Dãy trọ nghèo của anh Nguyễn Văn Minh ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên mấy hôm liền ồn ào chuyện về quê hay ở lại Hà Nội trong đợt lễ 30/4 – 1/5. Dù chỉ gặp vội nhau lúc sáng sớm, khi nhóm công nhân vừa kết thúc ca đêm ở nhà máy trở về còn những người khác vừa tỉnh giấc để đi làm ca ngày, nhưng mọi người trong xóm cũng đã kịp hỏi han nhau ra trò. “Anh có về quê không?”, “Chị ở lại tăng ca à?”, “Có đi chơi đâu không?” là những câu hỏi thường xuyên được trao đi đổi lại trong những cuộc đối thoại ngắn.
Tuấn - bạn xóm trọ cùng anh Minh - sẽ về quê đợt này với vợ con. Ngoài kỳ nghỉ Tết, cả năm chỉ có dịp này là nghỉ lâu nhất nên Tuấn sẽ dành hết cho gia đình.
Nhưng anh Minh thì không. Anh đăng ký làm cả 4 ngày nghỉ. "Nhất bác rồi nhé. Nếu công ty em có chính sách làm tăng ca lương cao em cũng làm. Bốn ngày lương bằng cả tháng, ai mà chẳng thích", Tuấn toét miệng cười trêu Minh.
Công nhân tăng ca
Dù cũng như bao người, anh Minh thích được nghỉ vào dịp lễ, Tết. Nhưng tăng ca dịp này là một cơ hội kiếm thêm thu nhập bình thường khó có thể có nên anh không thể bỏ lỡ. Anh Minh hiện là công nhân điện tử tại Khu công nghiệp Phố Nối B. Trung bình mỗi tháng, anh kiếm được 6 - 7 triệu đồng. Trường hợp tăng ca, anh có thể kiếm thêm từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, đây là con số không nhỏ với anh.
Anh là 1 trong 300 công nhân sẽ tham gia sản xuất suốt kỳ nghỉ lễ của nhà máy. Cách đây nửa tháng khi công ty thông báo về việc tăng ca ngày lễ, không đắn đo nhiều, anh Minh lập tức đăng ký đi làm với hy vọng có thể kiếm thêm cho con hộp sữa. Vợ anh cũng hoàn toàn ủng hộ quyết định này của chồng. "Làm 4 ngày bằng lương nửa tháng, tính ra sữa của con cũng được gần 5 - 6 hộp rồi", anh Minh vừa cười, vừa nói.
Trường hợp của anh Minh không phải cá biệt. Thực tế, rất nhiều người khác mong muốn đi làm ngày lễ để tăng thêm thu nhập. Công ty anh từ khi dịch COVID-19 hạ nhiệt đã liên tục tăng ca để hoàn thành đơn hàng bị chậm cho khách. Cộng với việc thu nhập bị giảm sút suốt 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công nhân không muốn nghỉ lễ nữa mà muốn làm việc xuyên suốt.
Lý giải về điều này, anh Minh cho biết: "Trước đây, nói đến đi ca, kíp là chúng tôi sợ lắm vì quá mệt. Nhưng từ sau dịch COVID-19, công việc của công nhân bị ảnh hưởng, chỉ đi làm giờ hành chính, không tăng ca nhiều như trước. Chỉ nhận mỗi lương cơ bản thì không đủ để xoay sở mọi chi phí cho gia đình, một số công nhân phải nghỉ việc xin sang công ty khác làm để được đi làm tăng ca. Bởi vậy, khi nhận được thông báo đăng ký làm thêm hoặc làm nghỉ lễ là công nhân đăng ký rất nhanh".
Không chỉ các nhà máy đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà phát triển kinh doanh, các dịch vụ đời sống hàng ngày cũng đang quay trở lại nhịp trước đại dịch. Vào thời điểm mùa du lịch 30/4 – 1/5, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch và ăn uống càng đông khách, thu hút một lượng lớn lao động thời vụ. Nhiều người tranh thủ những dịp nghỉ như vậy để tìm đến các công việc tạm thời, chấp nhận thuê người chỉ mấy ngày lễ.
Hoàng Thị Hiền (32 tuổi, quê Thanh Hóa) thường tận dụng những ngày nghỉ lễ ở nhà máy nơi chị làm việc để tìm thêm công việc bên ngoài. Chị chia sẻ: "Những ngày lễlà cơ hội để những công nhân nghèo như chị có thể cải thiện thu nhập".
Khi công ty không tăng ca, chị xin làm bưng bê thời vụ cho các nhà hàng quán ăn. Công việc tuy vất vả nhưng cũng kiếm thêm được chút tiền gửi về ông bà ngoại lo cho đứa con 8 tuổi đóng học và mua thức ăn. “Những ngày lễ khách đông, nhân viên phục vụ ít bên nào cũng cần người", chị Hiền tâm sự.
Shipper tăng giá
Shipper đang ngày càng trở thành một nghề thiết yếu ở các đô thị lớn trên cả nước. Các loại hình kinh doanh phổ biến đều cần đến dịch vụ này, vì thế, lượng shipper thời vụ cũng gia tăng trong các dịp lễ. Chưa kể đến phí dịch vụ vận chuyển hàng hoá trên các ứng dụng giao hàng online phổ biến cũng được cộng thêm mức phí dành riêng cho các dịp lễ, Tết. Mức chiết khấu cho xế giao hàng vì thế cũng tăng lên, khuyến khích các tài xế thích thú “tăng ca” trong lễ.
Giống như anh Minh, chị Hiền, anh Bùi Thành Đạt (25 tuổi, quê Thanh Hóa) làm nghề shipper cũng lựa chọn ở lại Hà Nội làm việc thay vì về quê nghỉ ngơi.
Mỗi ngày Đạt có thể kiếm được 250.000 - 300.000 đồng/ngày từ việc giao hàng. Với đơn hàng giá trị 30.000 đồng, nam shipper này sẽ nhận được 5.000 đồng/đơn. Nếu khách ở ngoài khu vực được miễn phí vận chuyển (5 km) thì cậu sẽ được thêm khoảng 15.000 - 20.000 đồng.
Thời gian gần đây xăng tăng giá, thu nhập của cậu cũng bị ảnh hưởng. Để cải thiện thu nhập, nam shipper chấp nhận dậy sớm, thức khuya hơn một chút để nhận thêm vài đơn bù lại tiền xăng.
Quen một cửa hàng đồ ăn nhanh, Đạt nhận được đề nghị của ông chủ làm việc trong 4 ngày nghỉ lễ. Ông hứa hẹn trả anh 500.000 đồng/ngày cho công việc shipper, thời gian phục vụ từ 6h sáng đến 23h đêm.
Ban đầu Đạt dự định về quê thăm bố mẹ vì từ Tết đến giờ cậu chưa về nhà. Nhưng thấy mức lương khá hấp dẫn, giúp thu nhập tăng gấp 2 – 3 lần so với ngày thường, đắn đo mãi cậu quyết định ở lại Hà Nội để đi làm. Mức lương này có thể giúp Đạt mua thêm ít thực phẩm tốt như yến sào để bồi dưỡng, tẩm bổ cho bố mẹ ở quê.
Bình luận