"Cả đời này tôi không bao giờ dám thức khuya nữa" - cô gái trẻ tên Tiêu Á (Trung Quốc) thốt lên đầy hối hận khi nhớ lại trải nghiệm kinh hoàng suýt mất mạng vì thức khuya. Một ngày nọ, khi đồng hồ điểm 3 giờ sáng, Tiêu Á vẫn miệt mài làm việc. Bỗng nhiên, cô thấy tim đập nhanh bất thường, sau đó là cơn tức ngực, khó thở, tay chân tê bì và toát mồ hôi lạnh.
Cảm giác ấy khiến cô hoảng sợ, nghĩ rằng mình sắp không qua khỏi. Cô cố gắng nhắm mắt để chợp mắt một lát nhưng bất thành. Tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn khi tầm nhìn của cô bắt đầu mờ đi, tai ù đặc, gần như không thể nghe thấy gì.
Nghi ngờ bản thân bị tụt đường huyết, trong cơn mê man, cô cố gắng gọi người hàng xóm nhờ đưa đến bệnh viện. Khi được đưa vào phòng cấp cứu, ý thức của Tiêu Á dần mất đi, toàn thân run rẩy, tê liệt và mất dần cảm giác.
Các bác sĩ nhanh chóng sơ cứu, đo huyết áp, nhịp tim, kiểm tra lượng đường trong máu và cho thở oxy. Lúc này, dù ý thức vẫn còn nhưng cơ thể Tiêu Á không còn nghe theo sự điều khiển của cô nữa, cô chỉ có thể nằm im bất lực nhìn cơ thể run lên bần bật.
Sau khi được truyền dịch, Tiêu Á dần cảm nhận được tay chân và cơ thể đang dần hồi phục. Lúc này, cô mới nhận ra cơ thể mình ướt đẫm mồ hôi, sắc mặt nhợt nhạt đến đáng sợ.
Do cơ thể quá yếu, nên cô phải tiếp tục thở oxy và ở lại bệnh viện để theo dõi. Qua tìm hiểu, bác sĩ phát hiện Tiêu Á thức trắng đêm trong suốt 2 tuần do bận công việc, thậm chí có hôm cô còn làm việc xuyên đêm.
"Đừng nghĩ rằng còn trẻ thì có thể thức khuya tùy ý. Công việc quan trọng đến đâu song đánh đổi bằng sức khỏe thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa", bác sĩ cảnh báo.
Thời điểm ngủ gây hại cơ thể
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người đã quen với việc ngủ muộn, họ thường dành thời gian để lướt điện thoại, xem phim và không hề hay biết rằng bản thân đang tự "bào mòn" sức khỏe. Vậy, ngủ muộn mấy giờ thì được coi là có hại cho cơ thể?
Theo nghiên cứu, thức khuya không được xác định bởi thời điểm cụ thể, mà là việc đi ngủ muộn hơn nhiều so với giờ giấc sinh hoạt thông thường, ví dụ như sau 10 giờ tối.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Bệnh viện Tim mạch Phụ Ngoại - Viện Khoa học Y học Trung Quốc và Đại học Trung Văn Hong Kong trên hơn 136.000 người trung niên và cao tuổi tại 26 quốc gia chỉ ra rằng, người ngủ muộn và thiếu ngủ có nguy cơ bị béo phì cao hơn, vòng eo cũng lớn hơn và việc ngủ bù vào ban ngày không thể loại bỏ hoàn toàn những nguy cơ này.
Nghiên cứu được thực hiện trên những người tham gia trong độ tuổi từ 35 đến 70, độ tuổi trung bình là 51. Họ được chia thành 5 nhóm dựa trên giờ đi ngủ:
Nhóm 1: Ngủ từ 18 giờ đến 20 giờ
Nhóm 2: Ngủ từ 20 giờ đến 22 giờ
Nhóm 3: Ngủ từ 22 giờ đến 0 giờ
Nhóm 4: Ngủ từ 0 giờ đến 2 giờ sáng
Nhóm 5: Ngủ từ 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng
Kết quả, người đi ngủ sau 22 giờ nguy cơ béo phì và béo bụng cao hơn 20% so với những người đi ngủ từ 20 giờ đến 22 giờ. Đặc biệt, những người đi ngủ sau 2 giờ sáng có nguy cơ béo phì tăng 35% và béo bụng tăng 38%.
Cũng theo nghiên cứu, ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm được coi là thiếu ngủ nghiêm trọng, điều này làm tăng 27% nguy cơ béo phì. Tóm lại, để đảm bảo sức khỏe, bạn nên đi ngủ trước 22 giờ mỗi ngày.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Đời sống Bắc Kinh và Viện Nghiên cứu Giao thoa Y sinh - Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) phát hiện ra rằng, thiếu ngủ gây hại lớn cho cơ thể, thậm chí có thể gây tử vong. Thức trắng quá 4 ngày liên tiếp thì tỷ lệ tử vong do cơ thể có phản ứng có thể lên tới khoảng 80%.
Bình luận