Không riêng Malaysia, đang có sự phản kháng ngày càng mạnh mẽ của các nước trong khu vực trước những động thái gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông – một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất trên thế giới.
Trung Quốc đối mặt sự phản kháng mạnh mẽ
Mặc dù chia rẽ về thỏa thuận thành lập liên minh AUKUS giữa Anh-Australia-Mỹ, nhưng thời gian gần đây, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ lập trường thống nhất trong việc phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 4/10, Malaysia đã triệu Đại sứ Trung Quốc Dương Ngọc Tịnh để phản đối sự hiện diện và hoạt động của tàu Trung Quốc, tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Đông. Đây là lần thứ 2 trong năm nay Malaysia triệu Đại sứ Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Malaysia khẳng định rằng, sự hiện diện của các tàu Trung Quốc, kể cả tàu khảo sát, tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở ngoài khơi Sabah và Sarawak đã vi phạm Luật về Vùng đặc quyền kinh tế 1984 của Malaysia, cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Động thái trên diễn ra một ngày sau khi tân Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố, nước này sẽ “không thỏa hiệp về chủ quyền” liên quan tranh chấp trên biển.
Trước đó vào tháng 6/2021, Malaysia cáo buộc các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vi phạm “chủ quyền và không phận” của nước này, đồng thời tuyên bố việc “có quan hệ ngoại giao hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào không có nghĩa là chúng tôi sẽ thỏa hiệp về an ninh quốc gia của mình".
Không riêng Malaysia, các quốc gia khác như Indonesia và Philippines cũng thực hiện những hành động cứng rắn tương tự để ngăn Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ. Điều đó cho thấy sự phản kháng ngày càng mạnh mẽ của các nước trong khu vực trước những động thái gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông – một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất trên thế giới.
Xem xét lại “chính sách ngoại giao im lặng”
Về mặt lịch sử, Malaysia có quan hệ tương đối thân thiết với Trung Quốc – đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của nước này trong những thập kỷ gần đây. Còn Bắc Kinh có vẻ như áp dụng cách tiếp cận bớt cứng rắn hơn đối với Malaysia trong vấn đề Biển Đông – nơi luôn có sự tranh chấp và đối đầu giữa các bên liên quan.
Đó là lý do tại sao, giới quan sát không mấy ngạc nhiên trước phản ứng của Malaysia đối với thỏa thuận thành lập liên minh AUKUS. Trong khi phần lớn các quốc gia, ngoại trừ Philippines – đồng minh của Mỹ, duy trì sự im lặng thì Malaysia lại công khai chỉ trích thỏa thuận, cho đây là diễn biến đáng lo ngại có nguy cơ gây bất ổn khu vực trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.
Tuy vậy, không thể phủ nhận thực tế là trong 3 năm qua, Malaysia đã dần xem xét lại “chính sách ngoại giao im lặng” với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, và bày tỏ lo ngại về cái gọi là ngoại giao “bẫy nợ” của Bắc Kinh.
Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad từng công khai chỉ trích các dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc thực hiện tại quốc gia này, đồng thời đưa ra lập trường cứng rắn hơn về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Dưới thời Mahathir, Malaysia đe dọa đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng Quốc tế, đồng thời chỉ trích yêu sách “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đưa ra nhằm tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông là “lố bịch”.
Bắt đầu từ tháng 12/2019, Malaysia đã tăng cường các hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Sau khi chính quyền Mahathir mãn nhiệm, Malaysia vẫn tiếp tục hoạt động này bất chấp sự thách thức từ phía Trung Quốc.
Không nhượng bộ trong tranh chấp trên biển
Năm 2020, trước sự việc tàu khoan thăm dò West Capella và các tàu khoan dầu khác được Kuala Lumpur thuê liên tục bị tàu Trung Quốc đe dọa, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein khi đó khẳng định rằng, nước này “vẫn kiên quyết trong cam kết bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông”. Không lâu sau đó, quốc vương Malaysia đã kêu gọi chính phủ nước này “thường xuyên chú trọng đến vấn đề hàng hải và áp dụng chiến lược hỗ trợ nguyện vọng địa chính trị của nhân dân”.
Tuần này, chính phủ Malaysia tái khẳng định “khi xác định lập trường và đường lối hành động của Malaysia trong vấn đề Biển Đông – một vấn đề phức tạp và liên quan đến quan hệ giữa các nước, lợi ích quốc gia của Malaysia vẫn là điều tối quan trọng”.
“Malaysia nhắc lại rằng tất cả các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, mang tính xây dựng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982”, tuyên bố cho biết thêm.
Để ngăn ngừa hành vi gây hấn của Trung Quốc, Malaysia đã tăng cường năng lực phòng thủ trong những tháng gần đây. Vào tháng 8 vừa qua, Hải quân Malaysia đã tiến hành cuộc tập trận “Taming Sari” kéo dài một tuần, với việc phóng thử thành công 3 tên lửa chống hạm để chứng minh khả năng phòng thủ ngày càng mạnh mẽ của nước này.
Cũng trong thời gian đó, Malaysia đã tham gia Cuộc diễn tập Hợp tác và Huấn luyện Đông Nam Á (SEACAT) gồm 21 nước. Cuộc tập trận này nhằm khuyến khích các quốc gia sử dụng lực lượng hải quân để tăng cường am hiểu về “môi trường hoạt động, xây dựng năng lực cho nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ luật cùng quy tắc quốc tế”.
Một vài tháng sau, không quân Malaysia đã tiến hành tập trận chung quy mô lớn với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ, khẳng định quan hệ hợp tác an ninh hàng hải vững chắc giữa hai nước.
Malaysia không đơn độc khi áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Philippines cũng theo đuổi đường lối ngày càng cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt khi Tổng thống Rodrigo Duterte đang ở những tháng cuối của nhiệm kỳ.
Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr – người công khai ủng hộ liên minh AUKUS và coi đây như một “đối trọng” với Trung Quốc, đã gửi công hàm phản đối các hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Chúng tôi phản đối việc Trung Quốc không ngừng hạn chế một cách bất hợp pháp các hoạt động đánh bắt của ngư dân Philippines tại Bãi cạn Scarborough”.
Tháng 9 vừa qua, Philippines và Mỹ, nhân kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT), đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng sau khi khôi phục hoàn toàn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA).
Lo ngại về hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp cũng như hành vi cản trở của Bắc Kinh đối với các hoạt thăm dò năng lượng, Indonesia thời gian gần đây cũng tăng cường tuần tra và hiện diện quân sự xung quanh quần đảo Natuna ở phía Nam Biển Đông – khu vực chồng lấn với yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra.
Bình luận