Nhân loại đã in dấu chân của mình lên Mặt trăng từ cách đây nửa thế kỷ và vẫn luôn tiếp tục việc nghiên cứu nó. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chỉ có duy nhất một con người được yên nghỉ trên vệ tinh thân thiết này của Trái đất.
Người thầy của các phi hành gia
Nhà thiên văn và địa chất học Eugene Shoemaker là người sáng lập ngành Hành tinh học. Ông cũng là chuyên gia hàng đầu trong việc nghiên cứu các miệng núi lửa trên Trái đất cũng như Mặt trăng.
Chính Shoemaker phát hiện ra sao chổi Shoemaker-Levy có mảnh vỡ va chạm với sao Mộc vào năm 1994. Đó có thể là khoảnh khắc duy nhất con người quan sát được vụ va chạm của 2 thiên thể trong Hệ Mặt trời.
Shoemaker cũng là một trong những nhà khoa học đưa ra giả thuyết về việc một tiểu hành tinh rơi xuống Trái đất cách đây 65 triệu năm - thời của khủng long, phá hủy phần lớn sự sống trên hành tinh.
Khi kế hoạch đưa tàu Apollo lên khám phá Mặt trăng được triển khai, Shoemaker là một trong những người nằm trong danh sách dự kiến tham gia sứ mệnh lịch sử này và trở thành nhà địa chất học đầu tiên bay trên vệ tinh. Tuy nhiên, nguyện vọng này không trở thành hiện thực do Shoemaker mắc bệnh Addison, hậu quả của việc tuyến thượng thận không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết.
Theo các bác sĩ, với căn bệnh này, Shoemaker cần được giám sát y tế liên tục và điều đó không thể thực hiện trong hành trình bay vào không gian. Không thể cùng lên Mặt trăng, Shoemaker trở thành huấn luyện viên đào tạo các phi hành gia.
Tro cốt được đưa lên Mặt trăng
Eugene Shoemaker qua đời năm 1997 trong một vụ tai nạn xe hơi, khi ông đang đi công tác cùng vợ ở Australia. Khát vọng được đặt chân lên Mặt trăng của ông không bao giờ thành hiện thực.
Để tri ân người thầy cũng như tôn vinh những cống hiến của ông cho khoa học và sứ mệnh chinh phục Mặt trăng, Carolyn Porco, cô học trò từng hỗ trợ ông khám phá sao chổi Shoemaker-Levy 9, quyết hoàn thành tâm nguyện của Shoemaker. Lúc bấy giờ, Carolyn đang công tác tại Đại học Arizon với vai trò là nhà khoa học hành tinh.
Cùng với sự hỗ trợ của NASA và một công ty chuyên đưa người vào không gian, nữ chuyên gia đã tìm ra cách gửi một phần tro cốt của Shoemaker (28 gram) lên Mặt trăng. Chiếc hộp đặc biệt chở tro cốt được tàu không gian Lunar Prospector đưa tới thiên thể này vào năm 1998. Khi tàu tiếp cận Mặt trăng, chiếc hộp được thả xuống một trong những miệng núi lửa trên bề mặt vệ tinh này.
Phía trên hộp có khắc tên, ngày tháng năm sinh của Eugene Shoemaker, hình ảnh sao chổi lớn nhất năm 1997 (Hale-Bopp) cùng hố thiên thạch Arizona.
Vậy là Shoemaker cuối cùng cũng "có mặt" ở Mặt trăng như ông từng khao khát. Cho đến nay, ông vẫn là người Trái đất duy nhất được an nghỉ ở đây.
Bình luận