Truyền thống Vu lan báo hiếu có từ thời Đức Phật tại thế. Một trong các đại đệ tử của ngài, tôn giả Mục Kiền Liên, nhờ có phép thần thông mà nhìn thấy người mẹ đã qua đời của mình – bà Thanh Đề - trở thành quỷ đói, chịu đọa đày trong ngục A Tỳ. Xót mẹ, ông mang cơm vào ngục dâng lên. Do đói khát và bản tính tham lam, bà Thanh Đề một tay bốc cơm, một tay che bát các cô hồn khác koir tranh cướp. Nhưng cơm vừa đưa lên miệng bà đã hoá lửa đỏ.
Bà kêu: “Mục Kiền Liên con ơi, con hãy về cầu xin Phật tìm cách cứu mẹ”. Khi nghe đệ tử trình bày, Đức Phật nói rõ, Mục Kiền Liên dù thần thông cũng không cứu nổi mẹ mình. Cần chờ đến rằm tháng bảy, khi chư tăng kết thúc 3 tháng an cư tu tập, nhờ họ hợp lực làm lễ hồi hướng cầu siêu cho bà Thanh Đề.
Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo và bà Thanh Đề thoát khỏi địa ngục. Pháp Vu lan bồn từ đó tiếp tục được áp dụng để cứu nhiều linh hồn khác.
Trong lễ Vu lan của người Việt Nam có nghi thức bông hồng cài áo. Nghi thức này chỉ mới xuất hiện khoảng 60 năm nay. Theo Đại đức Thích An Đạt (chùa Thiên Trúc, quận 7, TP.HCM), thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đề xuất nghi thức này. Trong chuyến thăm Nhật Bản thập kỷ 1960, thiền sư thấy người Nhật Bản cài hoa cẩm chướng lên ngực trong lễ Vu lan, những người mất mẹ cài hoa màu trắng, người còn mẹ cài hoa đỏ. Khi chuyển hóa hình thức này về Việt Nam, ông chọn hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu lan báo hiếu. Nghi thức này được phổ biến và duy trì đến nay.
Bình luận