Theo Đại cương lịch sử Việt Nam tập 3, từ sáng 17/2, Trung Quốc cho quân đội với lực lượng 32 sư đoàn (tương đương 60 vạn quân), 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối mở cuộc tiến công nước ta dọc theo biên giới phía Bắc - từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) dài hơn ngàn cây số.
Báo cáo của Hội đồng Chính phủ năm 1979 khẳng định cuộc chiến này được đối phương tiến hành theo một kế hoạch đã chuẩn bị từ lâu.
Theo đó, dựa vào số quân rất đông, quân đội Trung Quốc đã cùng một lúc tiến công trên nhiều hướng, lấy ba hướng Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn làm trọng điểm.
Các hướng đều tập trung lực lượng rất lớn, kết hợp bộ binh, pháo binh với xe tăng, tiến công ồ ạt đánh liên tiếp hết đợt này đến đợt khác, không kể thương vong.
Họ muốn mau chóng phá vỡ các trận địa phòng thủ, đập tan sự kháng cự của lực lượng vũ trang ta, nhanh chóng chiếm lấy các mục tiêu đã định, đặc biệt là chiếm lấy các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai trong vòng một, hai ngày.
Trước tình hình cấp bách đó, ngày 4/3/1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc.
Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi:
"Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ...
Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ban hành Lệnh tổng động viên chống quân Trung Quốc xâm lược và ngày Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt, Tuổi Trẻ Online xin mời bạn đọc nghe lại bản tin này.
Ngay trong ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh.
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định tổng động viên trong cả nước.
Quyết định ghi rõ:
Điều 1: Tổng động viên trong cả nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ; Huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước.
Điều 2: Hội đồng chính phủ có kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện quyết định tổng động viên này.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trong cả nước.
Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân. Trong đó, yêu cầu nam từ 18-45 tuổi, nữ từ 18-35 tuổi có đủ điều kiện, đều gia nhập hàng ngũ du kích và tự vệ.
Ngoài ra, ai tự nguyện đều được đưa vào tổ chức vũ trang quần chúng. Khi xảy ra chiến sự ở địa phương, trừ những người được phép sơ tán đi nơi khác, còn tất cả mọi người phải ở lại làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Tuy nhiên, ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hà - viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, nhiều năm là viện phó Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) - cuộc chiến tranh biên giới chính thức kéo dài chỉ 17 ngày, từ 17/2 đến 5/3/1979. Nhưng những cuộc xung đột còn kéo dài đến tận năm 1988.
Trong suốt chín năm, một phần đáng kể nhân tài vật lực của chúng ta đã phải dồn cho biên giới phía Bắc, trong khi Mỹ cấm vận, viện trợ của Liên Xô cắt giảm so với trước và Trung Quốc thì từ bạn thành thù.
Có thể nói VN đã hao tốn nhiều sức lực vì cuộc chiến biên giới đó. Nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài, VN càng ngày càng bất lợi.
Chính vì vậy, năm 1988, khi VN chủ động rút quân chủ lực lùi xa biên giới 40km, tình hình biên giới lắng dịu ngay, và đến năm 1991 thì VN và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Thành Đô, Trung Quốc.
Bình luận