Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cảnh báo đi ngủ với chiếc bụng rỗng không phải là một chiến thuật giảm cân đúng.
Theo chuyên gia này, đói bụng khiến chúng ta khó ngủ, thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc. Và cơ thể lúc đó luôn muốn được cung cấp năng lượng từ thực phẩm do thiếu ngủ. Kết quả là những đêm thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc sẽ càng khiến chúng ta có nguy cơ ăn nhiều hơn.
“Đi ngủ với tình trạng hơi đói một chút sẽ giữ các hormone như insulin ở mức thấp và có thể giúp giảm cân. Nhưng nếu đói quá, bạn ăn nhiều vào ngày hôm sau và đem đến tác dụng ngược lại”, TS Sơn lưu ý.
Đặc biệt, nếu bệnh nhân tiểu đường để bụng quá đói trước khi đi ngủ có thể dẫn đến cơn hạ đường huyết ban đêm, khiến não bị thiếu năng lượng, làm tăng nguy cơ chết não hoặc tử vong ban đêm.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, thiếu ngủ có thể dẫn đến các phản ứng tiêu cực khác, bao gồm làm chậm tốc độ trao đổi chất, tăng cảm giác thèm ăn, suy yếu hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư cũng như tiểu đường.
TS Sơn lưu ý đi ngủ mà không ăn tối có thể khiến bạn bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết để chuyển hóa protein thành cơ bắp. Khi đó, cơ thể bạn sẽ bắt đầu sử dụng cơ bắp tạo ra năng lượng để thay thế. Do vậy, nếu việc bị đói bụng diễn ra trong thời gian dài, bạn có thể sẽ mất đi khối cơ.
Để giảm cân an toàn, bạn nên ăn các món nhẹ giàu chất dinh dưỡng (khoảng 150 calo) trước giờ đi ngủ. Tập luyện và một bữa ăn nhẹ, lành mạnh trước khi đi ngủ có thể thúc đẩy hiệu quả quá trình giảm cân.
“Bạn nên đánh giá mức đói của bạn theo thang điểm từ 1-10 (với 10 điểm là rất đói). Nếu cơn đói của bạn ở dưới 5 hoặc thấp hơn, bạn chỉ cần uống một cốc nước và đi ngủ. Nếu cơn đói của bạn đến 6 hoặc cao hơn, bạn nên nếm thử một bữa ăn nhẹ thỏa mãn, khoảng từ 100-200 calo”, TS Sơn khuyến nghị.
Các loại thực phẩm có thể ăn trước khi đi ngủ như khoai lang, chuối, hạnh nhân, sữa và chế phẩm từ sữa, rau củ…
Video: 8 hiểu lầm về giảm cân nhiều người mắc phải
Bình luận