Trung Quốc hồi đầu tuần công bố vaccine COVID-19 sẽ được cung cấp sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Việc nghiên cứu vaccine ở nước này có nhiều tiến bộ, 4 trong số 7 tình nguyện viên đang được theo dõi về hiệu quả và độ an toàn của thuốc. Dù vậy, cô Julia Wei và con gái 6 tuổi vẫn không tình nguyện thử vaccine.
“Tôi được biết rằng nghiên cứu vaccine thường mất nhiều năm trong khi với vaccine COVID-19 mới chỉ được nghiên cứu có vài tháng. Như vậy và quá nhanh, tôi không muốn làm chuột thí nghiệm. Tôi sẽ chờ tới khi chắc chắn rằng loại vaccine đó an toàn và hiệu quả”, cô Wei chia sẻ.
Những lo ngại giống như Wei trở thành nguy cơ chối bỏ việc tiêm chủng, ảnh hưởng tới việc gỡ bỏ giãn cách xã hội, cũng như với khả năng “miễn dịch cộng đồng”.
Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều nước khác. Một cuộc khảo sát trong tháng cho thấy, hơn 35% người Mỹ không muốn tiêm phòng, ngay cả khi vaccine COVID-19 đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận và cung cấp miễn phí.
Tương tự, một cuộc khảo sát ở Canada cho thấy khoảng 32% người dân do dự trước việc tiêm chủng, 14% cho biết họ sẽ không sử dụng vaccine.
Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố sự e ngại hoặc từ chối tiêm chủng là 1 trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe toàn cầu. Điển hình như bệnh sởi, dù không hoàn toàn do việc bài trừ vaccine nhưng một số nước đã tái bùng phát dịch vì nguyên nhân này.
“Người dân lo ngại vì họ nghe rằng tiến trình nghiên cứu quá nhanh tới mức dự án của chúng tôi được đặt tên là 'Chiến dịch thần tốc'”, Margaret Hamburg, cựu quan chức Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ, cho biết. Ông thêm vào rằng việc người dân nghe đồn vaccine được nghiên cứu vội vàng đang làm tăng thêm rủi ro trong sản xuất.
Các chuyên gia về vaccine khuyên người dân không nên lo lắng về quá trình phát triển vaccine COVID-19.
Wilbur Chen, giáo sư y khoa tại Đại học Y Maryland, cho biết không hề có dấu hiệu ăn bớt công đoạn trong thử nghiệm độ an toàn và hiệu quả của vaccine vì hướng dẫn của FDA về vaccine COVID-19 hoàn toàn rõ ràng và toàn diện: “Mọi người không nên lo lắng về tính an toàn hoặc hiệu quả của vaccine COVID-19 nếu chúng được cấp phép dựa trên cơ sở các nghiên cứu được thực hiện đúng theo chỉ dẫn của FDA”.
Stephen Evans, giáo sư dược lý học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, tin rằng các cơ quan quản lý ở Anh hoặc Liên minh châu Âu sẽ không chấp thuận một loại vaccine chưa được kiểm chứng về độ an toàn và hiệu quả.
“Tôi cho rằng tốc độ nghiên cứu phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tôi không nghĩ quá trình này bị thiếu sót. Rủi ro do phát triển nhanh hầu như hoàn toàn dựa trên những số liệu trong thử nghiệm”, Evans nói thêm.
Bên cạnh sự thiếu tin tưởng vào chính phủ, các tổ chức và tiêm chủng, những người trong ngành cho biết họ cũng lo rằng không đáng phải đối mặt với rắc rối nếu không có gì đảm bảo vaccine sẽ chống lại virus. Mục tiêu về công hiệu của vaccine COVID-19 ở Trung Quốc và Mỹ là 50% hiệu suất, tương tự với vaccine cúm mùa.
Nhiều người có thể cho rằng nó không đáng để tiêm, nhưng theo các chuyên gia, việc tiêm phòng không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn cả cộng đồng. Khi một tỷ lệ dân số nhất định miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm, thường là thông qua vaccine, miễn dịch cộng đồng sẽ bảo vệ những người chưa tiêm chủng và những người có hệ miễn dịch yếu.
“Càng nhiều người dùng vaccine sẽ càng cải thiện hiệu quả trong cộng đồng. Bởi vậy, việc e ngại dùng vaccine hoặc không thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang và rửa tay sẽ gây trở ngại tới việc mở cửa an toàn”, theo giáo sư Chen, ngay cả một loại vaccine có hiệu quả trung bình cũng sẽ giúp ích cho cộng đồng.
Ngay cả những quốc gia đã kiểm soát được COVID-19 cũng cần tiêm chủng để ngăn chặn tái bùng phát dịch bệnh.
Tới ngày 19/8, thế giới có 22.302.298 người mắc COVID-19, trong đó, 15.043.529 ca đã hồi phục, 784.258 người chết.
Bình luận