Mới đây, kỹ sư Trần Thanh Sơn đã công bố ý tưởng xây dựng hệ thống “Taxi điện trên không RR”.
Đó là hệ thống taxi phổ thông, tự động, không người lái, sử dụng điện, chạy trên hệ thống đường trên cao, độc lập. Tốc độ chạy liên thông, trên dưới 50 -60km/h trong khu vực thành phố và trên dưới 100km/h ở khu vực ngoại ô. Hệ thống này được đề xuất để chống nạn ùn tắc giao thông.
Ông Sơn nói: “Trong những năm qua, TP.HCM đã có nhiều biện pháp nhằm giảm ách tắc giao thông nhưng các giải pháp tỏ ra thiếu tính đột biến, đến nay lời giải cho câu hỏi kẹt xe vẫn để ngỏ. Tình trạng kẹt xe cần có bài toán tổng thể mang tính chiến lược chứ cứ giải quyết bằng biện pháp tình thế thì không bao giờ khắc phục nổi vấn nạn này”.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của phóng viên báo điện tử VTC News với kỹ sư Trần Thanh Sơn xung quanh ý tưởng xây dựng các tuyến taxi điện trên không RR.
- Tại sao ông chọn thời điểm này để đưa ra ý tưởng taxi điện trên không RR?
Hàng ngày đi làm, thường xuyên chứng kiến nạn kẹt xe, tắc đường đến hàng giờ liền tôi nghĩ phải có “phương thuốc hữu hiệu chữa trị dứt điểm “căn bệnh” trầm kha này này. Nghĩ nhiều rồi bật ra ý tưởng. Có ý tưởng, rồi bắt tay nghiên cứu, triển khai.
Tôi chỉ nêu ý tưởng đã có sự suy nghĩ tường tận, nghiên cứu nghiêm túc. Tôi cũng không sợ bị nói “vỹ cuổng” bởi với tôi, khoa học là một tín ngưỡng và là đam mê.
Kỹ sư Trần Thanh Sơn
- Xuất phát điểm từ thực tế giao thông nhưng manh nha ý tưởng từ đâu, thưa ông?
Trong chuyến đi du lịch bằng xe ôtô từ Adelaide qua Melbourne (Úc), quan sát dòng xe đi lại san sát, tôi nghĩ “giá như có một tuyến đường dành riêng cho xe taxi tự lái thì sẽ an toàn và thuận tiện biết bao?”.
Tôi đi tìm lời giải cho câu hỏi đó và nảy ra ý tưởng về phương án taxi điện trên không RR - một loại hình vận chuyển siêu tốc, an toàn mà con người không cần phải lái.
- Tại sao lại là taxi trên không mà không là loại hình vận tải khác?
Thời gian qua, TP. HCM đã có nhiều đề án nhằm tháo gỡ những nút thắt kẹt xe nghiêm trọng với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng nhưng có vẻ chỉ là giải pháp tình thế mang tính đối phó tình thế. Tôi nghĩ về lâu dài, ngoài việc đẩy mạnh giao thông công cộng, các tuyến metro thì cần có các tuyến taxi điện trên không đi đến được khắp các nơi trong thành phố để mọi người lựa chọn.
- Ông cho rằng ý tưởng taxi điện trên không RR sẽ mang lại hiệu quả và lợi ích gì?
Taxi điện trên không rõ ràng là tuyến đường vận chuyển mới, thông minh và là tuyến đường “mở” trong thành phố. Với tốc độ lưu chuyển hành khách nhanh, thông tuyến, hiệu quả của taxi điện trên không RR đối với xã hội là rõ ràng.
Cùng với đó, taxi điện trên không RR sẽ mang lại lợi ích rất lớn về môi trường.
Video: Người thành phố bị tâm thần nhiều hơn vì... tắc đường
- Theo ông Việt Nam có khó khăn vướng mắc gì khi thực hiện taxi điện trên không RR?
Hệ thống này đơn giản, chi phí thấp, chỉ là đường đúc sẵn lắp ráp trên cao, lại trồng những cây cột chịu lực bên lề đường nên không có khó khăn gì trong việc triển khai. Tôi cho rằng các kỹ sư của nước ta dư sức để thiết kế mạch điện tử giao tiếp giữa xe với xe và xe với trạm, ngã rẽ.
- Tiền bạc thì sao, thưa ông?
Chi phí sản xuất xe thấp chỉ khoảng dưới 100 triệu đồng. Tuyến đường chỉ là kết cấu bê tông nhẹ, chi phí đóng cọc đổ trụ… nói chung vẫn rẻ hơn nhiều so với làm đường mới.
- Khi đề xuất ý tưởng táo bạo này ông có sợ người ta nói mình “vỹ cuồng”?
Thành thật thì tôi không có ý nghĩ đó. Tôi chỉ nêu ý tưởng đã có sự suy nghĩ tường tận, nghiên cứu nghiêm túc. Tôi cũng không sợ bị nói “vỹ cuổng” bởi với tôi, khoa học là một tín ngưỡng và là đam mê.
- Ý tưởng hoàn toàn do ông nghĩ ra hay ông dựa trên công trình nào khác?
Công trình nghiên cứu taxi điện trên không là một ý tưởng mà thế giới chưa có ai nghĩ ra, là tuyến giao thông mới, không giống như những tuyến đã có.
Nó là sự kết hợp của cả xe, có bốn bánh nằm ngoài xe, để tấm dốc chỉ cần đẩy lên một khoảng 600mm -700mm là đã kết nối được đường dốc lên trạm hoặc đường dốc rẽ chuyển hướng. Một trạm đón nhận hành khách không tốn diện tích mặt đất, một loại thang máy đối trọng, một loại ngã tư thông minh không hề giao nhau… Tất cả là một kết cấu trọn vẹn.Ngoài ra, tôi có nhiều ý tưởng hay lắm! Chẳng hạn như bể hấp thụ năng lượng mặt trời, nhiệt nóng thải ra từ máy lạnh làm nước nóng sinh hoạt gia đình, tích tụ hơi nước làm nước uống hàng ngày, bẫy chuột điện tử…
- Hà Nội đang tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc do Sở Giao thông Hà Nội thực hiện có giải nhất trị giá 200.000 USD, ông có gửi tham gia?
Tôi được biết, giải này là cục bộ, chỉ có những tổ chức tư vấn và cá nhân liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch và phải có năng lực hạng cao nhất mới được tham gia.
Nếu được tham gia dự thi thì đó là sự may mắn cho tôi.
- Ý tưởng taxi điện trên không RR để áp dụng vào thực tiễn theo ông còn cần những gì?
Cần Bộ Giao thông vận tải, đặc biệt Vụ Vận tải, vụ Khoa học công nghệ của bộ quan tâm triển khai. Và một cơ quan đầu não kết nối của các nhà chế tạo, sản xuất.
- Trường hợp bị phản đối ông có tiếp tục theo đuổi ý tưởng này đến cùng? Và ông sẽ làm gì để bảo vệ?
Tất nhiên tôi sẽ theo đuổi đến cùng. Dù thế nào tôi vẫn làm theo lương tâm của một nhà khoa học. Tôi nghiên cứu nghiêm túc, có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm với ý tưởng của mình.
- Trong trường hợp đề án được Bộ GTVT chấp thuận và đầu tư nghiên cứu, ông nghĩ mình cần bao nhiêu tiền và thời gian bao lâu để hoàn thiện đề án?
Tôi nghĩ khoảng 6 tháng đến 1 năm. Về tiền tôi không rành cho lắm, nếu được Bộ Giao thông vận tải “bật đèn xanh” thì tôi sẽ lên dự toán.
Cá nhân ông đủ tự tin và năng lực để tự mình hoàn thiện đề án?
Tôi khẳng định nói được, làm được.
- Kế hoạch tiếp theo của ông là gì?
Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện ý tưởng của mình.
Bình luận