Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW, việc người bị Mr Pips (Phó Đức Nam) lừa có lấy lại được tài sản hay không còn phụ thuộc vào quá trình xác minh, điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bị hại phải làm việc rõ ràng với cơ quan điều tra để thông tin và cung cấp các hồ sơ, tài liệu chứng minh mình bị lừa, làm cơ sở để công an tổng hợp lại thành hồ sơ.
“Sau đó cơ quan điều tra sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, chứng cứ ra tòa án để có căn cứ xét xử. Từ đó, toà án sẽ ra phán quyết về việc bồi thường cho các nạn nhân theo quy định của pháp luật theo một tỷ lệ nhất định. Phán quyết sẽ được giao cho cơ quan thi hành án, rồi cơ quan thi hành án sẽ chuyển lại cho các nạn nhân nếu còn tiền thi hành án”, ông Hà nói.
Đồng tình quan điểm trên, luật sư Nguyễn Doãn Hồng, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Đà Nẵng cho rằng, nạn nhân phải xác định được mình là người bị hại. Và nghĩa vụ của bị hại là phải làm việc với điều tra viên để cung cấp toàn bộ chứng cứ của vụ việc trong quá trình mua bán, giao dịch.
“Trường hợp không có giấy tờ hoặc có giấy tờ không phù hợp thì bị hại sẽ không lấy lại được tài sản”, luật sư Hồng nhấn mạnh.
Phân tích về trường hợp này, ông Trương Quốc Hòe, trưởng văn phòng luật sư Interla cho biết, cơ quan điều tra đã phong tỏa được tài sản tổng trị giá hơn 5.200 tỷ đồng khi đối tượng lừa đảo chưa kịp tẩu tán, vì thế khả năng hoàn tiền cho người bị hại có thể có tín hiệu khả quan.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ thu thập hết hồ sơ và xác định những bị hại của vụ án này. Để công an xác định được và hoàn trả cho bị hại theo tỷ lệ nhất định thì các nạn nhân trong vụ lừa đảo sẽ phải giao nộp toàn bộ chứng cứ chuyển tiền cho cơ quan điều tra, sau đó trên cơ sở hồ sơ, giấy tờ, chứng cứ sẽ được toà án kết luận và đưa ra bản án để lấy lại tiền.
“Trường hợp không có hồ sơ chứng cứ thì người bị hại sẽ mất trắng, vì nguyên tắc là sẽ được xác lập trên chứng cứ”, ông Hòe nói.
Vì vậy, chứng cứ của người bị hại giao nộp cho công an phải trung thực, khách quan, phù hợp với giao dịch và chứng minh được dòng tiền có nguồn từ đâu để xác nhận là bị hại và có trùng khớp với các giao dịch.
“Có thể các giao dịch bị trôi đi hoặc tài khoản Tiktok ở nước ngoài nên cơ quan điều tra không thu thập được hết. Vì thế bị hại phải có nghĩa vụ chứng minh, làm rõ đó là nguồn tiền của mình. Trường hợp bị hại không thể chứng minh đó là nguồn tiền của mình thì sau khi toà án xét xử và có bản án chính thức, nguồn tiền còn lại của đối tượng sẽ xung công quỹ Nhà nước”, luật sư khuyến cáo.
Về trường hợp một số bị hại đã lấy tiền lãi từ đối tượng lừa đảo, ông Hòe cho biết, pháp luật sẽ không hồi tố, không trừ vào tiền gốc mà bị lừa đảo, vì giao kết đó đã hoàn thành.
Công an thành phố Hà Nội mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam (hay còn được biết là TikToker Mr Pips, SN 1990, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại Hà Nội) và 24 người khác về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "không tố giác tội phạm" và "rửa tiền".
Đến nay, công an thành phố đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc; thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỉ đồng. Bên cạnh đó, phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản. Hiện công an vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Công an TP Hà Nội yêu cầu người dân, nhà đầu tư đã đầu tư vào các website, sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trong đường dây của Phó Đức Nam và các đồng phạm thì liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự của Công an các địa phương để trình báo hoặc đến trực tiếp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội. "Khi chúng tôi điều tra chứng minh đó là tài sản bị lừa đảo, chiếm đoạt thì đương nhiên tài sản đó sẽ được trả lại cho bị hại", Thượng tá Cao Văn Thái, Đội trưởng Đội trọng án Công an TP Hà Nội thông tin
Theo cơ quan điều tra, từ khoảng năm 2019, Phó Đức Nam cùng với Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter; 34 tuổi, trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cấu kết với một nhóm đối tượng người nước ngoài để tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp. Nhóm này chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều công ty "ma", đặt trụ sở tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.
Các đối tượng đặt một công ty tại TP.HCM làm bình phong và khoảng 44 văn phòng tại Việt Nam (gồm 24 văn phòng ở Hà Nội, 20 văn phòng tại các tỉnh, thành khác). Công ty này không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Mỗi ngày, khoảng 1.000 nhân viên làm việc từ 8-21h. Các đối tượng tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Những trang mạng này về bản chất đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý. Mỗi sàn giao dịch đều kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.
Các đối tượng tuyển và phân công, phân cấp quản lý nhân viên trong công ty thành nhiều bộ phận (gồm kế toán, nhân sự, IT, kinh doanh và chăm sóc khách hàng...). Các bộ phận này hoạt động bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua Zalo, Telegram...để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của đường dây này là cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt. Ban đầu, Nam và đồng phạm dụ dỗ khách giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi rồi rút tiền được.
Sau đó, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách nâng vốn giao dịch. Khi nhà đầu tư thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản, các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật để họ tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để "gỡ". Cho đến khi khách không còn khả năng về tài chính, nhóm lừa đảo chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Bình luận