Nếu như đội tuyển Việt Nam có Đặng Văn Lâm thì U23 Việt Nam cũng có một gương mặt Việt kiều là Martin Lo. Họ đều là những cầu thủ mang dòng máu Việt Nam ở phương xa tìm về quê hương để gây dựng sự nghiệp khi còn rất trẻ.
Tất nhiên, Martin Lo còn phải đi một chặng đường dài để đạt được thành công như đàn anh. Việc được gọi lên U23 Việt Nam lần này mới là bước đầu tiên nhưng cũng có thể coi đó là phần thưởng cho những nỗ lực của tiền vệ này khi rời bỏ nước Úc, một mình tìm về quê hương với nguồn cảm hứng chính từ những thành công vang dội của đội tuyển Việt Nam.
- Xin chào Martin. Bạn có cả ba và mẹ người Việt Nam phải không? Chắc là bạn đã được nghe bố mẹ kể về quê hương nhiều từ trước khi đến đây chơi bóng.
Tôi từng về Việt Nam một lần, thăm quê ba mẹ ở Rạch Giá.
Từ khi còn nhỏ, tôi được ba mẹ nhắc rằng phải luôn ghi nhớ gia đình mình đi lên từ hai bàn tay trắng và phải biết ơn những gì mà nước Úc đã mang lại. Vì thế, Việt Nam trong suy nghĩ của tôi là một đất nước nghèo khó. Khi về thăm quê tôi cũng cảm nhận như vậy. Mọi người sống ở vùng nông thôn với điều kiện thiếu thốn.
Nhưng tôi đã được đi tới cả những vùng khác trên đất nước Việt Nam nữa và tôi biết rằng không phải nơi nào cũng như vậy. Việt Nam đã phát triển rất nhiều rồi.
- Bạn đã đến với bóng đá như thế nào vậy? Trở thành cầu thủ chuyên nghiệp có phải là ước mơ của bạn từ nhỏ?
Tôi bắt đầu chơi bóng từ năm lên 7 tuổi. Khi còn nhỏ, tôi và các anh trai đi tập bóng đá chỉ cho vui thôi. Chúng tôi gia nhập một đội bóng ở địa phương. Sau một thời gian, chúng tôi nhận thấy rằng mình có năng khiếu dù chưa tập luyện nghiêm túc và chúng tôi có thể theo nghiệp này nếu tập luyện tử tế. Chúng tôi đã xem những cầu thủ chuyên nghiệp trên TV và muốn được như họ.
- Ba mẹ có định hướng cho bạn theo một nghề nào khác không?
Ba mẹ tôi cũng chưa từng bắt tôi phải chọn nghề nào cả. Họ chỉ muốn chúng tôi đến trường và học thật giỏi. Tôi nghĩ, ba mẹ cũng không muốn tôi và anh trai trở thành cầu thủ đâu, nhưng sau khi biết đấy là giấc mơ của chúng tôi thì họ hoàn toàn ủng hộ.
- Hành trình trở thành cầu thủ ở Úc diễn ra như thế nào?
Rất vất vả và đó gần như là toàn bộ thời niên thiếu của tôi. Không giống ở Việt Nam, ở Úc có rất nhiều học viện bóng đá tư nhân để trẻ em có thể tập luyện và phải trả tiền. Nhưng nếu không có đủ tiền trang trải thì phải tìm cách khác. Tôi chỉ có đủ điều kiện để tập theo từng buổi thôi.
Mới đầu tôi là một thủ môn. Nhưng thấy đội bóng của mình ghi bàn liên tục, tôi lại muốn được là một phần trong đó. Vì thế, tôi đề nghị huấn luyện viên cho đổi sang làm tiền đạo. Hồi đó, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ và đá bóng không vì chuyện thắng thua, chỉ cho vui thôi. Ai cũng muốn và có thể ghi bàn.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khoảng thời gian tập ở đội trẻ Western Sydney. Tôi tập cùng với nhiều cầu thủ nổi tiếng ở đó, như Shinji Ono (cựu tuyển thủ quốc gia Nhật Bản) hay Aaron Mooy bây giờ đang đá cho Huddersfield Town. Tôi học được rất nhiều điều từ họ và tôi nghĩ đó cũng là những kinh nghiệm quý báu để làm hành trang đến Việt Nam.
- Lần đầu tiên bạn được gợi ý về Việt Nam chơi bóng là lúc nào?
Trước khi ký hợp đồng với Western Sydney, tôi nhận được đề nghị về Việt Nam chơi bóng lần đầu tiên. Tôi chưa bao giờ nghe đến V-League. Khi đó, tôi vẫn đang ở đội trẻ và tìm kiếm cơ hội lên đội chính. Về Việt Nam có vẻ không phải là một ý tưởng hay và có thể sẽ đóng sập cánh cửa lên đội một ở Úc.
- Từ khi nào bạn bắt đầu tìm hiểu về bóng đá Việt Nam vậy?
Chắc khoảng 1 năm trước. Khi đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về những giải đấu ở nước ngoài vì tôi biết là mình có rất nhiều thứ có thể học được từ những nền bóng đá khác. Sau khi về quê, tôi lại có ý nghĩ "tại sao không thử sức ở Việt Nam nhỉ?". Và thế là, tôi theo dõi đội tuyển Việt Nam thi đấu và rất muốn đến tận nơi, xem bóng đá Việt Nam như thế nào.
- Bạn từng nói rằng, đội tuyển Việt Nam truyền cảm hứng cho bạn tìm về quê hương để chơi bóng. Cảm giác đó thế nào vậy?
Tôi thấy rất phấn khích và cũng tự hào nữa. Tôi cũng là người Việt Nam giống như họ. Đội tuyển Việt Nam giành được những thành công trong năm qua và càng ngày càng tiến bộ.
Ở Úc, người ta không nghĩ là người Việt Nam có thể đạt được một thành công gì đó đâu, nhất là thể thao.
Tiền đạo Martin Lo, CLB Phố Hiến
Ở Úc, người ta không nghĩ là người Việt Nam có thể đạt được một thành công gì đó đâu, nhất là thể thao. Nếu bạn là người Việt Nam và bạn chơi bóng đá thì người ta sẽ nghĩ bạn khó mà trở thành một cầu thủ giỏi. Có thể là vì chúng ta có thể hình nhỏ bé.
Đối với tôi, được thấy những người Việt Nam thành công là một niềm hạnh phúc và nó khiến tôi có suy nghĩ rằng, phải chứng tỏ người Việt Nam có thể đá bóng rất giỏi.
- Nếu theo dõi đội tuyển Việt Nam thi đấu thì chắc bạn cũng cảm nhận được sự cuồng nhiệt của người hâm mộ cả nước.
Tôi nghĩ ở Việt Nam, người dân cuồng nhiệt với bóng đá nhiều hơn. Người Việt Nam tự hào về những thành tích của đội tuyển ở giải quốc tế. Ở Úc, khó mà được như vậy vì dân cư có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau.
Không phải ai cũng thích bóng đá và không phải ai cũng hâm mộ đội Úc, vì thế khó mà có lực lượng cổ động viên đồng lòng như ở Việt Nam.
- Bạn cân nhắc nghiêm túc về việc tìm kiếm cơ hội sự nghiệp ở Việt Nam từ bao giờ?
Có lẽ khoảng 1 năm trước. Tôi nghĩ rằng có lẽ mình nên thử sức ở Việt Nam. Tôi gần như chẳng biết gì về đất nước này, nhưng có gì đó trong tôi nói rằng mình cần đến đó thử xem sao.
Anh trai tôi là người khơi ra ý tưởng đó và muốn cùng tôi đến Việt Nam. Kế hoạch là vậy nhưng rồi anh ấy lại bận việc và phải ở lại Mỹ nên cuối cùng tôi tự đi một mình.
Tôi có kể cho ba mẹ rồi nhưng họ không nghĩ là tôi có ý định nghiêm túc. Phải đến khi tôi mua vé về Việt Nam, ba mẹ mới hiểu là tôi đi thật. Họ rất bất ngờ khi thấy tôi tự mình làm mọi thứ và chỉ dặn tôi là hãy bảo trọng.
Ba mẹ lo rằng tôi không hợp thức ăn, dễ bị ốm hoặc gặp phải trộm cướp hay những người muốn lợi dụng tôi. Họ không về Việt Nam cả chục năm rồi nên không biết đất nước đã thay đổi ra sao. Vì thế, khi đến đây, tôi đã chụp ảnh gửi về để cho ba mẹ biết rằng ở Việt Nam có những nơi chẳng khác gì Úc cả.
- Việc tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam bắt đầu thế nào?
Khi mới đến tôi chả biết ai, chỉ đi tập cùng một người tên là Hùng ở TP.HCM, tôi không chắc gọi tên như vậy đúng không nữa. Tôi được giới thiệu người đó từ trước và tìm đến ông ấy. Tôi chỉ đá mấy trận phủi cho vui thôi. Mọi người cứ rủ tôi đá cùng, rồi có người giới thiệu tôi thử việc ở các đội chuyên nghiệp V-League.
Đội bóng đầu tiên mà tôi đến thử việc là Bình Dương. Lúc đó tôi chưa làm xong thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam và CLB cũng không giúp được gì cả. Phải đến khi tôi gia nhập đội Phố Hiến thì CLB mới hỗ trợ tôi. Tôi rất cảm ơn đội bóng vì điều đó.
Video: Martin Lo ghi 2 bàn cho Phố Hiến trong trận đấu với An Giang
- Người kết nối bạn đến CLB Phố Hiến là ai vậy?
Ở TP.HCM, tôi gặp 1 người là ông Đại (Trần Tiến Đại – PV). Ông ấy xem tôi đá, biết tôi muốn tìm đội bóng và ngỏ ý muốn giúp tôi. Ông giới thiệu tôi với thầy Vinh (HLV Hứa Hiền Vinh - PV) và thầy Vinh bảo tôi đến đây tập thử.
Ông Đại là người giúp đỡ tôi rất nhiều và tôi cảm kích điều đó. Khi tôi mới đến Việt Nam ông ấy như một cố vấn vậy. Ông ấy chỉ cho tôi cách để làm một cầu thủ chuyên nghiệp và làm những gì để tốt cho bản thân. Ông ấy rất tốt, đối xử với tôi như một người bình thường rồi trên tư cách cầu thủ. Tôi biết sức khỏe ông ấy bây giờ đang không được khỏe và tôi chúc ông ấy sẽ khỏe lên.
- Có nhiều cầu thủ từ nước ngoài đến đây và thất bại vì đánh giá quá thấp V-League. Chất lượng bóng đá ở Việt Nam cao hơn hay thấp hơn so với tưởng tượng của bạn?
Tôi cũng có chút tự hào vì có thể nói rằng ở Việt Nam người ta đang làm bóng đá rất tốt.
Martin Lo
Cao hơn rất nhiều. Tôi đã rất ngạc nhiên với chất lượng giải đấu ở đây. Tôi cũng có chút tự hào vì có thể nói rằng ở Việt Nam người ta đang làm bóng đá rất tốt.
Tôi nghĩ có những cầu thủ đến Việt Nam nghĩ rằng họ đủ giỏi để thành công và thái độ đó không giúp ích gì cho họ. Nếu những người khác như tôi muốn trở về Việt Nam, tôi nghĩ họ phải đến trước để hiểu về Việt Nam đã, vì bóng đá và cuộc sống ở đây rất khác.
- Cảm giác của bạn như thế nào khi thử việc thành công ở Phố Hiến?
Tôi rất hạnh phúc vì tôi đến đây để làm thế mà. Bố mẹ tôi cũng yên tâm hơn vì họ đã chứng kiến tôi bỏ lại sau lưng mọi thứ để đến đây tìm kiếm cơ hội. Họ rất vui và tôi cũng vậy. Tôi không muốn trở về Úc mà không được một bản hợp đồng nào.
Trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ vì tôi nói Tiếng Việt không sõi lắm Nhưng tôi vẫn đang học và nói tốt lên nhiều rồi. Ngoài ra cách sống của người Việt và Úc cũng rất khác nhau nữa. Bóng đá cũng vậy. Tôi vẫn đang cố gắng thích nghi.
- HLV Park Hang Seo và các trợ lý đã đến xem các trận đấu của Phố Hiến nhiều lần và bây giờ bạn đã được gọi lên đội tuyển U23 Việt Nam. Bạn có nghĩ một ngày nào đó mình cũng được giống như Đặng Văn Lâm, một cầu thủ Việt kiều tìm về quê hương và gặt hái được thành công?
Điều đó thật tuyệt. Ông ấy phải theo dõi rất nhiều cầu thủ để chọn ra người tốt nhất cho đội tuyển quốc gia. Đến sân quan sát cầu thủ, đó là công việc của ông ấy. Phần việc còn lại là chúng tôi phải thể hiện mình.
Tất nhiên đó cũng là mục tiêu của tôi. Nhưng rõ ràng là nó không thể đến ngay ngày mai được. Đặng Văn Lâm cũng phải trải qua vài năm và tôi không mong đợi mình có thể làm được điều đó ngay. Tôi tự nhủ là hãy cứ cho mình thời gian.
- Cảm ơn Martin Lo về cuộc trò chuyện!
Bình luận