• Zalo

Nghệ An đề nghị lùi thời gian triển khai SGK lớp 10 chương trình phổ thông mới

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 28/08/2021 10:44:25 +07:00Google News
(VTC News) -

Nghệ An đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lùi lộ trình thực hiện sách giáo khoa (SGK) lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức hôm 28/8, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lùi lộ trình thực hiện sách giáo khoa lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2022 - 2023 sang năm học 2025 - 2026.

Theo ông Trung, nhiều địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, chưa đủ điều kiện đảm bảo nguồn lực để chuẩn bị, nhất là chương trình, sách giáo khoa cũng như đội ngũ giáo viên. Việc triển khai dạy học sách giáo khoa lớp 10 mới từ năm học 2022 - 2023 rất khó cho địa phương.

"Năm học này, chúng ta bắt đầu thực hiện sách giáo khoa lớp 6. Ba năm nữa cho thực hiện sách giáo khoa lớp 10 sẽ phù hợp hơn, đảm bảo chất lượng và tính đồng bộ", ông Nguyễn Đức Trung nói.

Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An mong Bộ GD&ĐT quan tâm, xem xét ba đề nghị. Thứ nhất, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu trình Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên cho Nghệ An. Tỉnh đang thiếu gần 8 nghìn giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho ngành giáo dục trong đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học. 

Thứ hai, Bộ GD&ĐT hỗ trợ tỉnh Nghệ An về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tổ chức thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ ba, Nghệ An đề nghị Bộ GD&ĐT hỗ trợ kêu gọi các nguồn lực thực hiện thành công Đề án phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và trường có học sinh dân tộc bán trú.

Nghệ An đề nghị lùi thời gian triển khai SGK lớp 10 chương trình phổ thông mới - 1

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, năm học 2020 - 2021 là năm toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đề ra.

Đây cũng là năm đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng rất nặng nề của lũ lụt, thiên tai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục và đào tạo.

Từ thực tiễn trên Bộ GD&ĐT chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Tại hội nghị, Bộ trưởng mong muốn được nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận về những kết quả, cũng như tồn tại, hạn chế, bất cập, những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ của giáo dục đào tạo; ý kiến đóng góp xây dựng cho kế hoạch phát triển giáo dục trong năm học tới.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn