"Tôi không coi việc mình làm là kỳ tích"
11h30 trưa 30/4/1975, xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh chính thức đầu hàng…
Chỉ 15 phút sau sự kiện lịch sử đó, Bản tin chiến thắng được vang lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng đọc của NSƯT Kim Cúc.
Thời điểm đó, để đảm bảo an toàn, tất cả các bản tin của Đài VOV đều phải thu trước, được kiểm duyệt rồi mới phát sóng.
Riêng với Bản tin chiến thắng, phát thanh viên Kim Cúc và một đồng nghiệp miền Nam phải đọc trực tiếp. Sau đó, bản tin này lại được các phát thanh viên khác đọc lại trong các chương trình tiếp theo.
Video: NSƯT Kim Cúc đọc 'Bản tin chiến thắng'
Chính vì Bản tin chiến thắng đầu tiên được phát thẳng, không lưu lại băng nên phải tới gần 30 năm sau công chúng mới biết, người đầu tiên đọc bản tin vào trưa 30/4 là NSƯT Kim Cúc. Trong suốt khoảng thời gian đó, bà cũng giữ im lặng.
"Có nhiều người nói với tôi, việc là một trong hai người đầu tiên đọc Bản tin chiến thắng là vinh dự, tại sao lại không lên tiếng. Tôi chỉ nghĩ rất đơn giản, nhiệm vụ của một người chiến sĩ là chiến đấu, còn nhiệm vụ của một phát thanh viên là phải đưa thông tin tới công chúng một cách nhanh nhất.
Tin chiến thắng được chuyển đến Đài vào đúng ca trực của tôi và chị Kim Túy. Chúng tôi phải có trách nhiệm chuyển tin vui đó tới đồng bào cả nước một cách nhanh nhất. Vì thế, tôi không coi việc mình làm là một kỳ tích.
Tuy nhiên, sau này tôi có đọc được thông tin Bản tin chiến thắng lần đầu tiên được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam là vào lúc 18h30 chiều 30/4/1975, tôi quyết định nói lên sự thật.
Nếu tôi im lặng, mọi người sẽ hỏi tại sao một cơ quan thông tấn lớn nhất lúc bấy giờ lại có thể để tin chiến thắng tới tận chiều tối mới phát sóng?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bản tổng kết ngay sau chiến dịch Hồ Chí Minh khẳng định, ngay sau khi nhận được tin chiến thắng, Đại tướng đã lệnh cho Bộ Tổng tham mưu thông báo sang Đài Tiếng nói Việt Nam và 15 phút sau, chính Đại tướng nghe bản tin chiến thắng trên đài".
Bà Kim Cúc còn tiết lộ thêm: "Phóng viên VOV sang Bộ Tổng tham mưu lấy tin chiến thắng là chị Anh Trang. Trên đường về, qua đoạn Trần Phú chị bị tại nạn nhưng vẫn gắng gượng đi tiếp. Chỉ khi tới Đài và đưa bản viết tay tin chiến thắng cho đồng nghiệp, chị mới ngất đi. So với công sức và sự nỗ lực của chị ấy, việc làm của tôi có là gì".
Sau giây phút xúc động khi nhờ về khoảnh khắc lịch sử của dân tộc, gương mặt NSƯT Kim Cúc ngập tràn niềm vui khi nói về cảm xúc khi đất nước được thống nhất.
"Đọc xong Bản tin chiến thắng cũng là lúc tôi hoàn thành ca trực ở Đài. Tôi liền lấy xe chạy lên Bờ Hồ. Cũng giống như hàng triệu người Việt Nam khác, tôi vui sướng khi đất nước giành được độc lập. Bên cạnh đó, tôi cũng có niềm hạnh phúc rất nhỏ nhoi của người phụ nữ.
Tôi năm đó đã bước sang tuổi 31, nếu chiến tranh cứ kéo dài, biết đến bao giờ mình mới lấy được chồng. Giờ đất nước được độc lập rồi, trong người tôi như trút được gánh nặng.
Tôi ngập tràn niềm vui với suy nghĩ có thể đi chơi xa, có thể về thăm bố mẹ bất cứ lúc nào mình muốn, có thể tập trung vào lo chuyện cá nhân. Cảm giác đó tôi nghĩ chỉ có những người trải qua khoảnh khắc như tôi mới có thể hiểu được".
Sau khi đất nước giành được độc lập, NSƯT Kim Cúc lập gia đình với một đồng nghiệp làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam và sinh liền hai con nhỏ.
"Hai vợ chồng bận công việc tại Đài lại không có ai trông con giúp. Chồng tôi đi họp chi bộ mang theo con gái lớn. Tôi hay nói vui, con tôi thấm nhuần tư tưởng của Đảng từ nhỏ là vì thế.
Còn tôi khi đi thu thì mang theo cậu con trai nhỏ. Thấy mẹ ở trong phòng một mình lại, con tưởng mẹ bị nhốt, khóc ầm lên. Mọi người phải mang cháu ra xa. Công việc tạo cho tôi thói quen, khi đã bước vào phòng thu là chỉ có tôi và văn bản. Tôi không còn để tâm tới những việc khác".
40 năm gắn bó "Đọc truyện đêm khuya"
Ngoài dấu ấn là người đầu tiên đọc Bản tin chiến thắng, NSƯT Kim Cúc còn được hàng triệu khán giả yêu quý với chương trình Đọc truyện đêm khuya. Đây là chương trình mà bà đã gắn bó trong suốt 40 năm.
Hiện tại, sức khỏe của NSƯT Kim Cúc không được tốt. Sau gần 20 năm mắc bệnh tiểu đường, đôi mắt của bà đã mờ. Thế nhưng, khi nghe thấy nhạc hiệu của chương trình Đọc truyện đêm khuya, bà chớp mắt liên tục như muốn ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra.
"Tôi rất bất ngờ khi bạn mở lại đoạn nhạc giới thiệu chương trình Đọc truyện đêm khuya. Tôi gắn bó với chương trình này hơn 40 năm mà giờ đây, mỗi lần nghe thấy phần nhạc hiệu, tôi vẫn rất bồi hồi, xúc động. Đó không chỉ là công việc mà còn là một phần rất thiêng liêng trong cuộc sống của tôi" - NSƯT Kim Cúc nói.
Gặp NSƯT Kim Cúc - Người 40 năm "Đọc truyện đêm khuya"
NSƯT Kim Cúc bắt đầu gắn bó với chương trình Đọc truyện đêm khuya từ năm 1969 cho tới khi nghỉ hưu. Trong suốt những năm tháng ấy, bà gửi tới công chúng không biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật. Bà có một giọng đọc riêng mà có người, chỉ một lần nghe là không bao giờ quên được.
"Trước khi làm phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), tôi là ca sĩ của Đoàn văn công. Tôi có thời gian dài học luyện thanh, học cách giữ hơi, cách phát âm sao cho tròn vành, rõ chữ và tạo được độ vang.
Tôi đưa những kiến thức về thanh nhạc sang áp dụng khi làm phát thanh viên. Chỉ là với những câu chữ được giao đọc nhưng tôi có thể nhấn nhá, lên bổng xuống trầm, tạo nên màu sắc riêng cho đoạn văn bản.
Tôi còn nghiên cứu từng chi tiết rất nhỏ như với những từ có dấu nặng, giọng mình xuống tới đâu là vừa, với từ có dấu sắc lên cao giọng bao nhiêu mà vẫn giữ được đột ngọt. Tôi rèn cho mình sự chuẩn xác trong từng lời nói, đọc đúng các từ có dấu huyền, ngã, nặng, hỏi - nét riêng của tiếng Việt mà không ngôn ngữ nào có được".
Video: Nghe NSƯT Kim Cúc đọc truyện Tiếng Ru
NSƯT Kim Cúc lấy ví dụ: "Ngay với câu giới thiệu chương trình Xin mời các bạn nghe buổi Đọc truyện đêm khuya của Đài tiếng nói Việt Nam tôi cũng phải nghiên cứu rất nhiều để tìm ra cách đọc sao cho phù hợp. Chương trình phát sóng muộn nên phải đọc với tiết tấu chậm để làm sao đi vào lòng người một cách êm dịu nhất nhưng cũng phải tạo cho công chúng một sự háo hức nhất định để đón nghe".
Với bà Kim Cúc, khi nhận được bất cứ văn bản nào, bà đều nghiên cứ rất kỹ. Không chỉ nghiên cứu nội dung văn bản, bà con xem nó được phát sóng vào khung giờ nào để chọn cách thể hiện phù hợp với tâm lý người nghe vào thời điểm đó.
"Chẳng hạn với câu văn: Thi đang đi nhanh nhẹn tới sân trường, tôi không thể đọc từ nhanh nhẹn với tiết tấu chậm nhưng nếu đọc nhanh quá, nó sẽ biến thành sự hấp tấp. Phải chọn cách đọc phù hợp để công chúng hiểu được cô gái này đang bước đi một cách vội vàng nhưng không phải là hấp tấp" - bà nói.
NSƯT Kim Cúc nhớ lại khoảng thời gian mới vào nghề. Bà là người gốc Nam Định nên khi phát âm thường mắc lỗi tiếng địa phương. Thế nhưng chỉ cần một câu nhắc nhở của lãnh đạo Đài, bà quyết định sửa cho bằng được.
Thời gian đó cứ sau mỗi giờ làm việc, bà lại chui xuống hầm, tập đọc từng từ một. Sau đó, bà lại lắng nghe các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà chú ý từng cách phát âm, cách ngắt nhịp của những đồng nghiệp đi trước. Sau đó, bà lại đọc lại theo cách riêng phù hợp với chất giọng đặc trưng của mình.
NSƯT Kim Cúc cho hay, khi bản tin bà đọc lên sóng, chỉ cần không may có hai từ dính vào nhau hay hai từ mà bà lỡ đọc nhanh hơn cần thiết, bà cũng cảm thấy áy náy và khó chịu. Thế là bà lại ngồi lại, tập luyện cho tới khi nào ưng ý mới thôi.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi vào làm tại Đài Tiếng nói Việt Nam, bà có cơ hội gửi tác phẩm Bút ký Sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuấn tới khán giả. Trước bà cũng có nhiều phát thanh viên gạo cội thể hiện các tác phẩm của nhà văn tài hoa này.
Tuy nhiên, sau một lần vô tình nghe được giọng đọc của bà, nhà văn Nguyễn Tuân ngay lập tức tới Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông yêu cầu được gặp đích danh phát thanh viên Kim Cúc. Tuy nhiên, thời điểm đó bà lại không có mặt ở Đài. Nhà văn Nguyễn Tuân lại có việc không thể đợi thêm. Ông nhắn nhủ với lãnh đạo Đài rằng: "Nhắn với cô bé ấy là nhà văn Nguyễn Tuân gửi lời khen. Nó là đứa đọc đúng nhất cái hồn tác phẩm của tôi".
"Dù không được gặp và chỉ nghe đồng nghiệp kể lại nhưng những lời khen của ông Nguyễn Tuân khiến tôi rất sung sướng. Đó có lẽ là một trong những điều hạnh phúc nhất của tôi khi làm phát thanh viên" - Bà Kim Cúc nói.
Bên cạnh niềm vui, cũng có những kỷ niệm mà mỗi lần nhắc lại, NSƯT Kim Cúc lại cảm thấy chạnh lòng. "Tôi nhớ, có lần đọc văn bản nhắc tới nhà điêu khắc Michelangelo. Lúc đó tôi không biết ngoại ngữ, thấy văn bản ghi phiên âm là Mi-ken-Lăng-giê-lô nên tôi đọc theo. Sau đó, một phóng viên, biên tập lớn tuổi lại là nhà thơ nói thẳng với tôi thế này: Phát thanh viên gì mà ngu thế.
Tôi thừa nhận đây là lỗi của tôi nhưng giá như, họ chỉ cần nói sao cô dốt thế thì tôi đỡ buồn hơn. Đằng này họ dùng từ ngu khiến tôi có cảm giác bị tổn thương. Nhưng tôi không ngồi đó để oán trách người khác mà chú tâm vào việc học, nâng cao trình độ của bản thân".
Thế là song song với công việc tại đài, NSƯT Kim Cúc tranh thủ đi học thêm Đại học tại chức và học thêm ngoại ngữ như tiếng Anh, Tiếng Pháp, tiếng Trung. Bà cũng chịu khó đọc rất nhiều sách. Bà bảo, học không phải để lấy bằng, để chứng tỏ với ai mà đơn giản là không muốn bị mắc lỗi khi phải đọc những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt.
Với hàng chục triệu khán giả của Đài Tiếng nói Việt Nam, chất giọng của NSƯT Kim Cúc đã trở nên rất đỗi quen thuộc với họ. Bà là người được công chúng ưu ái gọi là "chất giọng vàng của Đài tiếng nói Việt Nam".
Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, NSƯT Kim Cúc vẫn tiếp tục cộng tác với Đài trong chương trình Đọc truyện đêm khuya.
Bà còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Trong những năm trở lại đây, vì lý do sức khỏe, bà không thể tiếp tục công việc mình yêu thích. Những ký ức về khoảng thời gian làm việc tại VOV vẫn còn vẹn nguyên trong bà.
"Tôi vẫn nhớ như in những lần ngồi trong phòng thu, chỉ có một mình đối diện với văn bản nhưng ở ngoài kia là hàng triệu người đang lắng nghe giọng đọc của mình. Tôi cứ ngỡ như ngày hôm qua thôi, tôi vẫn còn làm công việc này" - NSƯT Kim Cúc nói.
Bình luận