Nghị định 70-NÐ/CP do Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ ngày 15/9/2021) đã trực tiếp điều chỉnh một số hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, được kỳ vọng sẽ góp phần lành mạnh hóa môi trường không gian mạng, tạo cơ hội bình đẳng cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lựa chọn bởi đây được ví như "con gà đẻ trứng vàng", nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Tuy vậy, theo dõi mạng xã hội trong thời gian gần đây, nhiều người đã không khỏi ngán ngẩm trước sự xuất hiện tràn lan của hàng loạt clip quảng cáo "nhảm nhí", không xác tín, khiến không ít người tiêu dùng tiền mất tật mang.
Thậm chí, nhiều mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật như tiền giả, game lậu, vũ khí, chất kích thích... vẫn xuất hiện và ngang nhiên rao bán công khai trên mạng.
Nhằm kịp thời điều chỉnh các bất cập, ngày 20/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70-NÐ/CP (Nghị định 70) sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NÐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Trong các điểm mới của Nghị định 70 vừa ban hành, nổi lên ba vấn đề lớn.
Nghị định xác định rõ phạm vi của hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Ðó là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam (Ðiều 13 Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam).
Các đối tượng này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế. Ðây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xác định rõ nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan hoạt động dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định 70 xác định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam (khoản 4, Ðiều 13). Do đó mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam trong vòng 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh phải gửi thông báo trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính, hoặc qua phương tiện điện tử đến Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ðiểm mới này của Nghị định 70 được dư luận đồng tình. Vì theo quy định trước đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo trong phạm vi cả nước, còn Bộ Thông tin và Truyền thông được xác định là đơn vị có liên quan, thực hiện quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm, quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật.
Ðiểm mới quan trọng thứ ba của Nghị định 70 liên quan việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam. Cụ thể, "Ðiều 14. Trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới" quy định: trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật; đồng thời có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.
Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật. Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.
Những quy định mới này của Nghị định 70 đang nhận được sự quan tâm của dư luận, tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như các vấn đề thực tiễn, đồng thời được đánh giá là khá quyết liệt, cứng rắn, nếu triển khai thực hiện sẽ phát huy tác dụng trong việc chấn chỉnh môi trường quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới vốn đang có khá nhiều bất cập, mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Cần thấy rằng, việc kiên quyết, kịp thời, nhanh chóng xử lý các sai phạm như vậy sẽ góp phần hạn chế thấp nhất các bất cập, thiệt hại có thể xảy ra, nhất là quảng cáo có nội dung độc hại. Tuy nhiên, sẽ có một sức ép không nhỏ với cơ quan chức năng cũng như các bên liên quan trong nỗ lực xử lý sai phạm trong thời gian 24 giờ như Nghị định đề ra.
Bên cạnh đó, nghị định 70 đóng vai trò lớn trong việc bình đẳng ngành quảng cáo trong bối cảnh quảng cáo trên mạng xã hội đang tỏ ra lấn lướt, áp đảo các ngành quảng cáo khác. Nhờ vào nghị định này, các doanh nghiệp quảng cáo sẽ có sân chơi công bằng, sòng phẳng hơn đặc biệt là đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới.
Bình luận