Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đã phải đỏ mắt tìm lao động, nay số công nhân mắc COVID-19 tăng chẳng khác gì “cú đấm bồi” khiến các công ty lao đao.
Đại diện Công ty T.P (KCN Hòa Khánh) thừa nhận tuyển dụng lao động mới để các dây chuyền không bị gián đoạn là phương án tốt nhất nhưng thực tế không hề đơn giản. Thời điểm trước dịch, việc tuyển thêm công nhân thời vụ không quá khó khăn bởi lực lượng lao động từ các tỉnh, thành phố về Đà Nẵng khá đông. Tuy nhiên, hiện tại để tìm được lao động thay thế là khá chật vật.
“Dịch bệnh khiến lao động ngại ra thành phố tìm việc nên tuyển công nhân dụng bây giờ chẳng khác gì chuyện cọc đi tìm trâu. Nghĩa là doanh nghiệp phải chủ động đi tìm lao động chứ không phải lao động tìm đến doanh nghiệp như trước”, vị đại diện này nêu khó khăn.
Đại diện Công ty TNHH Sinaran cho hay, để ổn định sản xuất thì phương án tốt nhất là tuyển dụng thêm lao động. Tuy nhiên, tuyển được nhân sự cũng là vấn đề không hề đơn giản trong điều kiện thực tế hiện nay.
Vì vậy, thay vì tuyển lao động theo tuần hoặc tháng, quý như trước đây thì bây giờ công ty tuyển dụng theo ngày nhằm có đủ nhân lực (thời vụ) để kịp tiến độ đơn hàng.
Tuyển công nhân bây giờ chẳng khác gì chuyện cọc đi tìm trâu. Nghĩa là doanh nghiệp phải chủ động đi tìm lao động chứ không phải lao động tìm đến doanh nghiệp như trước.
Những ngày này, Công ty TNHH May mặc Whitex Việt Nam (KCN Hòa Khánh mở rộng) cũng đang tuyển hàng loạt công nhân để đảm bảo các dây chuyền sản xuất. Để tuyển được lao động, công ty đưa ra mức lương và các chế độ khác khá hấp dẫn. Cụ thể, lương khoảng 7,5 triệu đồng kèm các khoản bảo hiểm theo luật định. Công nhân chưa có tay nghề sẽ được đào tạo miễn phí.
Tương tự Công ty TNHH PI Vina Danang (KCN Hòa Khánh) cũng đăng tuyển 200 công nhân may, lương từ 7,5 đến 9 triệu đồng và người chưa thạo việc sẽ được đào tạo để ký hợp đồng.
Công ty cũng tổ chức chương trình khi lao động đến ứng tuyển được bốc thăm trúng thưởng với nhiều phần quà hấp dẫn. Thậm chí, mỗi công nhân đã có tay nghề được nhận ngay 2,5 triệu đồng tiền phí làm hồ sơ, đi lại ban đầu.
Không chỉ đưa ra mức lương, các chế độ hấp dẫn tuyển lao động mới, các công ty, doanh nghiệp cũng chủ động có giải pháp tốt để động viên, giữ chân công nhân đang làm việc.
Như Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng liên tục duy trì test nhanh COVID-19 cho tất cả lao động là F1 vào đầu mỗi ca làm việc. Công đoàn công ty động viên tinh thần công nhân qua các hoạt động như tặng khẩu trang, vitamin C, nhu yếu phẩm, hỗ trợ tiền làm tăng thêm cho công nhân.
Người trẻ không muốn làm công nhân
Trước thực trạng thiếu hụt nguồn lao động này, ngay sau Tết, hơn 80 công ty, doanh nghiệp tại Đà Nẵng phải đăng ký tham gia phiên giao dịch giới thiệu việc do Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng tổ chức. Dù nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng kết thúc phiên giao dịch, các doanh nghiệp chỉ tuyển được hơn 100 vị trí làm việc.
Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng, lực lượng lao động còn rất lớn nhưng nhiều người, nhất là người trẻ không mặn mà với công việc tại các khu công nghiệp nên các phiên giao dịch “khát” người khớp việc, các doanh nghiệp gặp khó trong tìm lao động trẻ.
Không chỉ khó khăn vì thiếu lao động do nhiều công nhân không trở lại nhà máy sau Tết, hiện công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đà Nẵng còn khó gấp bội vì số công nhân mắc COVID-19 đang tăng cao mỗi ngày.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước (Công ty Thuận Phước), quận Sơn Trà, Đà Nẵng cho biết, hầu như bộ phận nào tại công ty (từ quản lý, văn phòng đến các nhà xưởng) đều ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Con số này chiếm khoảng 15 - 20% nhân lực phải nghỉ làm khiến công ty gặp khó trong việc đảm bảo tiến độ sản xuất.
Dù lực lượng lao động còn rất lớn nhưng nhiều người, nhất là người trẻ không mặn mà với công việc tại các khu công nghiệp.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng
Ông Trần Xuân Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phước chia sẻ thêm, công nhân mắc COVID-19 phải nghỉ làm 5 - 7 ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến dây chuyền cũng như tiến độ sản xuất.
Tương tự, theo lãnh đạo Công ty CP cao su Đà Nẵng (quận Liên Chiểu), số công nhân là F0 tăng mạnh khiến có thời điểm công ty thiếu đến 30% nhân lực. “Công ty có 2.000 lao động nhưng có thời điểm mấy trăm ca F0 nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất. Tình thế đó buộc công ty phải sắp xếp nhân sự thay phiên nhau làm việc, tăng ca để đảm bảo hoạt động sản xuất”, đại diện Công ty nói.
Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng phối hợp với các ngành chức năng thành lập trạm y tế lưu động để xét nghiệm, chăm sóc y tế cho công nhân theo nhu cầu của doanh nghiệp.
“Hiện Ban quản lý quan tâm nhất là điều trị hậu COVID-19 cho công nhân. Sau khi mắc COVID-19, đa số người lao động giảm sút về sức khỏe, có các bệnh về tâm lý, stress, mất ngủ... Chúng tôi đang phối hợp với Bệnh viện 199 tổ chức các buổi tư vấn cho công nhân từng là F0 để hướng dẫn họ cách xử lý, hồi phục hậu COVID-19”, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết.
Theo thống kê chưa đầy đủ, các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp tại Đà Nẵng ghi nhận hơn 3.000 lao động mắc COVID-19. Riêng tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, số ca mắc COVID-19 mới tăng 400-500 ca mỗi ngày.
Bình luận