Thông thường, bánh gai thường được gói với kích cỡ bằng hai bàn tay. Nhưng tại thôn Điềm Tây (xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), bánh được gói với kích thước to gấp 6 lần bánh gai thông thường, tương đương trọng lượng một chiếc bánh chưng 1,8 - 2kg.
Kỳ công như gói bánh gai làng Điềm Tây
Theo các cụ cao niên kể lại, những chiếc bánh gai đầu tiên làm ở làng Điềm Tây (xưa gọi là Điềm Xá) có lẽ phải từ thế kỷ XI. Cũng như bánh chưng, bánh gai ở đây tượng trưng cho đất, bánh hình vuông và có màu đen.
Thường sau ngày Táo quân chầu trời (23 tháng Chạp), trong thôn nhà nào nhà ấy cũng tấp nập chuẩn bị cho nồi bánh gai, nào là chọn gạo nếp, đỗ xanh ngâm trước, rồi chọn lá chuối, chuẩn bị củi lửa và chiếc nồi thật to để luộc bánh.
Ông Vũ Công Tâm (46 tuổi) hồ hởi khoe: “Năm nào nhà tôi cũng gói đến mấy chục cái bánh, rải hết cả ra nhà, xong rồi thức suốt đêm để luộc bánh gai. Bánh gai biếu tặng mọi người ở xa, ai cũng ngạc nhiên vì lần đầu được thấy một chiếc bánh gai to đến vậy.”
Bánh gai làng Điềm đặc biệt không chỉ bởi kích thước to, mà còn bởi công đoạn làm bánh kỳ công. Để làm ra chiếc bánh này, người dân phải tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khi bánh thành hình. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn và cả con mắt nghề lâu năm của người làm bánh.
Mỗi chiếc bánh gai là một tác phẩm nghệ thuật, còn bàn tay người thợ làm bánh không khác nào một nghệ nhân. Bánh ngon phải được làm từ những nguyên liệu hoàn hảo. Gạo để làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng, xay lọc lấy bột mịn, sau đó trộn với mật mía rồi và đem vào cối đá giã cho thành một khối nguyên liệu dẻo, mịn, có màu đen bóng của lá gai.
Người dân thôn Điềm Tây thường trồng một vài cây gai trong vườn nhà. Vào khoảng mùa thu, họ sẽ thu hái lá phơi khô để chuẩn bị cho Tết. Lá gai được hái phải là những chiếc lá vừa tới, không quá già và cũng không quá non. Lá được ngấm mùi đất, hơi sương ở đây mới tạo nên loại bánh tuyệt vời này.
Nhân bánh gai cũng như các loại bánh khác bao gồm đỗ xanh bỏ vỏ, đun kĩ rồi xay nhuyễn. Ngoài ra khi làm bánh còn cần tới mật mía loại ngon nhất, thịt lợn nạc, dừa nạo thành sợi mỏng, vừng rang thơm vàng… tẩm ướp cùng một chút dầu chuối. Sau đó, người làm bánh ve tròn bánh, cho nhân vào giữa, rắc vừng rồi gói vào lá chuối khô đã làm sạch. Bánh sau đó được đem đồ trên bếp củi khoảng 5-7 giờ đồng hồ mới chín.
Bà Nguyễn Thị Tâm (55 tuổi) chia sẻ: “Một chiếc bánh đạt yêu cầu là thịt bánh phải vừa dẻo mịn, vừa thơm đặc trưng của lá chuối tiêu, hòa quyện với vị dịu mát của lá gai, gạo nếp và mật mía, phảng phất hương thơm nồng của dầu chuối, thêm cái ngọt thanh thanh của nhân đậu, bùi bùi của dừa khô, đậm đà của thịt nạc… Đây cũng chính là bí quyết gia truyền làm nên hương vị thơm ngon, đặc trưng của bánh gai làng Điềm".
Thấy bánh gai là thấy Tết
Chị Nguyễn Thị Hường (37 tuổi, xã Minh Phượng, Tiên Lữ) nói: "Trước đây nhà nào cũng gói bánh gai để ăn Tết nhưng thời gian gần đây chỉ còn một vài nhà giữ được phong tục này. Nghề làm bánh được các cụ truyền lại nên gia đình tôi cũng duy trì.”
Vì bánh làm cầu kì, ngày thường không phải lúc nào cũng có nên bọn trẻ trong làng đứa nào cũng mong chờ đến Tết để được ăn bánh gai "siêu to khổng lồ". Ăn xong miệng đứa nào đứa ấy cũng đen nhẻm, bọn trẻ cứ thế nhìn nhau phá lên cười.
Với những người con Điềm Tây bao năm bôn ba nơi xa xứ, ký ức về những chiếc bánh gai ngày Tết luôn là nỗi nhớ tuổi thơ ngọt ngào nhất. Ngày nay, khi cuộc sống đủ đầy, muốn ăn bánh gai lúc nào cũng có, mua bao nhiêu cũng được, việc gói bánh ở mỗi gia đình ngày càng ít đi, nhưng cuối năm dù ít dù nhiều nhà nào trong thông cũng gói một vài chiếc để dâng lên ông bà tổ tiên.
Trong không khí linh thiêng của đất trời, giữa việc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, những chiếc bánh gai được dâng lên ông bà tổ tiên thật trang trọng. Những chiếc bánh gai nóng hổi đang bốc hơi nghi ngút, hương thơm ngào ngạt của lá chuối, gạo đỗ, được dâng lên tổ tiên bằng tất cả tấm lòng thành kính, mang theo hy vọng về một năm mới ngập tràn niềm vui và may mắn.
Bình luận