Nhà chức trách Tây Ban Nha hôm 28/4 cho biết, nước này phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4, khi trải qua đợt nắng nóng sớm bất thường. Theo cơ quan thời tiết quốc gia Tây Ban Nha (Aemet), nhiệt độ đạt 38,8 độ C tại sân bay ở thành phố Cordoba, miền Nam Tây Ban Nha vào hôm 27/4, đánh bại kỷ lục 38,6 độ C trước đó ở thành phố Elche.
Trước bối cảnh nắng nóng lập kỷ lục, các giáo dân ở thành phố Jaen, phía nam Tây Ban Nha đã tổ chức lễ rước kiệu tượng Chúa Kitô mang tên "El Abuelo" để cầu mưa lần đầu tiên kể từ năm 1949.
Các số liệu cho thấy hàng nghìn người đã tham dự lễ diễu hành này. Theo các chuyên gia thời tiết, một số vùng của Tây Ban Nha đang ở vào tình trạng khô hạn nhất trong một nghìn năm qua, hạn hán làm cạn kiệt các hồ chứa tại nhiều nơi ở quốc gia này.
Ricardo Cobos, thành viên tham gia lễ cầu mưa nói: "Chúng tôi đang ở vào đợt hạn hán dai dẳng và mục đích của cuộc diễu hành này là cầu xin Chúa giúp đỡ và cứu rỗi chúng tôi".
Trong khi đó, với đôi mắt hướng lên bầu trời, Antonia Contreras - người tham gia lễ cầu mưa, cho biết: “Tôi đến để gặp Chúa và tôi rất tin tưởng rằng Ngài sẽ ban nước cho chúng tôi”.
Ngày 25/4, Tây Ban Nha yêu cầu Liên minh châu Âu cấp quỹ khẩn cấp để giúp nông dân nước này đối phó với hạn hán nghiêm trọng đe dọa mùa màng.
Các hồ chứa nước ở Tây Ban Nha hiện chỉ còn một nửa công suất và hiệp hội nông dân Tây Ban Nha (COAG) cho biết 60% đất nông nghiệp đang "nghẹt thở" vì thiếu mưa.
Tây Ban Nha là nước xuất khẩu dầu ô liu lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp rau quả chính của châu Âu.
Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy gần 75% đất đai của Tây Ban Nha dễ bị sa mạc hóa do biến đổi khí hậu.
Năm 2022 là năm nóng nhất ở Tây Ban Nha kể từ kỷ lục nắng nóng vào năm 1961, và cũng là năm khô hạn thứ sáu của nước này bất chấp sự hiện diện của hiện tượng thời tiết La Niña, làm giảm nhẹ nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Tờ Washington Post nhận định sức nóng ở Tây Ban Nha và các khu vực xung quanh bị khuếch đại bởi một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở khu vực này. Hạn hán đã diễn ra ở các vùng của Tây Ban Nha trong 5 năm, khiến 27% diện tích quốc gia rơi vào tình trạng khẩn cấp hạn hán.
Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đang thúc đẩy cường độ và tần suất hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn sóng nhiệt, hạn hán và cháy rừng.
Bình luận