ nữa.
Bình minh Fansipan 
Vì nguồn dược liệu quý ngày một hiếm, bị khai thác triệt để, nên ông Lâm vẫn chưa tìm ra cách nào giúp người nghèo chữa bệnh. Hiện tại, nguồn thuốc do ông gieo trồng và khai thác từ thiên nhiên chỉ đủ chữa trị cho rất ít người. Nhiều khi nhường thuốc cho họ, ông uống không đủ, cơn đau thắt ngực lại kéo đến.

Theo ông Lâm, những cây thuốc quý mà các thiền sư Tây Tạng chỉ cho ông đều thuộc dạng kỳ hoa dị thảo. Các loại cây thuốc này không có trong từ điển dược học Việt Nam và cũng không nhà dược học nào ở Việt Nam biết đến.

Tuy nhiên, người Trung Quốc thì lại biết rất nhiều cây thuốc quý trong rừng Hoàng Liên Sơn.

Các thiền sư Tây Tạng kể với ông Lâm rằng, cách đây mấy chục năm, rất nhiều kẻ côn đồ đã tra tấn các vị thiền sư để cưỡng ép họ chỉ các cây thuốc quý trị ung thư. Tuy nhiên, họ chỉ biết được vài loại thảo được.
Ông Lâm chỉ một cây thuốc quý không có trong từ điển dược học nước nhà 
Những cây thuốc quý vùng Tây Tạng được một đơn vị của Trung tâm thuốc Trung y, thuộc Tập đoàn quân y Nam Tán trồng và nghiên cứu. Đây là đơn vị nghiên cứu về dược liệu lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, bài thuốc trị ung thư của họ đắt như vàng. Mỗi liều họ bán ra thị trường giá vài triệu đồng tiền Việt.

Hồi nghe tin ông Lâm được các thiền sư Tây Tạng chỉ dẫn những cây thuốc quý trị ung thư, tiến sĩ, Thiếu tướng quân y Vương Đức Tài, Chủ nhiệm Trung tâm thuốc Trung y của Trung Quốc đã sang gặp ông Lâm và hứa sẽ tặng bạc tỉ nếu ông kể tên 7 cây thuốc chữa ung thư mà các thiền sư Tây Tạng sử dụng.

Tuy nhiên, ông Lâm từ chối thẳng thừng. Một là lời hứa với vị thiền sư vẫn còn ám ảnh ông, hai là nói ra, người Trung Quốc tung tiền thu mua khiến những loại dược liệu quý này nhanh chóng tuyệt chủng không những ở Việt Nam mà còn sạch sẽ cả dãy Hymalaya.
Ông Lâm là người phát hiện bãi đá có hình khắc chưa từng biết đến giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn 
Trong những chuyến xuyên rừng dài ngày cùng ông Trần Ngọc Lâm, tôi được ông chỉ cho xem hàng trăm loài thảo dược, toàn kỳ hoa dị thảo.

Tôi tra tên những cây thuốc ông Lâm chỉ trong từ điển dược học nước nhà, trong sách của GS. Đỗ Tất Lợi, song hầu như không thấy có. Tôi có cảm giác, ông Lâm như một pho sách hoàn toàn mới về các loại dược liệu thần bí.

Ông Lâm bảo, các nhà dược học Trung Quốc nói rằng: “Người Việt chết trên đống thuốc quý mà không biết”. Quả thực, nền đông y nước nhà còn kém xa nước bạn, nên chúng ta thiệt thòi đủ thứ. Chúng ta nhổ sạch thảo dược quý bán cho họ với giá rẻ mạt, rồi lại mua thuốc của họ với giá cắt cổ.

Điều ông Lâm trăn trở, là bản thân ông không thể sống được mãi mãi, nhưng lại không tìm được chỗ tin tưởng để chuyển giao những cây thuốc quý, để tìm cách gieo trồng, bảo tồn, cứu chữa người bệnh, làm giàu cho đất nước. Và khi ông mất đi, những loài thảo dược cực quý sẽ lại là cây rừng như triệu năm nay vẫn thế.
 
Người kể chuyện giữa đại ngàn

Bao năm nay, những người chinh phục đỉnh Fasipan thi thoảng gặp trong rừng một người đàn ông, lúc thì lúp xúp mũ tai bèo, dao đeo bên hông đi tìm cây thuốc, lúc gặp ông cởi trần ngồi thiền bất động trong cái lạnh âm độ, tuyết phủ trắng mái tóc.

Khách du lịch thấy người đàn ông kỳ lạ này thường bắt chuyện, làm quen. Ông Lâm trở thành người kể những câu chuyện huyền bí về đại ngàn Hoàng Liên Sơn, về mảnh đất Sapa huyền thoại.

Theo ông Lâm, ông già người Pháp tên là Christiane Pasquel Kagheau, người từng cung cấp bản đồ cổ để ông Lâm tìm lại con đường lên Fan do người Pháp xây dựng, đã kể cho ông Lâm nghe rất nhiều chuyện thú vị liên quan đến lịch sử vùng đất Sapa.
Bình minh Fansipan 
Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu về Sapa vẫn nghĩ rằng, tên gọi Sapa bắt nguồn từ chữ Chapa, tiếng Pháp có nghĩa là gò cát.

Thực ra, Sapa là tên gọi tắt của đại úy nam tước thủy quân lục chiến Đờ-Cha-pa.

Ông này, sau khi tiến công theo sông Đà lên Điện Biên, Lai Châu, Phong Thổ tiêu diệt tàn quân Thái – Mèo và quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc đã chiếm được những ngôi làng của người Mông, chính là địa danh Sapa bây giờ.

Để thưởng công cho đại úy, Bộ chỉ huy đã đặt tên cho làng Mông đó là Chapa và in ấn trên bản đồ. Làng Mông chính là thị trấn Sapa ngày nay. Người Việt đọc chệch Chapa thành Sapa.

Trong cuộc chinh phạt tàn quân Thái - Mèo, còn có một vị quan địa lý triều Nguyễn tên là Phan Văn Sơn đi theo để hoạch định biên giới với nhà Thanh từ Lào Cai đến Mường Tè.
Thác Tình Yêu 
Lúc nghỉ chân ở Sapa, ông Sơn đã cùng dân phu thám hiểm đỉnh núi cao nhất và đo độ cao của đỉnh núi này. Ông ta đã lấy tên mình đặt cho đỉnh núi và sau nhiều lần dịch ra tiếng Đông tiếng Tây thì thành Fansipan, Phan-xi-phăng… như ngày nay.

Cái tên thác Tình Yêu trong đại ngàn Hoàng Liên mà ai đến rừng cũng phải vào chụp ảnh, ngắm nhìn, có một lịch sử khá lãng mạn, chứ không phải thứ truyền thuyết do những người ngày nay bịa ra.

Năm 1943, một hạ sĩ y tá người Senegan có cái tên rất đàn bà Tôm-mê-bơn, đen như cột nhà cháy, đã yêu cô gái người Mông bản Sin Sìn Hồ có cái tên rất đàn ông Hạng A Chơ (từ đệm A thường dùng cho đàn ông, nhưng vì vợ chồng này chỉ sinh được mỗi cô con gái, trong khi rất muốn có con trai, nên mới đặt tên như vậy).
Khách du lịch lên Fan thường tìm ông Lâm để nghe ông kể chuyện về Hoàng Liên Sơn 
Trong cuộc họp sĩ quan, Tôm-mê-bơn đã báo cáo chỉ huy cho lấy Hạng A Chơ làm vợ. Đám sĩ quan đều cười rũ rượi. Trung úy Tru-va vỗ vai bảo: “Mày cần gì phải cưới, như chúng tao đây, thích đứa nào cứ đưa ra rừng… chán lại tìm đứa khác”.

Nói xong, Tru-va cười hô hố. Anh chàng hạ sĩ da đen điên tiết vì bị xúc phạm đã tung một đòn như trời giáng vào mặt chỉ huy rồi trốn vào rừng.

Sau đó, cặp tình nhân này đã cùng lên thiên đường bằng nắm lá ngón cạnh thác. Chính Tru-va và đám sĩ quan Pháp đã chôn hai người tại đó và đặt tên cho thác nước tuyệt đẹp này là thác Tình Yêu.

Câu chuyện này do ông Christiane Pasquel Kagheau kể, bởi ông là người chứng kiến. Theo sự chỉ dẫn, ông Lâm đã lần mò trong rừng tìm ngôi mộ, nhưng không thấy.

Những câu chuyện của ông Lâm về đại ngàn Hoàng Liên Sơn cứ miên man, kể mãi không hết…
Toàn bộ phóng sự hấp dẫn của phóng viên Phạm Ngọc Dương liên quan đến "người rừng" ung thư Trần Ngọc Lâm

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn