• Zalo

Ngộ độc thực phẩm từ những suất ăn trưa bẩn

Sức khỏeThứ Năm, 29/10/2015 08:18:00 +07:00Google News

Trong vòng 1 tháng, 13 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khiến 813 người đi viện, phần lớn do ngộ độc từ những suất ăn trưa.

(VTC News) – Trong vòng 1 tháng, 13 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khiến 813 người đi viện, phần lớn do ngộ độc từ những suất ăn trưa.

Theo Cục An toàn thực phẩm, tính riêng từ ngày 25/9 đến 25/10, cả nước đã có 13 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 813 người mắc và đi viện, không có ca tử vong.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.077 người mắc, 21 người tử vong.
Công nhân ngộ độc do suất ăn trưa không đảm bảo. (ảnh: NLĐ)
Riêng ngộ độc từ bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người mắc, 2.268 người đi viện.  70% vụ ngộ độc này do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn cung cấp suất ăn cho công nhân không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu do thức ăn bị nhiễm khuẩn sau quá trình vận chuyển nên phải bảo quản thức ăn. Còn lại tỷ lệ 30% ngộ độc do bếp ăn tại chỗ.

Trong số 13 vụ ngộ độc từ cuối tháng 9 đến nay, có 7 vụ ngộ độc do vi sinh vật (điều kiện bảo quản thực phẩm không đảm bảo…), 3 vụ do độc tố tự nhiên (như ăn cóc, nấm độc…) và 3 vụ chưa xác định nguyên nhân.

Số vụ và ca mắc trên tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vào giai đoạn chuyển mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi để nhiều vi sinh vật phát triển, nếu không đảm bảo vệ sinh thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc rất cao.

Mới đây, ngày 21/10, các bệnh viện lớn tại Bình Dương đã phải tiếp nhận cấp cứu hàng trăm công nhân Công ty Giày Vĩnh Nghĩa (chuyên may giày da đóng tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) nghi do ngộ độc thực phẩm.

Các công nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng và nhức đầu… Thậm chí có công nhân sùi bọt mép, tím tái. Phía bệnh viện điều trị cấp tốc, cho công nhân uống thuốc chống nôn, theo dõi huyết áp,…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hiện khẩu phần ăn của người lao động tại các khu công nghiệp còn quá thấp chỉ khoảng 9.000- 11.000 đồng.
Với chi phí như vậy, suất ăn sẽ không đảm bảo dinh dưỡng cho công nhân.

Để quản lý chất lượng suất ăn tại các khu công nghiệp, ông Phong cho rằng: Lỗi gây ngộ độc thực phẩm do đơn vị  cung cấp suất ăn, do sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của đơn vị phụ trách về an toàn thực phẩm ở địa phương.

Có những vụ việc không báo cáo kịp thời lên Cục An toàn thực phẩm, chúng tôi đã cử người  xuống kiểm tra sau khi biết thông tin. Đồng thời, Cục đã đôn đốc  địa phương, đơn vị quản lý an toàn thực phẩm ở những địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm lên Cục.

Theo quy định, sau 24 giờ, nếu địa phương có ngộ độc thực phẩm, phải báo cáo gấp về vụ việc. Và chỉ những đơn vị có đủ giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh mới được cung cấp thức ăn nhưng sau 1 thời gian dài, một số đơn vị đã không tuân thủ đầy đủ quy định này.

Bà  Trần Việt Nga, Phó cục trưởng cục An toàn thực phẩm cho biết: Bộ Y tế đã điều tra và khẩu phần ăn quá thấp chưa nói đến việc có đủ dinh dưỡng hay không.

Chúng tôi có khuyến nghị với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp thức ăn nhưng cũng rất khó để thay đổi vì chi phí suất ăn cho công nhân đã được chủ và người lao động thỏa thuận. Nếu tăng khẩu phần ăn thì lương sẽ giảm, mà công nhân thì không muốn giảm lương. Công nhân chấp nhận khẩu phần ăn thấp để tăng lương lên.

Ngoài ra, rất khó để chốt giá cả suất ăn vì tùy theo từng mùa, từng khu vực mà giá cho mỗi suất ăn sẽ khác nhau.

Bà Nga chia sẻ: Có người từng là công nhân nói với tôi, không dám quay lại đời công nhân nữa vì bữa ăn chỉ vài ngàn. Thậm chí, sau bữa ăn cơm ở nhà máy thì về nhà chỉ  dám ăn quả trứng luộc với cơm.

Cục sẽ tuyên truyền để doanh nghiệp thấy rằng, nếu cung cấp suất ăn đủ dinh dưỡng cho công nhân thì năng suất lao động sẽ tăng, theo đó, lợi nhuận tăng theo. Bản thân người lao động cần được nâng cao kiến thức về sự  cần thiết của việc đảm bảo dinh dưỡng với sức khỏe cá nhân.

Ngoài ra, ở nhà máy cũng cần có tổ  chức giám sát việc mua nguyên liệu thực phẩm. Cơ quản lý cần tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn nữa.

» Ăn nhầm so biển, chết như chơi
» Những thực phẩm ăn vào sẽ bị ngộ độc
» Cách hay tránh ngộ độc mùa hè
» Anh nông dân chán đời chỉ thích ăn kim loại
» Làm ngay những việc này để tránh ngộ độc


Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn