Theo các nhà khoa học, nhóm 7 du khách người Đức đến Cape Town, Nam Phi - những người trong độ tuổi từ 25 đến 39, đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 vào khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 với biến thể Omicron. Tất cả họ chỉ bị các triệu chứng nhẹ đến trung bình và không cần nhập viện.
Trong nhóm, 6 người đã được tiêm chủng đầy đủ với vaccine Pfizer-BioNTech, và 5 người được tiêm mũi Pfizer tăng cường, 1 người được tiêm mũi Moderna tăng cường.
Người thứ 7 tiêm liều thứ nhất là vaccine AstraZeneca, liều thứ hai và thứ ba của Pfizer. Cả 7 người đều chưa từng được báo cáo mắc COVID-19 trong quá khứ.
Họ bị nhiễm virus khoảng 1-2 tháng sau khi tiêm mũi tăng cường.
Wolfgang Preiser, nhà virus học tại đại học Stellenbosch và là một trong những đồng tác giả, nói với Reuters rằng nghiên cứu cho thấy Omicron có khả năng lây lan và gây ra bệnh có triệu chứng ngay cả khi con người đã tăng cường miễn dịch. Ông cho biết thêm nghiên cứu hiện đang được đánh giá đồng cấp.
Trong khi đó, theo Cơ quan An ninh y tế Anh, tại một nghiên cứu thực tế lớn hơn nhiều trên 581 người ở Anh, các nhà khoa học đưa ra kết luận rằng sau khi hiệu quả của vaccine giảm, liều tăng cường giúp khôi phục đáng kể khả năng bảo vệ của vaccine chống lại bệnh nhẹ do biến thể Omicron gây ra.
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 được báo cáo lần đầu ở châu Phi vào khoảng đầu tháng 11. Các nhà khoa học cho rằng biến thể dễ lây lan hơn, nhưng chưa đưa ra kết luận chính xác về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà nó gây ra.
Hiện tiêm chủng vẫn được nhận định là công cụ thiết yếu trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Ông Preiser nói: “Nó vẫn bảo vệ mọi người khỏi bị bệnh nặng và tử vong: Chúng tôi khá chắc chắn về điều đó... Tuy nhiên,bức tranh đang xuất hiện bây giờ là loại virus này rất có khả năng phá hoại phản ứng miễn dịch ... (vì vậy) rõ ràng là chúng ta sẽ cần chỉnh sửa vaccine".
Bình luận