Trong bối cảnh thế giới chao đảo trước làn sóng tấn công dữ dội của đại dịch COVID-19, nhu cầu có vaccine để ngăn chặn dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều này được xem là cơ hội cho nhiều nước, nhất là những quốc gia có thế mạnh về sản xuất vaccine giá rẻ như Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, tìm kiếm vai trò, vị thế lớn hơn trên trường quốc tế.
Cạnh tranh khốc liệt
Cạnh tranh giữa các quốc gia nghèo hơn để có được vaccine giá rẻ hoặc miễn phí để chống lại đại dịch COVID-19 được xem là “cơ hội vàng” để Trung Quốc củng cố mối quan hệ tại các thị trường mới nổi mà nước này thèm muốn trong nhiều năm. Ban đầu, Bắc Kinh dường như đã thiết lập được một vị trí vững chắc trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng đối với các nước thông qua ngoại giao vaccine. Nước này đã ngăn được sự lây lan đại dịch COVID-19 trong nước, đồng thời đẩy nhanh quá trình sản xuất các liều vaccine để tung ra thế giới, giới thiệu đến các nước nghèo.
Trong khi đó, Ấn Độ đang phải vật lộn chống một trong những đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất thế giới, với gần 100.000 ca nhiễm mỗi ngày. Chưa hết, việc đóng cửa toàn quốc để chống dịch khiến kinh tế nước này rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau 25 năm.
Tuy nhiên, các công ty dược phẩm Trung Quốc tỏ ra thận trọng chia sẻ chi tiết về các thử nghiệm vaccine - yếu tố để xây dựng lòng tin của công chúng toàn cầu. Và đợt bùng phát dịch mới đây ở trong nước khiến cho nhu cầu tiêm chủng cho 1,4 tỷ dân nước này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh này, Ấn Độ đã gửi hàng triệu liều vaccine đến các nước láng giềng Nepal, Bangladesh và Sri Lanka, cho phép họ bắt đầu tiêm chủng sớm hơn so với thời gian chờ đợi các liều vaccine từ Trung Quốc. Eran Wickramaratne, nhà lập pháp Sri Lanka, người đã nhận được một trong những mũi tiêm từ vaccine của Ấn Độ cho biết: “Nhờ món quà của họ, Sri Lanka đã có thể bắt đầu tiêm phòng ngay lập tức”.
Bloomberg cho biết, đến nay, New Delhi đã cung cấp gần 6,8 triệu liều vaccine miễn phí trên khắp thế giới. Trung Quốc cam kết khoảng 3,9 triệu liều, song nhiều trong số này vẫn chưa đến tay các nước được Bắc Kinh hứa hẹn.
Bắc Kinh và New Delhi từ lâu cạnh tranh giành ảnh hưởng ở châu Á và căng thẳng giữa hai nước gia tăng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong đó có cả cuộc đụng độ biên giới bạo lực nhất trong nhiều thập kỷ. Ấn Độ cấm hàng trăm ứng dụng của Trung Quốc, kêu gọi các nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc và tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản, Australia và Mỹ.
Tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc - hiện gần gấp 5 lần quy mô của Ấn Độ, cho phép Bắc Kinh tăng cường quan hệ với các nước nghèo hơn bằng cách cho vay hàng chục tỷ USD theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Nhưng COVID-19 đem lại cho Ấn Độ cơ hội ngoại giao để theo đuổi khát vọng trở thành cường quốc toàn cầu. Ngành công nghiệp dược phẩm quy mô lớn đưa quốc gia Nam Á này trở thành nhà cung cấp chính các loại thuốc thiết yếu cho thế giới. Giờ đây, nó cho phép Ấn Độ đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trường hợp điển hình là Myanmar, quốc gia bị rung chuyển bởi một cuộc đảo chính quân sự và có chung biên giới với cả Trung Quốc và Ấn Độ. Bắc Kinh hứa sẽ gửi khoảng 300.000 liều vaccine cho nước này nhưng đến nay vẫn chưa có gì, trong khi New Delhi nhanh chóng giao 1,7 triệu liều.
Lợi thế của Ấn Độ
Ashok Malik, cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết nước này sớm nhận ra năng lực sản xuất sẽ là yếu tố quan trọng đánh bại đại dịch. Năm ngoái, khi các nhà sản xuất Ấn Độ xuất khẩu loại thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine - được Tổng thống Donald Trump lúc bấy giờ quảng cáo, Thủ tướng Narendra Modi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới về việc cung cấp vaccine.
Trong khi Trung Quốc sớm ngăn dịch bệnh, Ấn Độ vẫn đang gồng mình chống dịch. New Delhi cũng vẫn sẽ cần vaccine để tiêm cho hơn 1 tỷ dân của mình. Tuy nhiên, năng lực sản xuất vaccine của nước này vượt xa khả năng tiêm chủng cho công chúng trong nước. Do đó, Ấn Độ có thể phân phối hàng triệu liều vaccine dư thừa để tạo dựng niềm tin, gây ảnh hưởng với các nước.
Ngay cả khi số người chết do COVID-19 ở Ấn Độ đã vượt qua 156.000 người, ít hơn rất nhiều so với 5.000 trường hợp chết được công bố chính thức ở Trung Quốc, New Delhi đã cam kết sẽ không tham gia vào chủ nghĩa dân tộc vaccine, ngăn chặn xuất khẩu vaccine.
Các nhà sản xuất vaccine trong nước được tự do bán cho các quốc gia giàu có hơn, song song với đó, Chính phủ Ấn Độ cam kết đảm bảo nguồn cung vaccine cho các quốc gia nhỏ hơn cũng như người dân. Giới chức Ấn Độ tổ chức các chuyến đi cho đại sứ các nước đến thăm các trung tâm dược phẩm ở Pune và Hyderabad, đồng thời đảm bảo với các nước láng giềng ở Nam Á, Ấn Độ Dương và thậm chí là Dominica và Barbados xa xôi rằng họ sẽ nhận được vaccine giá cả phải chăng và sẽ nhận được các lô hàng ban đầu miễn phí.
Kể từ đó, Ấn Độ xuất khẩu tổng cộng hơn 33 triệu liều vaccine - gấp ba lần số lượng tiêm chủng trong nước. Tốc độ tiêm chủng hiện ở Ấn Độ được xem là chậm chạp, vấp phải nhiều chỉ trích, người dân cũng đã tìm kiếm lựa chọn mới cho việc tiêm chủng tại các phòng khám tư nhân.
Ngay cả ở những nước láng giềng với Trung Quốc, Ấn Độ đang giành lợi thế trong việc phân phối vaccine. Thủ tướng Mông Cổ đã được tiêm vaccine của Ấn Độ. New Delhi đã cung cấp miễn phí 150.000 liều cho Mông Cổ. Ngược lại, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại sử dụng vaccine của Trung Quốc.
Ngành công nghiệp vaccine của Ấn Độ - đang cung cấp lô hàng cho cả các nền kinh tế đang phát triển và phát triển, thậm chí thúc đẩy quan hệ với một số quốc gia công nghiệp vốn đang gặp khó khăn trong nhận các liều vaccine phương Tây. Canada mới đây cũng đã yêu cầu Viện Huyết thanh Ấn Độ xúc tiến, cung cấp cho nước này các chuyến hàng vaccine.
Cả vaccine do Ấn Độ sản xuất và của Trung Quốc đều bị chỉ trích là có khả năng kém hiệu quả hơn vaccine do Pfizer và Moderna phát triển. Ấn Độ hiện phân phối vaccine Covishield, Oxford-AstraZeneca, được sản xuất trong nước và xuất khẩu vaccine Covaxin để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.
Nhu cầu tiêm vaccine tại Ấn Độ dự kiến sẽ tăng khi Covaxin nhận được sự chấp thuận theo quy định và Phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Reddy có trụ sở tại Hyderabad bắt đầu phân phối vaccine của Nga - Sputnik V. Tập đoàn Sinopharm của Trung Quốc, Công ty Công nghệ sinh học Sinovac, CanSino… xuất khẩu các liều vaccine sang các nước gồm UAE, Maroc, Indonesia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil để thử nghiệm lâm sàng. Bắc Kinh còn hứa cung cấp viện trợ vaccine cho hơn 10 nước khác.
Các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể bắt đầu tiêm chủng cho các nhóm nguy cơ cao với các mũi tiêm giá rẻ và phong phú có tỷ lệ hiệu quả thử nghiệm đạt 60% hoặc 70%. Điều này được xem là tốt hơn so với việc chỉ nhận được một lượng nhỏ vaccine đắt trong khi phải chờ đợi trong nhiều tháng.
Thế giới hưởng lợi
Các quốc gia đang phát triển cũng sẽ được tiếp cận với hàng triệu liều vaccine từ sáng kiến COVAX, một chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu nhằm giúp các nước nghèo hơn có vaccine. COVAX đặt mục tiêu cung cấp gần 150 triệu liều trong quý 1/2021 và 2 tỷ liều vào cuối năm nay.
Trong khi các công ty dược phẩm phương Tây chủ yếu tập trung cung cấp vaccine cho các quốc gia giàu, vốn đang vật lộn để ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19, thì nhiều quốc gia nghèo hơn sẽ nhờ cậy vaccine giá rẻ và miễn phí từ Trung Quốc và Ấn Độ để thực hiện chiến dịch tiêm chủng.
Đối với Trung Quốc, vaccine miễn phí có thể giúp làm giảm căng thẳng của nước này đối với các nước sau các xung đột địa chính trị gần đây, chẳng hạn như tuyên bố chủ quyền yêu sách lãnh thổ phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết tài trợ 500.000 liều vaccine cho Philippines. Giám đốc mua sắm vaccine của Philippines - Carlito Galvez, cho biết Manila nên "gạt sang một bên những khác biệt với Bắc Kinh về các yêu sách hàng hải cạnh tranh, song cũng nhấn mạnh sẽ không thỏa hiệp".
Pakistan - đối thủ không đội trời chung của Ấn Độ - nhận được 70 tỷ USD tài trợ của Trung Quốc cho dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Giống như Brazil, Pakistan đã cho các nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc cơ hội thực hiện các thử nghiệm lâm sàng.
Trung Quốc cũng đang thành công ở châu Phi và Mỹ Latinh - những khu vực đầu tư chính của Bắc Kinh. Hồi đầu tháng 2, Bắc Kinh gửi viện trợ vaccine cho hơn 10 quốc gia, trong đó Zimbabwe và Guinea Xích Đạo.
Cuối cùng, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ để cung cấp vaccine, đặc biệt là cho các quốc gia - nơi lợi ích chiến lược của họ chồng chéo lên nhau, có khả năng không chỉ giúp ích cho các quốc gia đó mà còn cả thế giới.
Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York cho biết: “Trung Quốc đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong chính sách ngoại giao vaccine của nước này. Đó là điều tốt”.
Bình luận