Khi tôi vào làm việc tại Ban Đối ngoại (Đài TNVN), chị Hoàng Minh Nguyệt là biên tập viên của Chương trình tiếng Anh. Chị lúc nào cũng xinh đẹp, nhanh nhẹn, tự tin và dõng dạc. Hình ảnh ấn tượng về chị thời đó mà tôi còn nhớ là một buổi liên hoan trong Ban, chị mặc chiếc váy xoè màu ghi, nhảy valse một mình, xoay tròn một cách say sưa trong tiếng nhạc. Một người tự tin và yêu đời.
Thời gian chị làm lãnh đạo một số đơn vị của cơ quan và sau đó là Phó Tổng Giám đốc Đài, tôi ít có dịp tiếp xúc. Chỉ biết rằng chị là một phụ nữ giỏi, quyết đoán trong công việc, được nhiều người trong cơ quan tin tưởng và ngưỡng mộ.
Mối liên hệ giữa chị và tôi thực sự bắt đầu khi chị đã nghỉ hưu ở Đài. Dạo đó tôi làm việc ở Báo điện tử VOV. Chị hay đọc báo rồi “nhặt sạn” luôn, thường nhắn cho tôi mỗi khi thấy có gì cần chỉnh sửa. Và chị thường để ý đến những trường hợp đặc biệt khó khăn được phản ảnh trong mục “Địa chỉ từ thiện”, để tìm cách trợ giúp.
Lần đó, khi Nick Vujisic sang Việt Nam diễn thuyết, báo chí Việt Nam cũng tìm và phản ánh những trường hợp dị tật tương tự, bẩm sinh đã không tay, không chân như Nick. Báo VOV.VN có bài viết về bé Linh Chi ở Yên Bái, cô bé dị tật tứ chi và còn phải chịu đau đớn vì thường xuyên phải phẫu thuật cắt xương mỏm tay cụt vốn nhọn và luôn dài ra nhanh, nhanh hơn tốc độ phát triển của da, gây đau đớn cho bé.
Chị Nguyệt rủ tôi đi thăm bé Linh Chi, lúc đó được bệnh viện Phúc Lâm (Văn Giang, Hưng Yên) tài trợ phẫu thuật miễn phí. Trời đang đẹp nên tôi rủ chị đi bằng xe máy sang bên Văn Giang, chị vui vẻ đồng ý. Ai ngờ tôi không biết người ta đang làm lại con đường đê Bát Tràng, lóc xóc và bụi mù tăng tít.
Chị ngồi sau tôi, không phàn nàn một câu. Hai chị em còn phải tìm đường rất lâu mới tới được bệnh viện Phúc Lâm và tìm được em bé. Tuy dị tật nhưng em bé lại dễ thương vô cùng, biết viết chữ khá đẹp, và làm được nhiều việc phức tạp khéo léo không kém gì người có đủ chân tay.
Em cũng luôn cố gắng tự mình làm mọi việc chứ không hề ỷ lại vào cha mẹ, người thân. Chị trao quà, động viên em bé và mẹ, trò chuyện với bác sĩ và điều dưỡng viên, rồi hỏi thăm về việc làm tay giả, chân giả cho bé.
Mấy hôm sau về, chị lại rủ tôi cùng đi đến một cơ sở làm chân tay giả để hỏi người ta về việc làm chân tay giả cho bé Linh Chi thì phải thế nào, chi phí hết bao nhiêu; để tìm cách hỗ trợ. Chị là thế, không tỏ vẻ ủy mị sướt mướt, nhưng có tâm và làm việc thiện một cách thực chất, giản đơn.
Hàng năm, mấy chị em chúng tôi ở VOV thường hẹn nhau cùng làm một chuyến du xuân nhẹ nhàng, đi lễ chùa, chụp ảnh lưu niệm và ngồi quán cà phê tán gẫu, chuyện trò về chuyện nhà cửa, gia đình, con cháu. Điểm tập trung là nhà chị ở đường Tôn Đức Thắng.
Đã mấy năm rồi, chúng tôi cùng nhau có những chuyến đi thú vị. Mỗi lần chị vận áo dài thì mấy cô em đều phải nắc nỏm vì chị còn giữ được “phom” dáng rất đẹp. Tết năm nay cũng vậy, vãn cảnh chùa Nôm, chị còn hài hước đi bộ trên cầu, phất phất tà áo dài theo kiểu các cô người mẫu, rồi bảo tôi ghi lại clip cho chị xem. Với chúng tôi, những nhân viên cũ ít tuổi hơn, chị như người chị gái, lại như người bạn, dễ mến và hòa đồng.
Khi tôi chuyển sang làm việc tại Ban Hợp tác quốc tế, chị đã giúp tôi rất nhiều, từ việc cung cấp tài liệu để tôi tìm hiểu thêm về công việc đến giới thiệu cho chúng tôi đối tác để hợp tác. Chị từng làm việc lâu năm ở Ban Hợp tác quốc tế, nên rất gắn bó với các thành viên trong Ban.
Từ cuối năm ngoái, chị bảo tôi: Sang tháng 8/2019, là tròn 35 năm thành lập Phòng Hợp tác quốc tế, tiền thân của Ban Hợp tác quốc tế bây giờ. Nên tổ chức một buổi gặp gỡ thân mật, chắc chắn sẽ rất có ý nghĩa, nhất là đối với những người từng làm việc trong Ban từ thời kỳ đầu, như bác Quyết Tâm, mà năm nay bác cũng khá nhiều tuổi rồi. Gần đến dịp kỷ niệm, chị viết bài, sưu tầm hình ảnh tư liệu, công phu gửi lên cho chúng tôi. Chị bảo chị hơi đau chân, đi lại khó khăn, dặn tôi cử một em đến nhà chở chị đi bằng xe máy cho đỡ phải đi bộ nhiều.
Mọi việc sắp xếp đâu vào đấy rồi, thế mà đến ngay trước hôm diễn ra buổi gặp gỡ, chị gọi điện cho tôi nói không thể đến được, vì lý do bất khả kháng. Buổi gặp mặt diễn ra suôn sẻ, trong không khí đầm ấm và cảm động. Tối hôm đó, chị lại gọi điện cho tôi tâm sự rằng rất tiếc khi không thể có mặt, bởi chị gắn bó với Hợp tác quốc tế vô cùng. Khỏi phải nói, anh chị em chúng tôi cũng thế, rất tiếc vì chị không dự cuộc vui.
Sau hôm ấy, tôi hẹn đến thăm mà chưa tới được. Ai ngờ mới đấy thôi mà nay không còn có thể hẹn được nữa rồi!
Chị chưa bao giờ già. Cứ trẻ đẹp như thế rồi tan biến vào hư không. Câu hát nhạc Trịnh “để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười” (Bốn mùa thay lá- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), có lẽ là viết về người như chị!
Bình luận